Tuyển sinh 2021: Xét tuyển bằng phỏng vấn - có nên áp dụng đại trà?

Nhiều cơ sở giáo dục đại học dự kiến tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp và áp dụng tiêu chí phụ để xét tuyển trong trường hợp nhiều thí sinh có cùng tổng điểm, dẫn đến vượt chỉ tiêu.

Ưu tiên thí sinh giỏi

Theo thông báo của Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, bên cạnh phương thức tuyển sinh như: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT; Ưu tiên xét tuyển và xét học bạ theo quy chế xét tuyển của trường; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực; năm 2021, nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn. Theo đó, đối tượng là thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

Phương thức này xét tuyển theo nguyên tắc điểm trung bình học tập năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12; Thí sinh sẽ tham gia phỏng vấn trực tiếp (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) với Hội đồng tuyển sinh. Thí sinh được tuyển đặc cách vào học chuyên ngành (năm 2) khi đạt điều kiện: Có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (IELTS từ 5.5 trở lên và không có điểm thành phần nào dưới 5.0; Đạt điểm đánh giá của Hội đồng tuyển sinh từ 90% trở lên).

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sử dụng hình thức xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có điểm trung bình chung học tập (lớp 10, 11, 12 đạt 8,0 trở lên) và đáp ứng một trong các điều kiện: Thí sinh thuộc hệ chuyên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh) của các trường THPT chuyên trên toàn quốc. Thí sinh được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh bậc THPT;

Thí sinh được chọn tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; tham dự Vòng thi tháng/quý/năm Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 trở lên (đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý). Thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo thông tin vừa công bố, năm 2021 Trường ĐH Bách khoa TPHCM bắt đầu sử dụng hình thức phỏng vấn và dành chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này từ 1 - 5% tổng chỉ tiêu của trường (tương đương 50 - 250 người).

Bên cạnh sử dụng phương thức tuyển sinh mới, nhiều trường ĐH cũng áp dụng tiêu chí phụ để xét tuyển. Đơn cử Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm Hồ Chí Minh, tiêu chí phụ được áp dụng trong trường hợp nhiều thí sinh có cùng tổng điểm dẫn đến vượt chỉ tiêu. Khi đó, Hội đồng tuyển sinh xét thêm tiêu chí phụ là điểm thi môn chính trong tổ hợp xét tuyển.

Chưa nên áp dụng đại trà

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Vì thế, sử dụng hình thức phỏng vấn để tuyển sinh thuộc thẩm quyền của các trường. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng hình thức này với những trường hợp chỉ tiêu tuyển sinh ít và cần được chọn lọc kỹ. Còn nếu áp dụng đại trà sẽ không phù hợp, vì cồng kềnh, tốn kém và không khả thi. "Tôi không phản đối hình thức phỏng vấn nhưng xét về phương diện kinh tế, tính hiệu quả không cao" - TS Lê Viết Khuyến nói.

Theo TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nên dù là phỏng vấn hay hình thức xét tuyển nào khác cũng do trường chủ động xây dựng và được công bố trong đề án tuyển sinh. Có thể, năm nay trường muốn tăng chất lượng đầu vào và tạo thêm cơ hội cho thí sinh vào đại học nên áp dụng hình thức phỏng vấn để tuyển sinh. Tuy nhiên, hình thức này chỉ nên áp dụng thí điểm ở một ngành có tính đặc thù hoặc áp dụng cho lưu học sinh, tuyển sinh người nước ngoài…

Ngoài ra, các trường có thể áp dụng phỏng vấn như một hình thức phụ. Chẳng hạn, phỏng vấn những thí sinh đã trúng tuyển để khảo sát nhu cầu, sở thích… "Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng áp dụng hình thức phỏng vấn với lưu học sinh, nhất là ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, chưa áp dụng rộng rãi với tuyển sinh đại học hệ chính quy nên chưa đưa vào đề án tuyển sinh" - TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Tán thành việc các trường áp dụng tiêu chí phụ để tuyển sinh, TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Điều này hợp tình, hợp lý. Đó cũng là cách thức để lựa chọn thí sinh có cùng số điểm. Tuy nhiên, cần lưu ý: Những năm trước, thậm chí năm 2020, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng không để ý đến tiêu chí phụ là điểm học bạ nên trượt nguyện vọng 1.

TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho rằng: Các trường đại học nên xây dựng tiêu chí phụ và công bố công khai trong đề án tuyển sinh để thí sinh theo dõi. "Tùy từng trường có thể xây dựng tiêu chí phụ khác nhau, phù hợp thực tiễn. Trường ĐH Duy Tân áp dụng tiêu chí phụ là môn chính trong tổ hợp xét tuyển" - TS Võ Thanh Hải chia sẻ.

Để không bị "trượt oan" do không nắm rõ tiêu chí phụ, TS Võ Thanh Hải lưu ý thí sinh: Nguyên tắc tối quan trọng là khi thí sinh đã quyết định chọn ngành của một trường cụ thể nào đó bắt buộc phải đọc đề án tuyển sinh của trường. Đặc biệt, đừng quên bỏ qua tiêu chí phụ, bởi có thể nó sẽ là "cứu cánh" cho các bạn.

Theo TS Võ Thanh Hải, hình thức phỏng vấn không xa lạ nhưng mới ở chỗ, năm nay một số trường mạnh dạn áp dụng để tuyển sinh hệ đại học chính quy. Tuy nhiên, chỉ nên thí điểm ở một số ngành có tính đặc thù, chưa nên áp dụng đại trà. Quá trình phỏng vấn phải công khai, minh bạch và công bằng, khách quan, tránh để yếu tố tình cảm chi phối. 
 
Theo GDTĐ