1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những nhà báo “bất khuất” lại lên kế hoạch ra “số báo của những người sống sót”

Ngay sau vụ thảm sát, khi 88 ngàn cảnh sát đang vây bắt hai nghi can gây ra vụ bắn giết chấn động thế giới, thì tại Paris, những nhà báo của tòa soạn bị “thảm sát” vẫn đang họp bàn về nội dung số báo tới, mà họ gọi là “số báo của những người sống sót”.

Stephane Charbonnier, một trong những họa sỹ biếm họa đã bị sát hại
Stephane Charbonnier, một trong những họa sỹ biếm họa đã bị sát hại

Tấn công đẫm máu

Vào khoảng 11h30 giờ Paris ngày 7/1/2015, hai người mang súng AK và súng phóng lựu đã xông vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo ở quận 11 Paris và nổ súng, trước khi tẩu thoát. Tổng cộng đã có ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 cảnh sát. Ngoài ra còn có 4 người bị thương. Trong số các nạn nhân, có Phó Tổng biên tập, bốn họa sĩ vẽ tranh châm biếm nổi tiếng của tờ báo.

Khi tẩu thoát, hai hung thủ đã cướp một xe hơi và đụng một người đi bộ. Theo lời các nhân chứng mà nguồn tin từ cảnh sát thuật lại, trước khi tẩu thoát, hai hung thủ đã hô to: “Chúng tôi đã trả thù cho đấng tiên tri”.
Đây lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công đẫm máu như thế vào tòa soạn một tờ báo ở Pháp và là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pháp từ ít nhất 40 năm qua.

Vào 23h đêm ngày 7/1/2015, một trong ba nghi phạm vụ thảm sát đã ra trình diện cảnh sát thành phố Charleville-Mézières, cách thủ đô Paris hơn 200km về phía Đông Bắc. Mourad Hamyd, 18 tuổi, có liên hệ gia đình với hai nghi phạm chính trong vụ khủng bố tại Paris là hai anh em Chérif và Said Kouachi, 32 và 34 tuổi. Cả hai mang quốc tịch Pháp. Năm 2008 Chérif từng bị kết án vì tội tham gia một đường dây thánh chiến tại Iraq. Các nguồn tin cảnh sát cho hay, Hamyd đang bị tạm giam.
 
Mourad Hamyd là em vợ của Chérif Kouachi và bị nghi là đã giúp đỡ hai anh em nhà Kouachi thực hiện vụ khủng bố. Tuy nhiên, một số nguồn tin thông thạo cho hay, Hamyd trình diện cảnh sát do thấy tên mình trên các mạng xã hội. Nhiều nhân chứng xác nhận là vào lúc tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris bị tấn công, Mourad Hamyd đang đi học ở một trường ở tỉnh lẻ.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls sáng 8/1/2015 cho biết, đã có 7 người bị tạm giam. Tất cả đều có liên hệ với hai anh em nhà Kouachi. Ngoài Mourad Hamyd, 4 bốn người bị câu lưu ở thành phố Reims nơi Chérif và Saïd Kouachi từng sinh sống. Cảnh sát ráo riết truy lùng hai anh em nhà Kouchi tại Gennevilliers, ngoại ô phía tây bắc Paris, Pantin – đông bắc Paris và kể cả tại một số thành phố nơi các nghi phạm từng đi qua, như ở Strasbourg hay Reims.

45 năm thăng trầm

Là một tờ báo trào phúng, đề cập đến mọi chuyện thời sự bằng cái nhìn hài hước phê phán hiện thực xã hội, Charlie Hebdo luôn phải đối mặt với những kiện cáo, đe dọa tấn công mà đỉnh điểm của những đe dọa đó đã chuyển thành tội ác dã man trong vụ thảm sát ngày 7/1.

Bắt đầu chính thức ra đời năm 1969, với tiền thân là nhóm làm nguyệt san Hara-Kiri, tuần báo Charlie Hebdo xuất hiện đều đặn trên các sạp báo Pháp cho đến năm 1981. Vào thời điểm đó do báo bị ế, Charlie Hebdo đã phải tạm đình bản ở số báo thứ 580. Đây là tờ báo hiếm hoi ở Pháp hoàn toàn không dựa vào nguồn tài chính từ quảng cáo mà chỉ trông chờ vào độc giả.

Đến năm 1992, khi tìm được nguồn tài chính từ sự trợ giúp của ca sĩ Renaud, báo Charlie Hebdo được tái sinh cùng với nhóm các nhà báo Philippe Val, Gébé, Cabu. Kế thừa danh tiếng đã có trong quá khứ, số báo tái xuất đầu tiên của Charlie Hebdo đã phát hành được 120 nghìn bản. Lượng báo ra hàng tuần cứ đều đặn tăng dần lên đến 140 nghìn bản vào năm 2006.
 
Nhưng sau đó lượng phát hành của Charlie Hebdo lại quay đầu đi xuống cho tới năm 2011 chỉ đạt con số 50 nghìn bản mỗi kỳ. Ban biên tập báo có khoảng 20 họa sĩ cùng với gần 30 biên tập viên làm việc thường xuyên và mỗi tuần vào ngày thứ Tư đề có cuộc họp giao ban.

Trung thành với mục tiêu tự do ngôn luận, bằng cách nhìn trào lộng hài hước, Charlie Hebdo đả kích tất cả những sự việc được cho là “chướng tai gai mắt” trong xã hội, hay những sự kiện đang được công luận quan tâm. Tờ báo không “từ” một tôn tôn giáo, đảng phái chính trị hay cá nhân nào. Đôi khi những trang bài hay số báo của Charlie Hebdo bị đánh giá là có nội dung khiêu khích, gây ra không ít tranh cãi mà gần đây nhất là các nội dung có liên quan đến Hồi giáo. Vụ việc nổi bật nhất là vụ các bức vẽ biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohamed.
 
 Những số báo của Charlie Hebdo đã được bán hết sạch

 Những số báo của Charlie Hebdo đã được bán hết sạch

Ngày 8/2/2006, Charlie Hebdo đã mở màn một cuộc tranh luận rộng rãi về tự do ngôn luận với việc đăng tải trong các trang trong của tờ báo 12 hình biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohamed. Đó là những tranh biếm họa đã xuất hiện lần đầu trên nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten và gây phản ứng dữ dội trong thế giới Hồi giáo.

Năm 2011, tuần báo lại làm dấy lên một cuộc tranh luận khác khi phát hành số đặc biệt lấy tên Charia Hebdo. Lần này thì tòa báo đưa hình biếm họa thánh Mohamed lên trang bìa. Ngay trong đêm mùng 1 rạng sáng 2/11, trước khi báo ra, trụ sở của Charlie Hebdo đã bị phóng hỏa thiêu trụi. Ban biên tập phải mượn tạm văn phòng của báo Libération để làm việc.

Từ đó đến nay, Charlie Hebdo thường xuyên là đối tượng của các đe dọa vì những trang báo hài hước bị cho là có nội dung phỉ báng đạo Hồi. Ngày 22/9/2012, một trang mạng thánh chiến Hồi giáo đã đăng tải lời kêu gọi chặt đầu lãnh đạo ban biên tập tờ báo.

Trong gần 20 năm hoạt động vừa qua Charlie Hebdo đã bị nhiều tổ chức cực hữu, Công giáo kiện. Thế nhưng trong 13 lần ra tòa , Charlie Hebdo mới chỉ duy nhất đối mặt với đơn kiện của các tổ chức Hồi giáo ở Pháp, đó là vụ đăng ảnh Mohamed năm 2006. Vụ kiện này kéo dài đến năm 2009, tòa xử cho Charlie Hebdo trắng án.

Bất khuất
Và vượt lên nỗi sợ, những người sống sót của tờ báo vẫn lên kế hoạch cho số báo tới. “Tuần báo Charlie Hebdo sẽ xuất bản vào thứ Tư tuần tới với số lượng phát hành một triệu ấn bản”, so với tirage hiện nay chỉ có 60.000. Luật sư của tờ báo, ông Richard Malka 08/01/2015 cho AFP biết như trên. Số báo tới sẽ có 8 trang thay vì 16 trang như bình thường.

Ê-kíp sống sót sau vụ thảm sát gồm khoảng 12 người sáng 9/1 họp tại tòa soạn nhật báo Libération, nơi cho đặt nhờ trụ sở, để bắt đầu làm việc. Luật sư Richard Malka nhấn mạnh: “Cần phải cho ra đời số báo mới, đây là phương cách tốt nhất để vinh danh những người đã bỏ mình, và chứng tỏ rằng họ không giết được chúng tôi. Đó sẽ là số báo của những người sống sót”.
 
Cảnh sát phong tỏa hiện trường sau vụ thảm sát

Cảnh sát phong tỏa hiện trường sau vụ thảm sát

Ngoài nhật báo Libération, Charlie Hebdo còn nhận được sự giúp đỡ của các tập đoàn truyền thông Canal+ và Le Monde. Từ sau vụ thảm sát hôm qua, tờ báo đã nhận được vô số đề nghị hỗ trợ dưới dạng giúp đỡ tài chính, đặt mua báo hay tặng trang thiết bị. Những người có trách nhiệm của Charlie Hebdo chiều 9/1 đã gặp gỡ các cơ quan truyền thông đã ngỏ lời muốn trợ giúp, nhằm cụ thể hóa các dự án này.

Số báo ra hôm thứ Tư 7/1, đúng vào ngày bị khủng bố, đã hết sạch trên các quầy báo và đang được rao bán trên internet với giá rất đắt, nhất là trên trang e-Bay.

Để có thể độc lập quan điểm, Charlie Hebdo hoàn toàn không nhận quảng cáo cũng như tài trợ của Nhà nước. Trước vụ tấn công, Charlie Hebdo đang bên bờ vực phá sản và có nguy cơ phải đình bản, do số lượng bán không đủ bù chi phí. Tờ báo chỉ bán được có 30 ngàn bản, tức phân nửa số lượng phát hành, trong khi cần phải bán được 35 ngàn bản mới có thể cân bằng thu chi. Hồi tháng 11/2014, Charlie Hebdo đã kêu gọi đóng góp nhưng chỉ thu được vài chục ngàn euro vào cuối năm, so với kỳ vọng là một triệu euro.

Được bán với giá 3 euro, tờ báo đã thu được 60 ngàn euro tiền quyên góp sau khi tòa soạn bị đốt cháy trong vụ tấn công đầu tiên năm 2011./.

Theo Thu Phạm (tổng hợp từ báo nước ngoài)
Pháp luật Việt Nam