Ý kiến bạn đọc:

Năm 2020: Quay lại hình thức thi đại học cách đây 19 năm

(Dân trí) - Nếu đổi kỳ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT, trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH,CĐ chúng ta lại trở về hình thức như những năm 2001 trở về trước.

Sau khi nghe Bộ GD&ĐT thông báo về đổi thi THPTQG sang thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều luồng ý kiến trái ngược.

Bản thân tôi khi chứng kiến thi tuyển THPT quốc gia nhiều năm, bằng sự chiêm nghiệm của mình khi làm trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy không sớm thì muộn cần phải thực hiện như thế và trả cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh, đó là xu hướng tất yếu của giáo dục thế giới. Sở dĩ như vậy là vì các lý do sau:

Phải quy trách nhiệm lãnh đạo mới sợ

Không khó khăn gì để chúng ta nhận thấy nếu đổi thi  THPT quốc gia (THPTQG) phục vụ thi tốt nghiệp THPT (TNTHPT), trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ chúng ta lại trở về hình thức như những năm 2001 trở về trước.

Nhiều người đã nhận xét sẽ làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong thi cử do các địa phương phụ trách. Nhưng đó là bề ngoài, còn khi Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương phụ trách thi cử TNTHPT mà gắn quy chế, trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương thì tôi tin rằng không địa phương nào dám làm trái quy định, cụ thể ở đây là Giám đốc các Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND các tỉnh.

Các vị này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra sai xót, tiêu cực trong thi cử. Những tiêu cực trong thi cử trước đây quy cho 1 vài đối tượng đóng vai thế, xảy ra như quý vị biết nhưng Giám đốc các Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND các tỉnh vẫn bình chân như vại, không bị ảnh hưởng gì, nay nếu quy trách nhiệm như vậy các vị đó sẽ phải biết sợ và làm cho nghiêm túc, công tâm.

Điều này sẽ giúp cho Bộ GD&ĐT giảm bớt áp lực, vốn trước đây cứ có sai xót, tiêu cực gì là Bộ GD&ĐT lại phải dơ đầu chịu báng, như thế thật sự là không công bằng.

Việc giao các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm tự tuyển sinh đó là xu thế tất yếu, và đáng lý ra phải làm từ lâu rồi như trước đây những năm 2001 trở về trước.

Trả lại nhiệm vụ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH,CĐ

Trước đây các trường ĐH, CĐ căn cứ vào kỳ thi THPTQG để xét tuyển như thế là đã dựa dẫm vào Bộ GD&ĐT quá nhiều, điều này không có lợi. Bây giờ trả lại nhiệm vụ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sẽ có rất nhiều thuận lợi.

Cụ thể: Các cơ sở GD&ĐT nhất thiết phải xây dựng cho mình quy trình tuyển sinh đảm bảo tính công bằng, hiện đại và Việt Nam.

Nói thế có nghĩa các trường phải biết ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng quy trình tuyển sinh, phát triển chương trình, ước lượng quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh.

 ĐHQG Hà Nội là một ví dụ minh họa rõ ràng khi họ đã xây dựng được quy trình kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh mà như tôi biết nhiều cơ sở đã học hỏi và áp dụng, liên kết triển khai.

Đồng thời, cần xác định rõ bản chất tuyển sinh vào các cơ sở đó là kiểm tra năng lực để đáp ứng theo tiêu chuẩn có thể học tại cơ sở giáo dục ĐH, CĐ đó. Đây là điểm đặc biệt và phải nói rõ có bản chất khác với tuyển sinh những năm 2001 trở về trước.

 Nếu như tuyển sinh những năm 2001 trở về trước là một cuộc đấu trí như kiểu một mất một còn để có một suất đại học lấy theo điểm chuẩn và từ cao xuống thấp thì giờ đây chỉ yêu cầu học sinh đáp ứng theo 1 tiêu chuẩn do cơ sở giáo dục đại học đặt ra để vào học.

Còn quá trình học tại cơ sở giáo dục đại học đó học sinh không đáp ứng được thì mới bị loại. Điều này sẽ khiến cho học sinh, phụ huyenh thấy nhẹ nhàng, không căng thẳng.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học sẽ đứng trước thử thách lớn khi xây dựng quy chế, cách thức tuyển sinh, tiêu chuẩn đáp ứng của thí sinh cho riêng mình.

Nhưng để tiến đến một đại học tự chủ, xa hơn là một đại học đẳng cấp khu vực và quốc tế thì đó là việc phải làm hiển nhiên. Có thể chưa thể đạt kết quả ngay nhưng phải làm, vừa làm vừa khắc phục thiếu xót để tiến tới hoàn thiện.

Năm 2020: Quay lại hình thức thi đại học cách đây 19 năm - 1

Học sinh sẽ trở thành một rô bốt

Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng cho việc thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ lại vất vả, khó khăn như trước đây. Nếu nhìn thoáng qua, có vẻ là sự thật, nhưng ngẫm kỹ lại, không hẳn mà ngược lại nó sẽ là một lợi thế để thấy sức mạnh của Công nghệ thông tin truyền thông áp dụng cho thi cử, nói nôm na như thời đại 4.0.

Thật vậy, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có thể xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá năng lực cho thí sinh thông qua kiểm tra qua mạng.

Như vậy chỉ bằng 1 máy tính, 1 điện thoại thông minh có kết nối mạng căn cứ ngày giờ đã thông báo của cơ sở giáo dục ĐH thí sinh có thể truy cập dễ dàng vào khai báo thông tin, tiến hành thi kiểm tra năng lực qua mạng, cơ sở sẽ thông báo kết quả ngay lập tức, như vậy rất tiệt kiệm thời gian, tiền bạc cho thí sinh. 

Hơn nữa nếu việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH có thể chia làm nhiều đợt thì càng thuận tiện cho thí sinh, nếu như lần đầu họ chưa đáp ứng đủ chuẩn thì họ ôn tập và có thể thi tiếp đợt sau khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn năng lực sẽ vào học.

Khắc phục bệnh thành tích, thi cử theo kiểu học gì, thi nấy, học lệch. Điều này đã ám ảnh học sinh, giáo viên quá nhiều, quá lâu rồi.

Nếu chúng ta còn giữ quan niệm này thì con cháu chúng ta học sẽ như một rô bốt chứ không phải con người. Nó sẽ không nhận ra, không có những cảm giác sống động về những gì xung quanh môi trường sống của nó và tất nhiên sẽ không có được một cái nhìn tích cực về cuộc sống xung quanh.

Bộ GD&ĐT có thể đóng vai trò như là một tập đoàn cung cấp

Như đã nói ở trên, việc vào học tại một cơ sở giáo dục ĐH, CĐ học sinh phải đáp ứng kỳ thi về năng lực chứ không phải là kiểm tra kiến thức đã học.

Đây chính là bản chất cần phải nhận thức rõ (Chính ĐHQG Hà Nội đã xây dựng kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực cho học sinh vào học tại trường). Chính vì lẽ đó học sinh không thể học lệch, giáo viên không thể dạy ẩu đả, dạy theo kiểu tủ mà cần phải hướng tới sự nhận thực toàn diện cho học sinh.

Bộ GD&ĐT là cơ sở để kiểm tra, giám sát hoạt động thi, tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT nên xây dựng bộ phận đo lường, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập bằng cách áp dụng các tiến bộ của các nước đặc biệt là Mỹ về đánh giá kết quả học tập của người học.

Thậm chí Bộ GD&ĐT có thể đóng vai trò như là một tập đoàn cung cấp các giải pháp đánh giá kết quả học tập, các dịch vụ cho các trường ĐH, CĐ để giúp họ trong công tác tuyển sinh (đề thi, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, ….). Cần lưu ý rằng bộ phận này khác với bộ phận kiểm định các trường ĐH, CĐ để công bố họ đạt chuẩn.

Bạn đọc Nguyễn Trường Giang.....@gmail.com