Đắk Lắk:

Cắt dây rốn trẻ sơ sinh bằng dao lam: 2 bé tử vong, 1 nguy kịch

(Dân trí) - Sinh con tại nhà và được các “bà mụ vườn” dùng dao lam để cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh đã dẫn đến việc các bé bị nhiễm uốn ván dẫn đến nguy kịch, thậm chí là tử vong.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm uốn ván, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong và 1 trường hợp em bé đang nguy kịch.


Nhiều trẻ tử vong do uốn ván vì được cắt dây rốn bằng dao lam (ảnh minh họa)

Nhiều trẻ tử vong do uốn ván vì được cắt dây rốn bằng dao lam (ảnh minh họa)

Các trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm uốn ván như trường chị H’Mươn E Nuôl (ngụ xã Cư ÊBur, TP. Buôn Ma Thuột) sinh con trai vào cuối tháng 12/2016 tại nhà và được bà đỡ dùng dao lam cắt dây rốn và quấn lại bằng băng khô. Chỉ mấy ngày sau sinh, em bé có dấu hiệu sốt cao, tay chân co quắp nên được chuyển đến bệnh viện và được chẩn đoán nhiễm uốn ván. Đến ngày 11/1/2017, em bé đã không qua khỏi do bệnh tiến triển nặng.

Tương tự, chị H’Năm Bdap (ngụ buôn Rung, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) sinh con tại nhà và cũng được bà đỡ cắt dây rốn trẻ bằng dao lam đến ngày 1/2 gia đình chị đã đưa bé đi cấp cứu vì sốt cao. Chỉ sau vài ngày nhập viện bé sơ sinh này cũng tử vong vì uốn ván.

Riêng trường hợp một bé sơ sinh đang rất nguy kịch do uốn ván là trường hợp của con của chị H’Ngọc Byă (ngụ xã Yang Réh, huyện Krông Bông). Chị H’ Ngọc sinh con vào ngày 2/2 tại nhà và cũng được “bà mụ vườn” cắt dây rốn bằng dao lam, đến nay em bé đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong tình trạng thở bằng máy, sức khỏe yếu, co giật.

Ông Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các trường hợp trên đều do các bà mẹ thực hiện việc sinh nở tại nhà, nhờ người trong thôn, buôn đỡ đẻ và cắt dây rốn em bé bằng dao lam. Trước đó, các thai phụ này cũng không thực hiện việc tiêm phòng uốn ván trong thời kỳ mang thai.

Cũng theo ông Lào, hiện có khoảng 10% phụ nữ tại Đắk Lắk không được tiêm phòng uốn ván trong giai đoạn ở độ tuổi sinh sản nên chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván. Đồng thời, thực hiện việc sinh đẻ tại các cơ sở y tế để phòng uốn ván sơ sinh cho trẻ, đặc biệt tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm