Phòng ngừa thủy đậu và sởi, quai bị, rubella hiệu quả bằng vắc-xin
Các bệnh dễ lây nhiễm như thủy đậu, sởi, quai bị và đặc biệt là Rubella đang vào mùa và xảy ra trên diện rộng.
Tại buổi hội thảo chuyên đề “Phòng ngừa sởi-quai bị-rubella & Thủy đậu cho trẻ em một cách hiệu quả” do viện Pasteur và GSK tổ chức hôm 20 tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đã khuyến cáo: Tiêm vắc-xin là biện pháp chủ động nhất giúp phòng tránh hữu hiệu các bệnh nhiễm này.
Dịch bệnh ngày càng lan rộng
Theo thống kê của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ThS. BS Nguyễn Thị Minh Phượng, Trưởng khoa Y tế công cộng, cho biết tại khu vực phía Nam số trường hợp mắc thủy đậu đã gia tăng rất nhiều từ 1.000 ca trong năm 2003 đến gần 6.000 ca trong năm 2008. Bên cạnh đó, theo thống kê của BV Nhiệt đới TPHCM thì số bệnh nhân nhập viện do thủy đậu cũng gia tăng từ 32 ca vào năm 2003 đến 334 ca vào năm 2008, trong đó người lớn mắc thủy đậu chiếm đa số.
Riêng các bệnh Sởi-Quai bị-Rubella, số ca nhiễm các bệnh này trong nhóm trẻ độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi và nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 18-24 tuổi gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, nhóm tuổi mắc quai bị cao nhất là từ 5 đến 9 tuổi. Về rubella, thì theo nguồn của tổ chức Unicef trong năm 2009, ước tính đã có 1650 ca mắc hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) chiếm 10% trong 1,649,694 trẻ được sinh ra và một điều cần lưu ý là nhóm tuổi mắc rubella cao nhất ở cả hai miền Nam và Bắc đều tập trung ở phụ nữ từ 15-45 tuổi – nhóm tuổi trong độ tuổi sinh sản. Với những số liệu thống kê như trên,việc chủ động phòng tránh các bệnh nhiễm trên bằng vắc-xin thực sự rất cần thiết và là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 15- 45 tuổi.
Khuyến cáo nên tiêm hai liều
Tiến sĩ - bác sĩ Mary Ann C. Bunyi, Trung tâm Y khoa De Los Santos và Bệnh viện MCU- Philippines, cho biết theo khuyến cáo của Hiệp hội Tư vấn thực hành tiêm chủng nhi khoa Mỹ, trẻ em cần được tiêm một liều vắc-xin chứa 3 thành phần sởi-quai bị-Rubella vào lúc 12-15 tháng tuổi và liều thứ hai lúc 4-6 tuổi. Lợi ích chính của việc tiêm chủng này là nhằm giảm những cá thể nhạy cảm thất bại với liều một hoặc do miễn dịch của liều một giảm dần theo thời gian.
Đối với bệnh thủy đậu, hiện có tình trạng một số trẻ đã tiêm ngừa một liều vắc-xin nhưng vẫn bị mắc thủy đậu. Hiện tượng này xảy ra là do nồng độ kháng thể trong cơ thể đã bị giảm dần theo thời gian.
Tiến sĩ - bác sĩ Mary Ann C. Bunyi cũng đề cập lợi ích của phác đồ dùng hai liều vắc-xin cho trẻ em giúp tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh hơn và quan trọng hơn nữa là mang lại hiệu lực vắc-xin cao hơn một cách ý nghĩa, giảm tỉ lệ mắc thủy đậu đến 3,3 lần so với một liều như trước kia. Vì những lý do trên, từ tháng 6-2007, Ủy ban Thực hành Tiêm chủng Mỹ đã khuyến cáo chủng ngừa hai liều vắc-xin thủy đậu cho cả trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi, giúp tăng cường hiệu quả việc bảo vệ chống lại căn bệnh dễ lây nhiễm này.
Thủy đậu, sởi, quai bị, Rubella là những bệnh nhiễm có tính lây lan rất cao và dễ tạo dịch trong cộng đồng. Dịch thủy đậu, sởi và Rubella thường xảy ra từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, xí nghiệp là môi trường rất dễ bùng phát thành dịch. Biến chứng hay gặp nhất từ thủy đậu là nhiễm trùng các nốt ban gây nhiễm trùng da có thể dẫn đến sẹo, trong khi Rubella dễ gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu dẫn đến thai nhi bị hội chứng Rubella bẩm sinh. Tiêm vắc xin là biện pháp chủ động nhất giúp phòng tránh hữu hiệu các bệnh này. Có thể liên hệ tiêm ngừa tại các bệnh viện Sản, Nhi hoặc các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, quận huyện trong tất cả các tỉnh thành trên cả nước |
P.V