Vì sao dễ bị tiêu chảy khi uống kháng sinh?
Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng lo ngại, trong đó có tiêu chảy. Theo thống kê, tình trạng tiêu chảy do sử dụng kháng sinh (Antibiotic-associated diarrhea - AAD) xảy ra ở cả trẻ em (5-30%) và người lớn (5-70%). Những thông tin quan trọng này đã được đưa ra tại hội thảo “Probiotic trên các bệnh lý tiêu hoá hiện tại và tương lai".
Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh được định nghĩa là tình trạng tiêu chảy có liên quan đến việc điều trị bằng kháng sinh và không giải thích được bằng nguyên nhân khác. Đây là một trong những tác dụng ngoài ý muốn khá phổ biến của hầu hết các loại kháng sinh, chủ yếu là do tác động của kháng sinh gây rối loạn hệ vi khuẩn bình thường tại đường ruột.
Và sự phổ biến này do 3 cơ chế gây ra: Thứ nhất là tình trạng rối loạn thành phần hoặc chức năng hệ vi khuẩn đường ruột; tiếp đó là tăng sinh vi sinh vật gây bệnh trong ruột và cuối cùng là tác động mang tính dị ứng hoặc độc tố của kháng sinh lên niêm mạc ruột hoặc vận động của ruột.
AAD không chỉ gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất dinh duỡng, mà còn làm kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc y tế, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn trong tương lai và tăng tỷ lệ tử vong. Việc sử dụng kháng sinh phổ rộng có nguy cơ gây AAD nhiều hơn, chẳng hạn như amoxicillin-clavulanate (10-25%), cefixime (10-20%)...
Clostridium difficile là một trong những vi khuẩn gây tiêu chảy nhiễm khuẩn cơ hội thường gặp ở bệnh nhân AAD (chiếm khoảng 10-20% các trường hợp AAD) và là tác nhân chủ yếu trong viêm đại tràng có liên quan đến kháng sinh. AAD gây ra bởi C.difficile có triệu chứng lâm sàng thay đổi từ mức độ nhẹ đến nặng (viêm đại tràng giả mạc) và có thể gây tử vong. Hơn nữa, C.difficile dễ dàng lây truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác nếu tình trạng nhiễm khuẩn không được kiểm soát toàn diện một cách nhanh chóng. Việc sử dụng kháng sinh sẽ gây rối loạn đến thành phần và chức năng của hệ vi khuẩn bình thường tại đường ruột, làm thay đổi chuyển hóa carbohydrate và hoạt động kháng khuẩn tại ruột.
Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng tiêu chảy liên quan đến kháng sinh?
Thảo luận của các chuyên gia tại hội thảo với chuyên đề “Probiotics trên các bệnh lý tiêu hoá hiện tại và tương lai” cũng cho thấy: Điều trị thông thường đối với AAD là ngưng sử dụng kháng sinh nếu vẫn đang dùng. Điều này có thể làm gián đoạn liệu trình điều trị, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn nền, dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện và gia tăng chi phí điều trị.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều bằng chứng về lợi ích của việc bổ sung probiotics đối với các bệnh lý đường tiêu hóa này trong việc ức chế các vi khuẩn gây bệnh và tăng cường hoạt động cho hệ vi khuẩn bình thường tại ruột. Theo đó, probiotics là các vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) giúp cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột, giảm tiêu chảy.
Chia sẻ về điều này tại hội thảo, GS. Antonio Gasbarrini – Giám đốc Phân khoa Nội và Tiêu hóa, Bệnh viện Đại Học Gemelli, Tp Rome cho biết: “Trong đường ruột của chúng ta, hệ vi khuẩn đường ruột hoạt động giống như một cơ quan. Hệ vi khuẩn đó có thể bị tổn thương bởi một số các yếu tố, đặc biệt như là kháng sinh. Vì sự tổn thương của hệ vi khuẩn đường ruột gây ra bởi kháng sinh như vậy nên probiotics hay còn gọi là men vi sinh có vai trò giúp chúng ta phục hồi lại hệ vi khuẩn đường ruột. Khi đó, hệ vi khuẩn đường ruột sẽ có chức năng làm khỏe mạnh hệ miễn dịch và chống được sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh”.
Chuỗi hội thảo giới thiệu thuốc ENTEROGERMINA với chủ đề “PROBIOTICS TRÊN CÁC BỆNH LÝ TIÊU HÓA HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI” do Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại hội thảo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tiêu hóa, nhi khoa đã chia sẻ và thảo luận với các bác sĩ, cán bộ y tế về nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới các bệnh lý tiêu hóa cũng như vai trò của Probiotics trong việc xử lý các bệnh lý tiêu hóa này.
Minh Anh