1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Táo tợn bắt cóc, mua bán người (*)

Thuyền viên nô lệ

Chỉ cần bỏ ra 200 USD, một chủ tàu đánh cá Thái Lan có ngay một lao động nô lệ. Mỗi ngày, thuyền viên nô lệ phải làm việc 20 giờ, nếu không còn sức lao động thì bị quăng xuống biển.

Theo số liệu của Bộ Lao động Thái Lan, ngành công nghiệp đánh cá nước này thường xuyên thiếu khoảng 50.000 lao động. Cuộc khủng hoảng nhân lực bắt nguồn từ đồng lương của thuyền viên không tương xứng với sức lao động họ bỏ ra và điều kiện làm việc quá khắc nghiệt. Để lấp khoảng trống đó, chủ tàu tuyển lao động từ đường dây buôn người quốc tế.

Làm như trâu, ăn như tù

Những thuyền viên này (phần lớn là người Bangladesh và sắc tộc Rohingya thiểu số ở Myanmar) là con tin bị giam cầm bí mật ngay trên đất Thái không được gia đình bỏ tiền chuộc về. Họ bị bán cho các chủ tàu đánh cá Thái với giá phổ biến từ 200 đến 600 USD/người.

Đây là nguồn nhân lực nguy hiểm vì liên quan đến buôn lậu người quốc tế. Chủ tàu có thể ở tù nếu chẳng may bị phát hiện, cho dù trường hợp này không phổ biến lắm vì đã được “bảo kê”.

Lao động Myanmar trên tàu đánh cá Thái Lan (ảnh: The Guardian)
Lao động Myanmar trên tàu đánh cá Thái Lan (ảnh: The Guardian)

Ken, năm nay 32 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Bago, cách Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar - chừng 100 km. Anh lên Yangon tìm việc trong nhà máy. Một gã môi giới hứa hẹn chỗ làm tốt cho Ken. Thế nhưng, sau khi bị bán đi bán lại qua 3-4 tay môi giới, anh bị ép buộc làm việc trên một chiếc tàu đánh bắt xa bờ loại nhỏ. Gã môi giới - thực chất thuộc đường dây buôn lậu người - đã bán Ken cho chủ tàu.

Mỗi ngày, Ken phải làm việc 20 giờ, một tuần làm đủ 7 ngày. Làm việc quần quật tháng này qua tháng nọ nhưng anh chưa lãnh được đồng nào. Tất cả thuyền viên đều cùng chung cảnh ngộ như Ken.

Ken rất muốn nhảy tàu bỏ trốn nhưng nhiều người khuyên anh chớ manh động vì nếu chủ tàu bắt lại “sẽ đập cho què chân, què tay, trở thành phế nhân, thậm chí có thể mất mạng”. Dù sợ nhưng Ken đành làm liều vì không thể chịu nổi cảnh lao động như tù khổ sai.

Một đêm trời không trăng, anh nhảy tàu bơi một mạch 6 giờ vào bờ. Ken may mắn được một du thuyền vớt lên đưa về TP Pattaya - Thái lan. Cảnh sát Thái trục xuất anh trở lại Myanmar. Thế nhưng, Ken không dám quay về nhà với 2 bàn tay trắng, anh quyết định vượt biên trở lại Thái Lan tìm việc.

Lần này, Ken được hứa hẹn một chỗ làm không tồi trong nhà máy đóng hộp khóm. Tưởng đâu thần may mắn đã mỉm cười với Ken, ai dè anh lại bị lừa xuống tàu đánh cá xa bờ. Tình cảnh “làm như trâu, ăn như tù” lặp lại. Được một thời gian, trong nhóm thuyền viên có người tìm được một chiếc điện thoại rồi gọi cảnh sát đến cứu. Ken bị tạm giam điều tra ở ngoại ô Bangkok chờ ngày hồi hương. Cha mẹ Ken cho biết anh đã bỏ nhà đi mất biệt cách nay 4 năm và họ không biết con mình đi đâu, làm gì.

Bỗng dưng mắc nợ

Ngoài nguồn nhân lực kể trên, chủ tàu còn cậy nhờ những kẻ môi giới tìm thuyền viên từ nguồn lao động trôi nổi là người Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Mức phí trung bình một người tìm việc phải trả cho kẻ môi giới là 750 USD. Chủ tàu bồi dưỡng cho môi giới bao nhiêu tùy theo thỏa thuận và chất lượng người lao động nhưng đó là chuyện mấy năm về trước. Còn giờ đây, một số kẻ môi giới hành động chẳng khác gì bọn buôn người xuyên quốc gia.

Đầu năm nay, khi Wuthisak Tantisuk, 44 tuổi, được một người không quen biết mời đi uống nước và thuyết phục làm việc trên tàu đánh cá xa bờ với mức lương hậu hĩ, ông đã dặn lòng phải thật cảnh giác. Lát sau, một người khác đến ngồi chung rồi vẽ ra viễn cảnh tươi sáng của nghề đánh bắt cá xa bờ. Tuy cảnh giác cao độ nhưng sau khi uống vài hớp nước ngọt, Tantisuk cảm thấy đầu óc quay cuồng rồi thiếp đi lúc nào không hay. Ly nước của ông đã bị đánh tráo.

Khi tỉnh dậy, Tantisuk thấy mình đang ở trên một chiếc tàu đánh cá treo cờ Thái Lan với 13 người đàn ông không có vẻ gì muốn làm thuyền viên đánh bắt xa bờ. Tất cả đều bị chủ tàu buộc ký tên vào giấy nợ 30.000 baht (1 baht = 652 đồng) gọi là “tiền vay”. “Từ đó, chúng tôi phải lao động một ngày 20 giờ với mức lương danh nghĩa 6.000-8.000 baht/tháng vì trên tàu lúc nào cũng có việc để làm. Dĩ nhiên, chúng tôi làm không ăn lương cho đến khi nào trả hết “nợ” thì thôi. Nhưng trả xong “nợ”, chúng tôi vẫn phải làm tiếp vì giấy tờ tùy thân đã bị chủ tàu giữ” - ông Tantisuk bức xúc.

Thế là Tantisuk tìm cách trốn khi tàu neo đậu gần đảo Ambon - Indonesia. Ông mướn một người Indo đưa vào bờ. Từ đó, ông đi làm chui, trốn tránh tai mắt của chủ tàu và cảnh sát Indonesia. Cuối cùng, Tantisuk vẫn bị cảnh sát Ambon bắt về hành vi nhập cư lậu.

Rất may cho Tantisuk, ngày 29-8, ông và 6 thuyền viên khác được tổ chức Labour Rights Promotion Network Foundation phát hiện và đưa về Thái Lan hôm 1-10. Tổ chức này đến Ambon từ ngày 24-8 để xem xét tình trạng của thuyền viên tàu đánh bắt xa bờ. Họ đã làm việc với chính quyền Indonesia và Thái Lan về việc này. Hiện còn 4 người Thái và 10 người Myanmar đang chờ chính quyền làm thủ tục đưa về nước theo nguyện vọng. 

Khó bỏ trốn hoặc khiếu kiện

Theo bà Puntrik Smiti, Thứ trưởng Bộ Lao động Thái Lan, hệ thống pháp lý nước này có không ít lỗ hổng, tạo điều kiện cho chủ tàu mạnh dạn sử dụng lao động như nô lệ. “Không phải tất cả chủ tàu đánh bắt cá xa bờ đều sử dụng lao động nô lệ. Hầu hết những trường hợp phạm pháp đều rơi vào tàu đánh cá quy mô nhỏ” - bà Puntrik nhấn mạnh.

Thái Lan có Luật Bảo vệ người lao động nhưng tàu sử dụng dưới 20 thuyền viên và đánh bắt ngoài lãnh hải Thái liên tục hơn 1 năm không phải là đối tượng của bộ luật này. Theo ông Phil Robertson - thuộc Human Rights Watch, một tổ chức nhân quyền quốc tế - chính tàu đánh bắt xa bờ dài ngày loại này sử dụng lao động nô lệ nhiều nhất. Bị giam lỏng giữa biển khơi tháng này sang tháng nọ, thuyền viên không thể bỏ trốn hoặc gặp ai để khiếu kiện. Chiếm đến 90% lực lượng thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ Thái Lan, người nghèo nước ngoài (Bangladesh, Myanmar, Campuchia...) rất dễ bị cưỡng bức lao động như nô lệ.

Theo Nguyễn Cao
Người Lao động