Oscar: 9 bí mật của những Phim hay nhất

(Dân trí) - Những bộ phim được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar 2017 đều có những bí mật nhỏ thú vị. Hãy cùng khám phá trước thời khắc cái tên chiến thắng được xướng lên.

Naomie Harris ghi hình vai diễn được đề cử Nữ phụ xuất sắc nhất trong phim “Moonlight” (Ánh trăng) chỉ trong vòng 3 ngày.

Harris chỉ có 3 ngày nghỉ trước khi tham gia vào loạt kế hoạch quảng bá phim “Spectre” cùng với đoàn làm phim James Bond. Chính trong 3 ngày nghỉ này, cô đã thu xếp để ghi hình phần vai của mình trong “Moonlight”.

Điều đó đòi hỏi Harris phải nhanh chóng dứt ra khỏi vai diễn trong “Spectre”, tạm quên đi những sự kiện thảm đỏ và những bộ đầm hàng hiệu mà cô cần chuẩn bị sẵn sàng cho loạt sự kiện quảng bá phim sắp diễn ra, để nhập vai một người nghiện, một vai diễn đòi hỏi cô phải nhập vai từ ngoại hình cho tới nội tâm…

Đứng trước áp lực thời gian gắt gao như vậy, Harris cho biết: “Khi đó, tôi thực sự cảm thấy sợ. Nhưng rồi tôi nhủ thầm: Chúa ơi, mình thực sự phải cố lên để diễn bằng được vai này”. Sự nỗ lực hết sức của Harris đã đền bù cho cô bằng một vai diễn nghệ thuật được đề cử Oscar và một vai diễn thương mại thành công ngoài phòng vé.

Cảnh kẹt xe mở đầu phim “La La Land” (Những kẻ khờ mộng mơ) thoạt tiên không có trong kịch bản.

Đạo diễn Damien Chazelle thoạt tiên có một khởi đầu rất khác cho “La La Land”, không phải cảnh nhảy múa trên đoạn đường kẹt xe với nhạc phẩm “Another Day of Sun”. Thoạt tiên, đó là một cảnh mở đầu theo phong cách làm quen rất cổ điển, khi cả hai nhân vật Mia và Sebastian đều đang ở trong xe của họ, rồi một tình huống xảy ra khiến hai người quen nhau.

Nhưng rồi khi đã ở vào khâu biên tập phim, đạo diễn Chazelle cảm thấy cách đặt ra tình huống như vậy không hiệu quả, vì vậy, anh quyết định thực hiện lại và đưa vào cảnh kẹt xe diễn ra ở thành phố Los Angeles - bối cảnh của chuyện phim.

Điều thú vị là trong một nghiên cứu khảo sát vừa mới được đưa ra tại Mỹ, thì Los Angeles chính là thành phố có tình trạng tắc nghẽn giao thông tệ nhất nước Mỹ. Ngay lập tức, nhiều tờ báo Mỹ đã liên hệ ngay tới đoạn mở đầu bằng cảnh kẹt xe ở Los Angeles trong “La La Land”.

Nam diễn viên Lucas Hedges trong phim “Manchester by the Sea” (Bờ biển Manchester) đã phải nhịn nói để diễn xuất tốt.

Lucas Hedges được đề cử ở hạng mục Nam phụ xuất sắc nhất với vai diễn trong “Manchester by the Sea”. Để quay một cảnh trong đó nhân vật cậu thiếu niên do Hedges đảm nhận trải qua một cơn bão cảm xúc sau sự ra đi của cha, nam diễn viên 20 tuổi này đã phải dành nguyên một ngày trong im lặng, không nói với ai bất cứ câu gì.

Đến cuối ngày, khi máy quay bắt đầu bấm và những câu thoại của nhân vật là những câu nói đầu tiên trong ngày của Hedges, cậu đã bung tỏa cảm xúc, lúc này nhu cầu được nói quá lớn cộng thêm cảm xúc vỡ òa khi nhập vai đã giúp Hedges thể hiện rất đạt nỗi đau khổ của nhân vật.

“Arrival” (Cuộc đổ bộ bí ẩn) và sự ra đời của một ngôn ngữ mới ngoài hành tinh.

Thứ ngôn ngữ ngoài hành tinh với những chi tiết hình vòng tròn đã xuất hiện một cách rất tình cờ trong một cuộc trò chuyện của biên kịch Eric Heisserer: “Tôi đã vẽ nguệch ngoạc vài nét linh tinh để diễn đạt cho vợ tôi hiểu điều tôi đang cảm nhận thấy tại thời điểm đó, để xem liệu tôi có thể khiến cho cô ấy hiểu được những ẩn dụ tâm trạng của tôi không”.

“Thế rồi vợ tôi bảo rằng hãy đưa chi tiết này vào trong kịch bản của anh. Hệ ngôn ngữ ngoài hành tinh mà tôi cần xây dựng cho phim đã được ra đời như thế, về sau, nó được phát triển lên một cách hợp lý, mỹ thuật hơn bởi họa sĩ Martine Bertrand”.

Bí quyết diễn xuất của nữ diễn viên Taraji P. Henson trong “Hidden Figures” (Số liệu ẩn) nằm ở… đồ lót.

Taraji P. Henson là nữ diễn viên chính của phim “Hidden Figures”, cô nhập vai nhà toán học thầm lặng của NASA - Katherine Johnson. Chuyện phim lấy bối cảnh thập niên 1960 nên trang phục trong phim cũng mang đậm phong cách cổ điển của thời kỳ này. Dù vậy, không ai yêu cầu nữ diễn viên Henson phải mặc… đồ lót thập niên 1960.

Chính cô đã tự tìm mua để nhập vai một phụ nữ thập niên 1960 từ trong ra ngoài, bởi theo Henson, đối với diện mạo một người phụ nữ, đồ lót dù ẩn giấu nhưng lại tác động rất nhiều tới cảm xúc, ngôn ngữ cử chỉ, dáng điệu, sự tự tin, thoải mái của họ. Vì vậy, nữ diễn viên đã lùng mua những món đồ cổ điển dành cho nữ giới.

“Sự chuẩn bị cầu kỳ này giúp tôi có được dáng điệu hoàn hảo của một phụ nữ sống ở thập niên 1960. Phụ nữ thời này không ăn vận thoải mái, cởi mở, dễ chịu như phụ nữ đương đại. Những sự gò bó đối với họ thể hiện ngay cả ở hình thể, ở từng món trang phục mà họ diện lên người”, nữ diễn viên Taraji P. Henson cho biết.

Trong “Lion” (Tìm mẹ), cảnh kết phim được quay đầu tiên, trước tất cả những cảnh khác.

Chuyện phim là câu chuyện có thật, kể về hành trình tìm lại nguồn cội của một người đàn ông gốc Ấn sau những năm tháng sinh sống và trưởng thành tại Úc nhờ sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ nuôi.

Nam diễn viên đảm nhận vai chính - Dev Patel - đã thực hiện một cảnh kết đầy cảm xúc, khi nhân vật Saroo Brierley trở về với làng quê nghèo nơi anh từng được sinh ra và ra đi từ đây để đến với cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Dân làng ở ngôi làng quê hương đích thực của nhân vật Saroo Brierley đã ùa ra chào đón người con của làng quê trở về với nguồn cội trong một cảnh phim ngập tràn cảm xúc. Trước đây, cảnh này đã thật sự diễn ra, khi được biết về bộ phim kể lại cuộc đời Saroo, dân làng đã nhất trí hỗ trợ đoàn phim tái hiện lại cảnh họ đón Saroo.

Ý tưởng của cảnh phim này là nhân vật Saroo ngỡ ngàng, sửng sốt, mừng vui khó tả và như bị lạc trong sự chào đón của dân làng. Để biểu đạt được cảm giác choáng ngợp đó, cảnh kết đã được quay đầu tiên khi nam diễn viên Dev Patel còn chưa thực sự nhập vào nhân vật. Chính những sự bỡ ngỡ đã tạo nên một cảnh kết ấn tượng.

Nam diễn viên Jeff Bridges đã đến gặp một cảnh sát nổi tiếng để chuẩn bị cho vai diễn trong “Hell or High Water” (Không lùi bước).

Nam diễn viên Jeff Bridges đã nhập vai một cảnh sát ở bang Texas trong hành trình truy tìm tội phạm cướp ngân hàng. Vai diễn này đã đưa về cho anh một đề cử ở hạng mục Nam phụ xuất sắc nhất.

Để chuẩn bị cho vai diễn, Bridges đã đến gặp một cựu cảnh sát nổi tiếng của bang Texas - ông Joaquin Jackson, người từng tổng kết lại sự nghiệp của mình trong cuốn hồi ký “One Ranger” (2005) và đã ra đi năm 2016, ngay trước thời điểm phim ra mắt.

Jeff Bridges đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của ông Joaquin Jackson để chuẩn bị cho vai diễn. Trong suốt quá trình đảm nhiệm vai cảnh sát Marcus Hamilton, Bridges luôn lấy ông Jackson ra làm hình mẫu để diễn xuất theo, từ cách đi đứng cho tới biểu cảm, lời nói.

Đạo diễn Mel Gibson đòi hỏi cả những chú chuột cũng phải tham gia diễn xuất trong “Hacksaw Ridge” (Người hùng không súng).

Để đặc tả bối cảnh phim - Thế chiến II và những điều khủng khiếp diễn ra ngoài chiến trường, đạo diễn Mel Gibson đã đưa vào cả những chú chuột thật. Có một cảnh, trong đó, một nam diễn viên phụ phải nằm trong bùn lầy và để cho những con chuột bò lên người, lên mặt, anh phải tuyệt đối nằm yên như thể mình đã chết rồi.

Nam diễn viên Andrew Garfield đã chứng kiến cảnh quay này và bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho nam diễn viên phụ kia bằng một lời khen ngợi: “Chính anh ấy mới là ngôi sao của chuyện phim”.

Biên kịch quá cố August Wilson “đến thăm” phim trường “Fences” (Tường rào).

Đạo diễn kiêm diễn viên chính của phim “Fences” - Denzel Washington - tin rằng biên kịch quá cố của phim - ông August Wilson (1945-2005) đã “ghé thăm” phim trường của mình. Khi quay cảnh kết phim, bỗng nhiên cửa cổng của phim trường đóng sầm lại một cách bất ngờ dù không ai tác động gì tới, khiến mọi người đều giật mình, còn đạo diễn Denzel Washington thì nói vui với cả đoàn rằng: “Đó chính là biên kịch August đến thăm chúng ta đấy”.

Bích Ngọc
Theo USA Today/Hollywood Reporter

Dòng sự kiện: Oscar 2017