Kem bẩn từ trong ra… ngoài
Ăn phải kem “dởm” hoặc ăn ở những nơi mất vệ sinh đồng nghĩa với việc chấp nhận ăn luôn cả vi trùng độc hại. Nhưng điều đáng nói là ít người quan tâm xem cây kem đó đến từ đâu, làm bằng nguyên liệu gì, có đảm bảo vệ sinh hay không…
Cấp cứu vì que kem vài ngàn đồng
Đón con trai tan học ở Trường Tiểu học Dịch Vọng A, Cầu Giấy, Hà Nội, chị Phương, nhân viên Ngân hàng đã không tài nào đưa bé Nam rời khỏi những xe kem cạnh cổng trường. Dù ra sức từ chối và giải thích cho con là những hàng kem này không đảm bảo vệ sinh, ăn vào sẽ đau bụng, thậm chí còn hứa mai sẽ vào siêu thị mua kem hộp cho con, song chị Phương vẫn phải mua que kem với giá vài ngàn đồng để chiều cu cậu lên xe về tránh tắc đường, mặc dù hình ảnh những xưởng làm kem, nước đá mất vệ sinh mà báo chí đã phản ánh gần đây cứ nhảy nhót trong đầu chị.
Kem không chỉ hấp dẫn trẻ con như cháu Nam, mà những cô cậu học sinh, sinh viên tập trung tại những quán kem, xe kem dạo ở Hà Nội sau giờ tan trường muốn thưởng thức cái mát lạnh của những cây kem xanh đỏ này vào mùa hè oi bức.
Dư luận cũng từng xôn xao khi một loạt các “nhà vệ sinh công cộng” đặt quanh Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vốn được xây dựng để phục vụ nhu cầu vệ sinh của khách du lịch đã nghiễm nhiên biến thành quầy hàng bán… kem các loại???
Khuất mắt trông coi
Sức hấp dẫn của vị ngọt mát từ những cây kem trong những ngày nóng bức khó diễn tả. Nhưng điều đáng nói là ít người quan tâm xem cây kem đó đến từ đâu, làm bằng nguyên liệu gì, có đảm bảo vệ sinh hay không…
Không khó để phát hiện nơi sản xuất kem của những xưởng này vừa chật hẹp vừa bẩn, la liệt vật dụng như xô đựng nguyên liệu, khuôn đúc kem, ki đựng thành phẩm… Mọi công đoạn đều làm bằng… tay trong khi nhân viên hoàn toàn không đeo bảo hộ lao động.
Nguy ngại hơn chính là chất phụ gia, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng adao sẽ giúp kem cứng lâu (keo da trâu – dùng trong xây dựng) thay vì sử dụng chất phụ gia có chất lượng, an toàn chiết xuất tự nhiên phải nhập từ nước ngoài. Tương tự thay vì dùng màu thực phẩm các cơ sở này sẽ dùng phẩm màu công nghiệp để hạn chế chi phí mà không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến mối nguy hại sức khoẻ của người tiêu dùng.
Chưa kể một trong những nguyên liệu chính để sản xuất kem mà các cơ sở này sử dụng chính là sữa bột không nhãn mác có khả năng nhiễm melamine, gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm trong những năm gần đây có tới hơn 76% là do thức ăn đường phố. Trên thực tế, đảm bảo vệ sinh an toàn của thức ăn đường phố là vấn đề nan giải tại các đô thị lớn trong cả nước. Hiện nay, thêm tình trạng kem bẩn diễn ra phổ biến, chính điều này có thể tạo nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo cho người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn thương hiệu kem có uy tín để đảm bảo sức khoẻ.
"Chất lượng vê sinh an toàn thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người sử dụng. Vì vậy, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm tăng cường nguồn lực con người. Sử dụng thực phẩm an toàn là quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp." (Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long) |
Hồng Lam