Những bệnh truyền nhiễm không nên bỏ qua

Nhờ sự phát triển của những kỹ thuật sinh học tiên tiến, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được phòng tránh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống của người bệnh.

Theo đó, Hội nghị “Ứng dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý chuyên khoa Truyền nhiễm” do Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức vào ngày 06/11/2015 đã thu hút sự quan tâm nhiều giáo sư, bác sỹ tham gia.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Vi rút viêm gan B

Theo Tổ chức Y tế thế giới hiện có khoảng 250 triệu người trên thế giới nhiễm virus viêm gan B (HBV). Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến các biến chứng nặng như suy gan, xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.

Với công trình nghiên cứu khoa học “Sự kết hợp mức độ qHBsAg và HBV DNA để xác định “người mang HBV không hoạt động thật” trong số những bệnh nhân nhiễm HBV mạn được xem là “người mang HBV không hoạt động”, tại Hội nghị PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật đã trình bày những vấn đề cập nhật nhất hiện nay trong chẩn đoán, theo dõi, điều trị và tiên lượng viêm gan B mạn.

PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật cho biết: “Trước đây, để xác định người mang HBV không hoạt động, người ta chỉ dựa vào tải lượng virus thấp (HBV DNA <104 coppies/mL, ALT bình thường và HBeAg (-) tính). Gần đây, giá trị qHBsAg định lượng đã được bổ sung thêm để chẩn đoán người mang virus không hoạt động thật đối với genotype B và C (gặp chủ yếu ở Việt Nam) là < 100 IU/mL”.

Từ tháng 1/2014 đến 5/2015, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã nghiên cứu 204 mẫu huyết tương từ các bệnh nhân viêm gan mạn được khám và điều trị, gồm 106 nam và 98 nữ, tuổi từ 18 đến 64.

Vì vậy, mục tiêu nghiên cứu là kết hợp mức độ của qHBsAg và HBV DNA để đánh giá tỷ lệ “người mang HBV không hoạt động thật” trong số những bệnh nhân viêm gan B mạn được xem là “mang HBV không hoạt động”.

Từ kết quả thu được, kết luận của các tác giả thể hiện rằng: nếu không đánh giá đúng trạng thái người mang virus không hoạt động “thật” trong số những người viêm gan B mạn chưa điều trị hoặc đã điều trị được xem là mang HBV không hoạt động mà không có biện pháp can thiệp thì có nguy cơ tái phát, xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan sẽ còn cao.

Sốt xuất huyết Dengue

Sự quan tâm nội dung báo cáo của các quý vị tham dự.
Sự quan tâm nội dung báo cáo của các quý vị tham dự.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh tiến triển nhanh, biểu hiện lâm sàng đa dạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong, ...

Với nội dung “Sốt xuất huyết - Phòng và điều trị trong tình hình hiện nay”, TS.BS Nguyễn Văn Dũng (Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai) đã nhấn mạnh tại hội nghị:

Để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết (SXH) cần dựa vào triệu chứng lâm sàng như sốt cao đột ngột, nhức đầu, chán ăn,… Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của bệnh thường chưa có biểu hiện rõ ràng nên để phân biệt sốt virus với SXH cần làm xét nghiệm Dengue để chẩn đoán phân biệt.

Thông thường từ ngày thứ 5-7 sẽ xuất hiện SXH, nên cần theo dõi hàng ngày và xét nghiệm Dengue, tổng phân tích máu để theo dõi tiểu cầu, Hematocrit.

Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo (vật vã, li bì, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, xuất huyết niêm mạc,...) phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và chỉ định truyền dịch kịp thời.

Sán lợn, sán lá gan

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, trong Ban Chủ tọa giải đáp thắc mắc của các quý vị.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, trong Ban Chủ tọa giải đáp thắc mắc của các quý vị.

Do thói quen ăn uống chưa bảo đảm vệ sinh, ô nhiễm môi trường,… là những nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân nước ta nhiễm bệnh giun sán tăng cao.

Sán lá gan kí sinh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, chó, mèo, cừu và gây xơ hóa gan, cổ chướng, thoái hóa mỡ ở gan, dần dần sẽ dẫn đến ung thư gan,…

Ấu trùng sán lợn sống ký sinh ở lợn và ở người. Sán lợn gây nhức đầu, động kinh, nôn ói, rối loạn tâm thần, chèn ép tuỷ sống,…

Tại hội nghị, TS.BS Hồ Sỹ Triều (Trưởng khoa Điều trị - Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương) đã trao đổi nguyên tắc điều trị, cách phòng tránh bệnh cùng các quý vị.

Ngoài ra, hội nghị còn mang đến các những thông tin bổ ích về xét nghiệm huyết thanh trong chẩn đoán giang mai và EBV.

 

Phục vụ người dân chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, hàng ngày, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã thực hiện đầy đủ các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu như:

◊ Bệnh viêm gan: các xét nghiệm trong chẩn đoán viêm gan cấp (AST, ALT, GGT, HBsAg, HBeAg, HBeAb, HBcAb IgM, IgG,…) đến các type virus viêm gan (HBV Genotype, đột biến kháng thuốc, HCV genotyp, đột biến Core Promotor & Precore).

◊ Các bệnh truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường tình dục: HIV, giang mai, bệnh Rubella, Cytomegalovirus (CMV), EBV, HPV định tính-định type …

◊ Các bệnh lây truyền qua đường hô hấp: cúm (cúm A, cúm B, H1N1), quai bị, lao, sốt xuất huyết,

◊ Các ký sinh trùng: sán lá, giun đầu gai, giun đũa, giun gai,…

 

Vân Linh