10 ca khúc bất hủ không thể bỏ qua khi Hà Nội vào Thu
(Dân trí) - 10 giai điệu là 10 bản tình ca bất hủ viết về Hà Nội trong những ngày đất mảnh đất này bước vào mùa đẹp nhất trong năm – mùa Thu. Những giai điệu được viết nên bởi những trái tim yêu Hà Nội đến thiết tha và đã đi vào lòng người như những giai điệu đẹp nhất của âm nhạc.
Có phải em mùa thu Hà Nội – Tô Như Châu, Trần Quang Lộc
“Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…”.
“Có phải em mùa Thu Hà Nội” nguyên thủy là bài thơ dài 320 chữ của thi sĩ Tô Như Châu sáng tác vào tháng 8/1970 tại Đà Nẵng. Tác giả sáng tác bài thơ này dựa trên cảm hứng về hình ảnh những cô gái Bắc di cư lúc ấy, xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Theo lời thi sĩ kể lại, thời đó ông rất mê những cô gái Bắc di cư và đã mơ mộng về mùa Thu Hà Nội. Những hình ảnh của họ đã theo ông vào câu thơ bảng lảng sương khói mùa Thu cho dù chỉ là tưởng tượng.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc gặp lại thi sĩ Tô Như Châu khi ông đang còn là sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn nghỉ hè về thăm nhà. Khi gặp lại, Tô Như Châu có khoe mới sáng tác một bài thơ về Hà Nội. Đọc xong bài thơ, nhạc sĩ họ Trần thấy một sự đồng cảm len lỏi trong lòng. Và ông bắt tay vào phổ nhạc cho bài thơ ngay sau đó. Nhạc sĩ họ Trần đã “chắt” những vần thơ “đắt” nhất vào một khuông giai điệu tuyệt đẹp với tiết tấu dàn trải, tự nhiên và lẫn thêm nhiều hư ảo. Những giai điệu quyện lấy ca từ và định dạng luôn trong vô thức của người nghe với những vần thơ rất dễ thấm. Năm 1972, ca khúc này chính thức ra đời và được nữ danh ca Thái Thanh thể hiện đầu tiên. Ca khúc này sau đó cũng được ca sĩ Hồng Nhung, Thu Phương và nhiều ca sĩ khác thể hiện.
Nhớ mùa thu Hà Nội" - Trịnh Công Sơn
"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội..."
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Năm 1985, tôi cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời sang thăm. Khi trở về, tôi ở lại Hà Nội một tháng. Mỗi sáng, tôi và Thái Bá Vân (nhà phê bình mỹ thuật) đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống - bay lên”.
Tác phẩm âm nhạc này ra đời trong một tháng “tình mộng” của nhạc sĩ họ Trịnh. Ca khúc lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Ca khúc có mặt trong hầu hết list nhạc của người yêu Hà Nội. Từng có nhiều giọng ca thể hiện ca khúc này nhưng có lẽ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất. Giọng hát của chị khiến cho những ai xa Hà Nội cũng phải xốn xang, bồi hồi, nhung nhớ… về một Hà Nội với bao sắc Thu đặc trưng.
"Hà Nội mùa thu" - Vũ Thanh
"... Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta
Như bâng khuâng, nghe gió đưa
Vang vọng giữa Ba Đình..."
Nhạc sĩ Vũ Thanh sinh năm 1933 ở Từ Liêm - Hà Nội. Ðầu năm 1980, với hoàn cảnh đất nước thống nhất, nghĩ lại tất cả những ngày đã qua và trong một lúc nào đó nhạc sĩ chợt bắt gặp mùa thu của Hà Nội. Mùa thu của niềm thương, nỗi nhớ và cả nổi niềm riêng tư, những kỷ niệm của một thời đã qua. Từ cảm xúc đó bài hát "Hà Nội mùa thu" đã ra đời và nhanh chóng trở thành tác phẩm bất hủ về mùa Thu Hà Nội.
Mùa Thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, vừa lịch sử lại vừa hiện đại, lấp lánh tương lai. Đó là một “mùa Thu mới” không còn khói lửa đạn bom mà lắng đọng suy tư, bâng khuâng xao xuvến: “Anh nghe chăng/Trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình/ Hà Nội mùa Thu ôi xao xuyến trong lòng ta/ Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình…”
"Đoản khúc thu Hà Nội" - Trịnh Công Sơn
"... Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hà Nội mùa thu, Hà Nội thu
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Không bởi vì em, hay vì em
Hà Nội mùa thu, Hà Nội gió..."
Là một trong hai sáng tác nổi tiếng viết về mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Đoản khúc thu Hà Nội” được nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác năm 1995 mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp cũng giống như nhịp sống lặng lẽ, âm thầm của Hà Nội. Nếu ở “Nhớ mùa thu Hà Nội” tác giả thể hiện những rung động trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những hình ảnh đầy màu sắc của mùa thu Hà thành, thì ở ca khúc này hình ảnh về thành phố nghìn năm lại là một "mùa thu tràn nỗi nhớ".
“Hà Nội đêm trở gió” – Chu Lai, Trọng Đài
“…Hà Nội ơi! Nhớ về mùa thu Tháng Mười,
Áo học trò xanh những hàng me
Hà Nội ơi! Ta nhớ không quên
Hà Nội ơi! Trong trái tim ta...”
Vào năm 1993, lần đầu tiên bài hát "Hà Nội đêm trở gió” được trình diễn qua giọng hát của ca sĩ Tuyết Tuyết trong một vở kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai do Nhà hát kịch Hà Nội công diễn tại rạp Công nhân - Hà Nội.
Tuy là tác phẩm viết riêng cho vở kịch nhưng bài hát "Hà Nội đêm trở gió" của nhạc sĩ Trọng Đài với âm điệu trữ tình, sâu lắng đã nhanh chóng đến với giới yêu nhạc cả nước
Bài hát có giai điệu trữ tình, thắm đượm tình cảm sâu sắc dành cho Thủ đô đã trở thành một nhạc phẩm bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam. Đó là một chiều mùa thu “gió dọc về trên phố phường, nắng vàng hồng tươi những nụ cười”, đó là tiếng rao vang của những gánh hàng rong trên đường phố, đó là “áo học trò xanh những hàng me”, và đặc biệt là “cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng” - một hình ảnh nên thơ để lại ấn tượng đối với bất kỳ ai từng gắn bó với Hà Nội.
Đây cũng là một trong những ca khúc ghi dấu tên tuổi của Mỹ Linh trong thập niên 90, mà cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến ca khúc này, người ta vẫn nghĩ đến một Mỹ Linh tươi trẻ với mái tóc ngắn bên những cô cậu học trò yêu mến một giọng ca thật đẹp. Ngoài tình yêu với Hà Nội, ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội trong những ngày đổi mùa, "Hà Nội đêm trở gió" còn là những kỉ niệm về tuổi học trò thân thương của thời áo trắng, với những hình ảnh đẹp nhất đã từng xuất hiện trong một video clip ca nhạc của Việt Nam.
"Hoa sữa" - Hồng Đăng
"... Kỷ niệm ngày xưa, vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung, những con đường nhỏ
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào, anh lại quên em, có lẽ nào..."
Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978, “Hoa sữa” đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng riêng trong đời sống âm nhạc. Lời ca nói về sự chia ly của những đôi tình nhân, về nỗi mong mỏi người yêu của một người thiếu nữ, nhưng mỗi khi câu hát "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" vang lên, người nghe thường nghĩ ngay tới mùa thu Hà Nội bởi chỉ có thu Hà Nội mới có mùi hương hoa sữa nồng nàn - một nét đặc trưng mà không nơi nào có được. Chính vì vậy “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng mãi sống trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam như là một trong những ca khúc hay nhất về mùa thu Hà Nội. NSND Lê Dung là người đầu tiên thể hiện ca khúc này nhưng đến những năm 90, “Hoa sữa” lại được khán giả biết đến nhiều hơn qua giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Lam.
"Đâu phải bởi mùa thu" - Phú Quang
"...Em ru gì, lời ru cho anh
Một đời đam mê, một đời giông tố
Em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha
Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
Thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt
Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu..."
Ca khúc được nhạc sĩ Phú Quang sáng tác năm 1976, viết cho người tình đầu tiên ở Sài Gòn dựa trên ý thơ trong bài thơ “Yên tĩnh” của nhà thơ Giáng Vân. Tuy nhiên, phải 10 năm sau khi ra đời tác phẩm âm nhạc này mới đến được với công chúng. Mùa thu trong bài hát đẹp nhưng buồn. Những chiếc lá vàng rơi xuống là biểu tượng của mùa thu nhưng có đôi khi lá vàng rơi cũng chẳng phải do mùa thu, mùa nào cũng có niềm riêng thế nên mới có “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Phú Quang là vậy, trong nỗi buồn sâu lắng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống, thúc giục người ta cố gắng kiếm tìm những khoảng trống trong tâm hồn để lấp đầy nó bằng niềm tin mãnh liệt.
"Hương ngọc lan" – Anh Quân, Dương Thụ
“Góc phố nơi anh hẹn,
Cành ngọc lan xõa bóng mát
Toả hương bát ngát.
Báo với em ngày cuối thu buồn...”
Anh Quân tâm sự, cũng như những người con Hà Nội khác, mùa thu với anh luôn rất đặc biệt bởi đó là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm, cảm xúc của con người, nhất là đối với giới nghệ sỹ của như anh.
Có điều đặc biệt trong những sáng tác viết về Hà Nội của anh …không có từ nào là Hà Nội. Nhưng khi khán giả nghe và cảm nhận, họ đều thấy rằng đó chính là những ca khúc viết về Hà Nội bởi những nét đặc trưng nhất của Hà Nội đều được anh đưa vào bài hát.
“Tôi có thể nói ngay đó là bài hát “Hương ngọc lan”. Không ở đâu có những góc phố có cây ngọc lan và mùi hương ngọc lan đặc trưng như Hà Nội. Đó là những nét rất riêng của Hà Nội, nó mang hơi thở của mùa thu Hà Nội”.
"Hương ngọc lan" do Anh Quân – Dương Thụ sáng tác nằm trong album “Tóc ngắn” của Mỹ Linh ra mắt năm 2000. Bài hát là câu chuyện của một cô gái đối thoại với người yêu ở một góc phố vào chiều cuối thu. Đó là góc phố kỷ niệm, ngạt ngào mùi hoa ngọc lan, một mùi hương rất đặc trưng của mùa thu và Hà Nội. Bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trẻ hiện hiện lại dưới nhiều bản phối khác nhau nhưng đi vào lòng người nhất vẫn là bản gắn với giọng hát Mỹ Linh.
"Im lặng đêm Hà Nội" - Phạm Thị Ngọc Liên, Phú Quang
"... Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ
Đêm cuối thu, trăng lạnh mờ sương
Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya
Không gian dạ hương sâu thẳm..."
"Im lặng đêm Hà Nội" là một bài thơ nổi tiếng của Phạm Thị Ngọc Liên được in trong tập thơ "Thức đến sáng và mơ" năm 2004. Tập thơ này cũng đã được nhận tặng thưởng của hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc bài thơ này khi tìm được sự đồng cảm đến “tê người” từ những câu thơ cuối cùng của bài thơ. Ông đã xin phép nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên cho sửa lại từ “chơ vơ” thành “ngây ngô” còn giữ lại nguyên lời thơ.
Hoa sữa từ lâu đã trở thành mùi hương đặc trưng của Hà Nội, nhưng cảm nhận về mùi hương ấy rõ nét nhất, “nồng nàn” nhất có lẽ phải vào ban đêm. Khi ấy, phố xá đã lùi vào tĩnh lặng, con người cũng như đã rũ hết bao bộn bề lo toan thường nhật để đối diện với chính mình. Trong “không gian dạ hương sâu thẳm” ta nghe rõ “tiếng chim đêm khắc khoải vọng về” hay là tiếng lòng người con gái đang thổn thức nhớ về những kỉ niệm của mối tình đầu? Trong ánh trăng cuối thu“lạnh mờ sương” ấy, cô gái như soi thấu tâm hồn mình để nhận ra một Hà Nội của đêm thật sâu lắng.
Hà Nội đêm sao mà yên tĩnh và cô đơn đến thế, hay trong mắt người con gái đang nhớ nhung hoài niệm kia, tất cả bỗng chốc trống vắng và lẻ loi “từng hàng cây góc phố ngây ngô nhìn nhau”, như cô đang một mình. Ngọc Tân, Thanh Lam, Ngọc Anh, Phương Anh đã tìm đến “Im lặng đêm Hà Nội” để trải lòng mình.
"Nồng nàn Hà Nội" - Nguyễn Đức Cường
"... Đưa em đi qua thăng trầm, bao tháng năm đã úa màu
Gọi tên từng phố cổ, chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh
Ngọt ngào hoa sữa thơm
Gọi mùa thu về thật lâu, để ta biết, nồng nàn..."
Nguyễn Đức Cường chia sẻ, ca khúc này được viết khoảng năm 2007. Ngày đó anh mới ra trường, lập nhóm đi diễn ở các tỉnh. “Chúng tôi thường về muộn, rất khuya, có lần về đến Hà Nội đã chạng vạng sáng rồi. Lúc đó, trong người rất mệt mỏi nhưng nhìn thấy một Hà Nội yên bình, đang chuyển động sang ngày mới thì quên hết mệt. Tiết trời khi đó đang mùa thu, se lạnh, những cụ già, trẻ em bắt đầu xuống phố tập thể dục. Tôi cứ nhìn thấy gì thì viết ra như thế thôi", Đức Cường bộc bạch.
Ca khúc phong cách rock unplugged pha lẫn R&B là cái nhìn chân thực nhưng không kém phần lãng mạn về Hà Nội đương đại. Một "Hà Nội dịu dàng và ấm áp", "phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn", "chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh", "dòng người vội vã", "ngồi ăn một quán ven đường"... dễ dàng đến với giới trẻ bởi đó là chính những gì họ đang sống, đang trải qua hàng ngày.
"Cường viết bằng cảm nhận của một người trẻ nên lạc quan lắm. Mọi điều diễn ra quanh cuộc sống đều tươi mới, vì thế muốn viết một ca khúc về Hà Nội với cái nhìn tích cực, để hướng tới sự phát triển hơn nữa. Và dù Hà Nội có trong tư thế hội nhập vẫn luôn mang nét văn hóa cổ kính, vẫn giữ được những góc phố nên thơ, lãng mạn", Nguyễn Đức Cường chia sẻ. Ca khúc từng được Hoàng Hải thể hiện thành công.
Hà Tùng Long