Gieo thói quen, gặt sức khỏe
Mùng 2 Tết Tân Mão, khoa cấp cứu bệnh viện An Sinh TPHCM chật kín bệnh nhân. 2/3 số ca nhập viện là do rối loạn tiêu hóa, trong đó chiếm đa số là trẻ em bị ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm Tết tăng gấp 10 lần
Thống kê sơ bộ từ Bộ Y tế: chỉ trong 9 ngày Tết Tân Mão (từ 28 đến mùng 6), số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước tăng GẤP 10 lần so với năm ngoái với hơn 10.000 vụ. Trong đó, nguyên nhân chính là sử dụng thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Theo thói quen đón Tết cổ truyền, nhà nhà thường trữ thức ăn để bày mâm cỗ quây quần. Thế nhưng, chính mâm cỗ Tết – bếp gia đình lại là nguyên nhân gây ngộ độc chứ không phải là bếp ăn tập thể hay quà vặt thường thấy. Hai em nhỏ Đặng Văn Tới và Vũ Văn Thắng ở phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị ngộ độc ngày 10/2 sau khi ăn bánh chưng để lâu ngày và ăn quả quất cảnh là một ví dụ. Hoặc như, chị Trần Thùy Trang (ngụ tại chung cư Thế kỷ 21, quận Bình Thạnh) kể: “Mùng 2 tết, Gia Bảo - con trai tôi bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa sau khi đi chơi ở khu du lịch về. Ban đầu, tôi cứ ngỡ do cháu ăn quà vặt không vệ sinh bên ngoài. Nhưng khi gặp bác sĩ, tôi mới biết nguyên nhân là trước khi ăn, cháu không rửa tay diệt khuẩn, vì thế vi khuẩn từ bàn tay bám vào thức ăn và gây bệnh. Đó cũng là nguyên nhân khiến con tôi thường xuyên bị bệnh”.
Bếp nhà chưa “ngon”
Thực tế cho thấy, bà nội trợ có xu hướng quan tâm đến vệ sinh khi ăn bên ngoài mà quên mất khi ăn trong gia đình. Trong khi, theo số liệu từ các tổ chức y tế: Bếp nhà là một trong những địa điểm nhạy cảm về nhiễm khuẩn nhất. Bạn có biết dù đã được chùi rửa rất sạch sẽ nhưng hàng ngày bếp nhà vẫn đang ủ hàng triệu vi khuẩn từ thực phẩm sống, đôi tay, môi trường bên ngoài... chỉ chờ dịp lây lan. Và những vật dụng như thớt có khi chứa số lượng vi khuẩn cao hơn 1 chiếc bệ toa-lét, giỏ hay túi nilông đi chợ có khi đang chứa Ecoli – khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột…
Vi khuẩn bám vào bàn tay và lây nhiễm chéo vào thức ăn, trở thành nguồn bệnh khiến gia đình, đặc biệt là trẻ em bị ngộ độc thực phẩm. Dù ở hình thức nào, bất kể nhẹ (rối loạn tiêu hóa, đau bụng…) hay nặng (mất nước, viêm đường ruột…); nhiễm khuẩn thực phẩm đều gây ra hậu quả. Nhiễm trùng đường tiêu hóa nhiều lần sẽ để lại tác hại lâu dài lên sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ trong những giai đoạn đầu đời từ 1 đến 10 tuổi. Cụ thể là trẻ sẽ bị giảm chiều cao từ 3,6cm – 8,2cm lúc 7 tuổi so với những trẻ cùng độ tuổi không bị nhiễm bệnh. Trẻ có nguy cơ mất 10 điểm chỉ số thông minh (IQ) và 12 tháng học tập so với trẻ thông thường.
Theo báo cáo khoa học năm 2010 tại Bệnh Viện Nhiệt Đới: có tới 64% bà mẹ không rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Trong khi đó, cứ mỗi cm2 trên bàn tay chứa 40.000 vi khuẩn. Các bà mẹ cũng không chú trọng việc dạy con trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh, kể cả thói quen rất đơn giản: rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi, sau khi vệ sinh và trước khi ăn. Trong khi đó, theo tổ chức Y tế Thế giới, chỉ cần một động tác rửa tay sạch là đã giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Shigella, E.coli qua đôi bàn tay - thủ phạm gây nên bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Các nghiên cứu khoa học cũng đã khẳng định, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh quan tới đường tiêu hóa thông qua đôi bàn tay và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp như H1N1, SARS…
BÀN TAY SẠCH KHUẨN để bảo vệ nguồn DINH DƯỠNG SẠCH là điều mà bác sĩ điều trị bé Gia Bảo yêu cầu chị Thùy Trang phải tuân thủ không chỉ với mẹ hay bé mà còn với tất cả thành viên trong gia đình. Thói quen nhỏ - đơn giản nhưng xin đừng bị bỏ qua vì sức khỏe con trẻ, hạnh phúc của gia đình.