Hành trình phát triển trí não của trẻ từ 3-6 tuổi

Trí tưởng tượng có thể giúp một em bé 3 tuổi nhìn hình tròn thành ông mặt trời. Bé bốn tuổi vẫn có thể được rèn luyện kỹ năng giữ cân bằng và cơ bắp khi đi xe đạp ba bánh.

Những phát triển đầu đời này cần được ba mẹ theo dõi, nâng đỡ và hỗ trợ từng bước trong suốt những năm tháng đầu đời của con.

Thật vậy, trong mỗi trò chơi đùa với con trẻ trong những năm tháng đầu đời, các bậc cha mẹ đều cần khéo léo hướng dẫn, dạy con những kĩ năng đầu tiên trên con đường phát triển trí não và thể chất của bé. Để làm những việc này một cách “chuyên nghiệp” hơn, có ý thức hơn, các bậc cha mẹ cũng nên nắm rõ những cột mốc phát triển vàng của con, với những biểu hiện trí tuệ cần thiết tương ứng với trẻ ở từng độ tuổi, đặc biệt là giai đoạn bé từ 3-6 tuổi.

Có thể bạn sẽ hơi bối rối một chút khi ở giữa hàng chục đứa trẻ ở một lớp mẫu giáo, thật khó để so sánh con mình có phát triển “đúng đà” không, có cần bổ sung, quan tâm nhiều hơn để bé “đạt chuẩn” không. Nhưng không sao, những biểu hiện về phát triển trí não của các bé ở tầm tuổi này đều có thể nhận biết rõ ràng dù chúng khá đa dạng và bắt đầu phức tạp. Bạn có thể khám phá khả năng “vượt trội” hay “đúng chuẩn” của con mình bằng cách quan sát bé. Càng lớn bé sẽ hoạt động tích cực hơn, thể hiện sự khéo léo rõ nét hơn trong các hoạt động thường ngày và các trò chơi.

Khi bé từ 3 đến 4 tuổi: Bé bắt đầu hoạt động tích cực hơn, len lỏi khắp mọi nơi trong nhà, lên xuống cầu thang thành thục và lần lượt bước bằng hai chân. Khả năng phối hợp tay và mắt cũng phát triển, bé có thể sắp xếp đồ vật theo hình dạng, phân loại theo màu sắc. Khả năng tập trung tăng lên đến mức ngồi nghe bạn đọc một câu chuyện ít nhất trong vòng 5 phút, lắng nghe và hát theo một bài hát nào đó. Bé bắt đầu hỏi “Tại sao?” và có thể phát ra âm thanh thể hiện cảm xúc vui hoặc buồn. Đặc biệt bố mẹ sẽ cũng đừng ngạc nhiên khi con ngày càng quyết đoán, tự tin hơn trong những tình huống quen thuộc.

Bé sẽ chăm chú nghe bạn kể chuyện và bắt đầu hỏi “tại sao”.
Bé sẽ chăm chú nghe bạn kể chuyện và bắt đầu hỏi “tại sao”.

Khi bé từ 4 đến 6 tuổi: Bé thể hiện sự khéo léo và hướng tới độ chính xác trong các hoạt động và trò chơi. Buổi tối của gia đình sẽ rất nhộn nhịp khi bé tập lại những động tác thể dục ở trường mẫu giáo mà bé đã được học. Ở độ tuổi này, bố mẹ thường dạy bé nhớ tên mình, tên bố mẹ, địa chỉ nhà và cả số điện thoại bố mẹ để phòng khi đi lạc bé sẽ biết cách trả lời khi người lớn hỏi. Khi bé 5-6 tuổi, có thể đây sẽ là lần đầu tiên bé làm bạn thấy thật biết ơn cuộc sống vì bé biết cách dùng cử chỉ hoặc lời nói vỗ về, an ủi bạn khi bạn cảm thấy không vui. Khả năng phát triển trí não bình thường của một em bé sẽ giúp em vẽ được tranh, dù còn nguệch ngoạc. Khi bé 6 tuổi, bé sẽ đọc được ít nhất là 10 chữ trong bảng chữ cái. Vốn từ vựng của một em bé 6 tuổi có thể lên tới 5.000 từ, cho nên đứa con 6 tuổi của bạn sẽ có thể làm bạn lăn ra cười hoặc “choáng” khi bé nói ra những câu đậm tính “ cụ non” đấy.

Bé không những hoạt động chính xác hơn mà còn có khả năng nhớ và nhạy với các con số.
Bé không những hoạt động chính xác hơn mà còn có khả năng nhớ và nhạy với các con số.

Để đánh giá được đúng tình trạng phát triển trí tuệ của con mình, ngày xưa có thể dựa vào cảm tính. Nhưng khoa học hơn và hiểu biết hơn, những bà mẹ hiện đại ngày nay nên tham khảo và nắm vững những cột mốc vàng đã được các nhà khoa học trên thế giới dày công nghiên cứu, như thông tin trên trang www.iqbaby.com.vn. Việc nắm rõ những cột mốc này không chỉ mang ý nghĩa giúp bạn so sánh, nhận biết tình trạng của con mình, mà còn giúp bạn có những định hướng thích hợp, những biện pháp kịp thời để giúp con lớn mạnh và thông minh.

Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, một kiến thức am tường về những cột mốc phát triển trí não của trẻ, “song kiếm” ấy chắc chắn sẽ “hợp bích” giúp bạn có được một em bé khỏe mạnh, thông minh và là niềm tự hào lấp lánh trong mắt bạn.

GS – TS Hoàng Trọng Kim

(Chủ nhiệm bộ môn Nhi, ĐH Y Tp HCM)

Bé không những hoạt động chính xác hơn mà còn có khả năng nhớ và nhạy với các con số.