1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lenin - Ngọn hải đăng vĩ đại của nhân dân lao động

Lenin đã đào sâu và nâng học thuyết Marx - vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân - lên một tầm cao mới.

Đúng ngày 22/4/2015 tròn 145 năm sinh nhật Vladimir Ilyich Lenin, nhà lãnh đạo kiệt xuất của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới.

Nhân cách lớn

Vladimir Lenin sinh vào năm 1870 trong một gia đình nhà giáo tiến bộ ở tỉnh Simbirsk (Nga). Anh trai ông bị nhà nước đế chế Nga treo cổ vì mưu sát Sa hoàng chuyên chế.
 
Vladimir Ilyich Lenin

Vladimir Ilyich Lenin

Trong bối cảnh thời bấy giờ, gia đình ông thuộc diện “có điều kiện” (cha ông là hiệu trưởng các trường học nhân dân ở Simbirsk, mẹ ông là con nhà bác sĩ), nên các anh chị em của ông đều được học hành chu đáo và toàn diện. Từ bé, ông đã tỏ rõ tư chất thông minh và tinh thần ham hiểu biết. Sở hữu tấm bằng đại học với thành tích học tập xuất sắc, Vladimir Lenin hoàn toàn có thể tìm một công việc dễ chịu nào đó để lạc nghiệp hay phấn đấu theo hướng “vinh thân phì gia”. Nhưng cũng từ rất sớm, Lenin đã theo gương người anh trai mình, từ bỏ tất cả để dấn thân vào con đường đầy chông gai đấu tranh cho quần chúng nhân dân trong một xã hội Nga đầy rẫy áp bức bất công khi đó.

Nhân cách lớn của ông thể hiện rõ trong giai đoạn đi đày, hoạt động lưu vong ở nước ngoài, và cả khi đã trở thành nguyên thủ quốc gia. Các đồng chí của ông nhận xét ông là con người giản dị, khắc khổ, không chút quan cách kể cả khi trở thành Chủ tịch nước Nga Xô viết. Ông sống thanh đạm với đồ dùng giản dị, ít quan tâm đến chuyện áo quần. Trong mắt nhà văn Maxim Gorki, Lenin trông không có vẻ gì của một vị lãnh tụ cả.

Không chỉ sống trong sáng, giản dị, ông còn rất gần gũi với quần chúng, láng giềng và đặc biệt khiêm nhường. Kể cả khi vươn tới đỉnh cao lý luận, ông không chút tự kiêu. Ngược lại, ông còn phân tích kỹ lưỡng về bệnh kiêu ngạo cộng sản để cảnh tỉnh các đảng viên cộng sản.

Lenin thuộc mẫu người không “gợn chút riêng tư”, chiến đấu vì nhân dân đến hơi thở cuối cùng.

Có lần Lenin bị ám sát bằng 3 phát súng ở cự ly gần. Một viên đạn găm vào cổ, gần xương sống, không gắp ra được ngay. Vết thương trầm trọng đe dọa đến tính mạng, khiến ông bất tỉnh. Khi hồi phục lại một chút, ông lại lao ngay vào công tác cách mạng.

Lenin là linh hồn của phong trào Bolshevik và Cách mạng Nga. Làm việc không ngừng nghỉ,  tới 14-16 tiếng mỗi ngày, lãnh đạo Cách mạng tháng Mười, đối phó với cuộc nội chiến do bọn Bạch vệ phát động cũng như cuộc can thiệp vũ trang của các nước đế quốc, cộng với các vết thương trầm trọng do bị ám sát trước đó, đã bào mòn dần sức khỏe của Lenin. Dù vốn rất tráng kiện và chịu khó tập thể thao, ông vẫn bị đột quỵ và đã qua đời vào đầu năm 1924.

Bộ óc thiên tài

Mặc dù rất ngưỡng mộ anh trai, Lenin không tán thành con đường đấu tranh theo lối ám sát các quan chức trong bộ máy của Sa hoàng. Ông nhận ra vai trò của quần chúng và lựa chọn đi sâu vào quần chúng rồi thức tỉnh họ, phát huy sức mạnh dời non lấp bể của họ để thay đổi hiện thực xã hội.

Trước tiên, với năng lực tư duy thiên bẩm, tinh thần cầu thị và khát khao cải tạo thế giới, Lenin đã đào sâu và nâng học thuyết Marx - vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân - lên một tầm cao mới trên cả ba phương diện triết học, kinh tế chính trị, và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, Lenin đồng thời sở hữu những phẩm chất rất đáng quý của một nhà khoa học thực thụ. Khi nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản ở Nga, ông đã xem xét tỉ mỉ các số liệu cụ thể và đọc hàng trăm sách báo, khảo cứu kỹ lưỡng đời sống công nhân và nông dân. Cũng giống Marx và Engels, ông đã dày công nghiên cứu các tài liệu khoa học tự nhiên. Không những vậy, ông còn đề xuất một liên minh giữa các nhà khoa học tự nhiên và các nhà triết học mác xít.

Tuy chỉ sống chưa đầy 54 năm nhưng Lenin đã để lại cả một pho toàn tập đồ sộ gồm 54 cuốn sách dày tập hợp các tác phẩm nghiên cứu, lời kêu gọi, văn bản chỉ đạo, và bài phát biểu của mình, thể hiện khả năng liên tưởng và khái quát hóa siêu việt của ông trong việc nhìn nhận các hiện tượng tự nhiên, xã hội và cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân bị áp bức. (Thực tế, sau khi Lenin qua đời, bộ óc của vĩ nhân này đã được các nhà khoa học của Viện Não Moscow lưu giữ và nghiên cứu hết sức kỳ công để thấy hết các cấu trúc sinh học đặc biệt bên trong.)
Một lá quốc kỳ Liên Xô in hình Lenin trong thế kỷ 21
Một lá quốc kỳ Liên Xô in hình Lenin trong thế kỷ 21

Lenin kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc, các luận điểm đúng của chủ nghĩa Marx, nhưng khi thực tiễn thay đổi, ông chủ động phân tích tình hình cụ thể trong điều kiện lịch sử mới, dũng cảm bỏ các quan điểm đã cũ kỹ và không còn phù hợp.

Ngay từ giai đoạn đầu, Lenin đã viết: “Chúng ta không hề coi lý luận của Marx là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa (XHCN) cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.

Và Lenin đã trở thành một mẫu mực về giải quyết thỏa đáng mối quan hệ biện chứng giữa trung thành và sáng tạo, giữa bảo vệ và phát triển học thuyết mác xít.

Trước đây những người mác xít cho rằng cách mạng vô sản chỉ có thể thắng lợi ở tất cả các nước hoặc một số nước tư bản hùng mạnh. Nhưng qua phân tích thực tiễn mới, Lenin khẳng định chủ nghĩa xã hội (CNXH) có thể thắng lợi ở một nước, thậm chí đó là một nước tư bản lạc hậu. Theo phân tích của Lenin, nước Nga với các mâu thuẫn của mình chính là mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa mà giai cấp vô sản có thể chọc thủng được.

Tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc – Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản của ông đã “giải phẫu” một cách sâu sắc chủ nghĩa tư bản độc quyền, vạch ra các quy luật và khuynh hướng phát triển của nó.

Sau khi kết thúc Nội chiến Nga, căn cứ trên tình hình khi đó, Lenin đã mạnh dạn điều chỉnh chính sách kinh tế từ “Cộng sản Thời chiến” sang Chính sách Kinh tế Mới (NEP), táo bạo áp dụng nền kinh tế hàng hóa có sự điều tiết của nhà nước - một "bước lùi" chiến lược để khôi phục lại kinh tế bị chiến tranh tàn phá, tạo tiền đề cho “hai bước tiến” sau đó.

Ngoài ra ông còn có nhiều đóng góp phong phú, toàn diện khác như các tác phẩm về nghiên cứu các quy luật và phạm trù của phép biện chứng duy vật, về nghệ thuật quân sự và khởi nghĩa, về bài học cách mạng phải biết tự bảo vệ, về nhà nước, về Đảng kiểu mới và xây dựng Đảng, v.v. khiến học thuyết Marx trở thành chủ nghĩa Marx-Lenin. 

Tinh thần tiến công và triệt để cách mạng

Với khiếu hùng biện và tài bút chiến mẫu mực, Lenin đã phản pháo rất đanh thép, sắc sảo chống lại tất cả các loại kẻ thù tư tưởng của CNXH. Dường như ông không biết lùi bước trước bất kỳ quan điểm thù địch nào, sẵn sàng đập tan và trên thực tế đã đập tan mọi luận điệu của chủ nghĩa cơ hội thuộc đủ mọi màu sắc từ tả khuynh đến hữu khuynh, từ cơ hội công khai đến cơ hội đội lốt cách mạng, cả nội địa lẫn quốc tế.

Một nét nổi bật của Lenin là ông dành gần như cả cuộc đời đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cơ hội và tư tưởng tiểu tư sản trong phong trào công nhân và phong trào cách mạng, như tâm sự của chính ông.

Về mặt lý luận, Lenin coi thái độ đối với chuyên chính vô sản là hòn đá thử vàng đối với sự hiểu biết thực sự và công nhận thực sự chủ nghĩa Marx.

Trong quá trình bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Marx và đảng cộng sản – đội tiền phong của giai cấp công nhân, Lenin đã vạch trần chủ nghĩa cơ hội là “mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ, và không thể nào hiểu nổi”, là “tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co, uốn khúc như con rắn giữa 2 quan điểm đối chọi nhau”.

Không chỉ không đội trời chung với các phần tử cơ hội, Vladimir Lenin còn cương quyết chỉ đạo trấn áp phản cách mạng cũng như giành chính quyền.

Lenin rất thấm thía các bài học xương máu của Công xã Paris, khi giai cấp vô sản quá nương tay với kẻ thù, và vì vậy đã vô tình tạo điều kiện cho chúng có thời gian tập hợp lực lượng rồi phản công và dìm Công xã trong biển máu.

Những gì mà Ủy ban Đặc biệt toàn Nga về Đấu tranh chống Phản cách mạng và Phá hoại ngầm (gọi tắt là Cheka) đã thực thi trong chiến dịch “trấn áp Đỏ” để đáp lại Khủng bố Trắng của phe đối lập và hai vụ mưu sát nhằm vào Lenin trong năm 1918 đã cho thấy sự dứt khoát và cương quyết của những người Bolshevik khi ấy.
Một lá quốc kỳ Liên Xô in hình Lenin trong thế kỷ 21
Phù hiệu cơ quan an ninh Cheka và chân dung thủ lĩnh đầu tiên của cơ quan này, Dzerzhinsky (hình bìa 1 cuốn sách)

Hồi tháng 9/1917, khi tình thế cách mạng đã chín muồi, Lenin nêu rõ “lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta không nắm lấy chính quyền”.

Khi thời cơ cách mạng đến (vào tháng 11/1917), phe đầu hàng trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Bolshevik đã biểu quyết chống lại nghị quyết do Lenin thảo về khởi nghĩa vũ trang hoặc chủ trương lùi ngày khởi nghĩa lại sau ngày họp đại biểu Xô viết. Tệ hại hơn, phe phản bội còn đăng nội dung nghị quyết trên một tờ báo ngoài đảng, công khai kế hoạch cho kẻ thù. Và chính quyền tư sản phản động khi đó đã lập tức điều các đơn vị quân sự đặc biệt về thủ đô sẵn sàng đàn áp cách mạng.

Trong lá thư gửi Trung ương Đảng Bolshevik tối 6/11/1917, Lenin đã khẩn thiết yêu cầu chiếm lấy ngay chính quyền: “Không thể chờ đợi được! Đợi chờ là có thể mất sạch… Lịch sử sẽ không tha thứ sự chần chừ của những người cách mạng khi họ có thể chiến thắng ngày hôm nay; ngày mai có thể họ sẽ thiệt nhiều, có thể họ sẽ mất tất cả… Chờ đợi sự biểu quyết dùng dằng ngày 7/11 là đi tới chỗ diệt vong, là hình thức chủ nghĩa; nhân dân có quyền và có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề như vậy không phải bằng sự biểu quyết mà bằng sức mạnh”.

Trước đó, khi Chiến tranh đế quốc nổ ra và thành Thế chiến thứ 1, con thuyền Đảng Bolshevik dưới sự chèo lái của Lenin là đảng công nhân duy nhất khi đó chống chiến tranh một cách quyết liệt. Thế chiến thứ 1 đã phơi bày tất thảy bọn cơ hội chủ nghĩa trong Quốc tế II – những đảng mang danh công nhân nhưng đã công khai hùa theo giai cấp tư sản để phát động chiến tranh “bảo vệ tổ quốc” của giai cấp tư sản, nô dịch các dân tộc khác và chém giết anh em thợ thuyền khác, tức là quay lưng lại với CNXH và chủ nghĩa quốc tế.

Đến khi Chiến tranh đế quốc đã tạo điều kiện cho nội chiến lật đổ Sa hoàng và chính phủ lâm thời tư sản tại Nga, tính triệt để cách mạng của Lenin lại được thể hiện một lần nữa qua quan điểm quốc tế chủ nghĩa của ông. Chính quyền Xô viết sau Cách mạng tháng Mười công bố Sắc lệnh Hòa bình kêu gọi chấm dứt ngay chiến tranh giữa các nước, đồng thời ra bản tuyên bố công nhận quyền tự quyết và quyền tự do của các dân tộc tách khỏi Nga nếu muốn. Chính phủ Xô viết đã nhanh chóng công nhận quyền độc lập của Phần Lan và Ba Lan.

Khi thành lập Quốc tế Cộng sản (tức Quốc tế III), Lenin đặc biệt quan tâm đến việc chống chủ nghĩa cơ hội. Một trong những điều kiện gia nhập Quốc tế III năm 1920 là: “Các Đảng của những nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa và đi thống trị các dân tộc khác phải có đường lối đặc biệt rành mạch và rõ ràng về vấn đề thuộc địa và các dân tộc bị áp bức. Mỗi đảng muốn tham gia Quốc tế III phải vạch trần một cách không khoan nhượng những thủ đoạn của bọn đế quốc “nước mình” ở các thuộc địa, ủng hộ không phải trên lời nói mà bằng việc làm bất kỳ phong trào giải phóng dân tộc nào ở các nước thuộc địa đòi đuổi cổ bọn đế quốc nước mình ra khỏi các thuộc địa, giáo dục công nhân nước mình có thái độ thật sự anh em với nhân dân lao động các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức, đồng thời phải tuyên truyền một cách có hệ thống vấn đề chống mọi sự áp bức các dân tộc thuộc địa cho quân đội nước mình”.

Khẩu hiệu của Marx “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” đã được Lenin mở rộng thành “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”.

Tác phẩm “Sơ thảo lần thứ 1 những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” do Lenin viết cho Đại hội thứ 2 của Quốc tế III (1920) đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Lenin đối với số phận và vai trò của quần chúng lao động tại các thuộc địa và các dân tộc bị áp bức.

Tinh thần cách mạng chân chính của Lenin thể hiện không chỉ trong tấn công mà còn cả trong rút lui. Tiêu biểu là sách lược đề nghị ký Hòa ước Brest-Litovsk với đế quốc Đức để nhanh chóng rút khỏi Chiến tranh Thế giới thứ 1 và củng cố lực lượng. Khi ấy, chính bọn phản cách mạng, bọn cơ hội chủ nghĩa điên cuồng chống lại hòa ước. Bọn cơ hội chủ nghĩa, nực cười thay, còn tung ra các chiêu bài yêu nước và cách mạng như cần tiến hành chiến tranh để hỗ trợ cách mạng Đức nổ ra. Hậu quả, quân Đức đã chuyển sang tấn công và chiếm thêm nhiều vùng rộng lớn của nước Nga Xô viết. Sau đó, dù phải chịu nhiều điều khoản nặng nề hơn nữa do Đức đưa ra, Lenin vẫn kiên quyết ký Hòa ước bị coi là “nhục nhã” đó và nhờ vậy, giúp nước Nga tránh những thiệt hại và nguy cơ từ việc tiếp tục tham chiến.

Sau này, ở Đông Dương, một tình huống tương tự đã xảy ra khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, bất chấp sự phản đối của các phần tử phản động trong chính phủ liên hiệp, kiên quyết ký Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt năm 1946 để hòa hoãn với Pháp và đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc Việt Nam./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm