Tổng quan bệnh Loét giác mạc
Loét giác mạc là gì? Loét giác mạc (hay còn gọi là viêm loét giác mạc) là tình trạng giác mạc bị trầy và nhiễm trùng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Loét giác mạc gây phá hủy các mô giác mạc làm các tổ chức ở giác mạc bị hoại tử, tổn thương tạo nên một hoặc nhiều ổ loét. Đây là một bệnh xảy ra phổ biến, để lại hậu quả rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các di chứng như sẹo giác mạc, teo nhãn, mất thị lực thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.
Nguyên nhân bệnh Loét giác mạc
Các nguyên nhân loét giác mạc bao gồm:
Nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh,…
Nhiễm virut Herpes simplex. Virut này gây tình trạng loét giác mạc tái đi tái lại, đặc biệt khi cơ thể stress, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, virut Varicella gây bệnh thủy đâu cũng có thể gây loét giác mạc.
Nhiễm các loại nấm như Aspergllus, Fusarium, Cephalosporum,..
Nhiễm ký sinh trùng Acanthanmoeba: đây là loại ký sinh trùng có kích thước rất nhỏ, có trong nước và đất. Ký sinh trùng này thường gây loét giác mạc nặng ở những người sử dụng kính áp tròng.
Biến chứng từ các bệnh như mắt hột, khô mắt, viêm khết mạc, lông xiêu lông quặm,…
Bệnh Liệt Bell hoặc các bất thường về mi mắt gây ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ mắt của mi, gây khô mắt có thể dẫn đến loét giác mạc.
Thiếu vitamin A
Tổn các dây thần kinh chi phối vùng mắt: dây thần kinh số VII (hở mi), thần kinh V
Mắt bị các chấn thương làm tổn thương giác mạc: mắt bị các vật thể bắn vào, bị cành cây quẹt vào,…
Điều trị mắt các phương pháp phản khoa học như đắp các thuốc lá vào mắt.
Sử dụng kính áp tròng không được tiệt trùng đúng cách, nước rửa và ngước ngâm kính không chuyên dụng.
Tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt chứa corticoid mà chưa qua thăm khám, hướng dẫn của bác sĩ
Triệu chứng bệnh Loét giác mạc
Loét giác mạc gây ra các triệu chứng như sau:
Bệnh nhân khó mở mắt, mi sưng nề, có dấu hiệu co quắp mi.
Cảm giác khó chịu, mỏi mắt, mắt nóng rát, đau nhức âm ỉ, cảm giác như có dị vật trong mắt.
Chảy nước mặt, đỏ mắt, mờ mắt, chảy mủ từ mắt.
Giác mạc mất đi độ bóng, trở nên ghồ ghề, đục do thâm nhiễm các tế bào viêm, xuất hiện đốm (hoặc cả một vùng) trắng hoặc màu xám trên giác mạc, thường là ở vùng trung tâm.
Mạch máu kết mạc sâu cương tụ đỏ quanh vùng giác mạc. Có thể có một hoặc nhiều ổ loét, ổ loét hình bầu dục hoặc hình tròn, có thể nhỏ hoặc rộng hết vùng giác mạc.
Đường lây truyền bệnh Loét giác mạc
Viêm loét giác mạc có lây không? Viêm loét giác mạc là một bệnh truyền nhiễm, có thể lây khi người bệnh dụi mắt, vi khuẩn, virut, nấm sẽ theo tay người bệnh tiếp xúc với người khác hoặc các vật thể xung quanh. Nguy cơ lây bệnh sẽ tăng cao nếu sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm với người mắt bệnh. Do đó, nên sử dụng khăn riêng, thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh. Bệnh không lây qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp.
Đối tượng nguy cơ bệnh Loét giác mạc
Loét giác mạc là một bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào. Các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
Người sử dụng kính áp tròng
Người có chế độ dinh dưỡng kém, thiếu Vitamin A
Người lao động ở các môi trường có nhiều khói, bụi, dị vật như công trường lao động, xưởng gỗ, cơ sở hàn, điện,…
Người sống ở môi trường vệ sinh kém, nguồn nước không đảm bảo
Người hay dụi mắt, không có thói quen rửa tay trước khi chạm vào mắt
Phòng ngừa bệnh Loét giác mạc
Để giảm nguy cơ mắc bệnh loét giác mạc, nên lưu ý các điểm sau:
Nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, nên bổ sung thêm Vitamin A để giảm tình trạng khô mắt.
Khi lao động, nhất là lao động ở những môi trường nhiều khói bụi, các nghề nghiệp như thợ hàn, thợ tiện, thợ mộc,… cần sử dụng kính bảo hộ để bảo vệ mắt.
Khi ra ngoài nên đeo kính mát để hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím.
Không dụi mắt, khi mắt có các dị vật lạ xâm nhập, nên đến các cơ sở y tế để được xử lý.
Rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào mắt.
Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt có nguy cơ gây loét giác mạc,
Khi đeo kính áp tròng, phải vệ sinh đúng cách, làm sạch, khử trùng kính trước và sau khi đeo. Không đeo kính áp tròng khi ngủ. Khi đeo mà có hiện tượng cộm, xốn hay đau nhức cần phải tháo ra ngay lập tức và đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Loét giác mạc
Bác sĩ sẽ chuẩn đoán bệnh loét giác mạc dựa vào các triệu chứng lâm sàng, có thể kết hợp với các phương pháp sau:
Nhuộm mắt bằng Fluorescein: bác sĩ sẽ nhỏ thuốc nhuộm Flourescein màu cam lên một mảnh giấy nhuộm mỏng, sau đó đặt nhẹ mảnh giấy này vào mắt bệnh nhân để thuốc nhuộm thấm vào mắt. Tiếp đến, bác sĩ sẽ dùng đèn khe chiếu ánh đèn màu xanh dương vào mắt bệnh nhân, nếu giác mạc bị tổn thương sẽ đổi sang màu xanh dương khi đèn chiếu vào.
Lấy mẫu từ vết loét đi xét nghiệm: sau khi phát hiện có vết loét giác mạc, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê cho vùng mắt rồi cạo một phần nhỏ vết loét làm mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Loét giác mạc
Điều trị loét giác mạc bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Loét giác mạc bao lâu thì khỏi? Tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, nguyên nhân loét giác mạc và sự đáp ứng điều trị của từng người bệnh mà bệnh có thể nhanh hoặc lâu khỏi.
Điều trị nội khoa:
Tuân theo nguyên tắc chung là kết hợp sử dụng các thuốc điều trị nguyên nhân bệnh và các thuốc làm giảm triệu chứng .
Các thuốc điều trị nguyên nhân:
Nếu loét giác mạc do vi khuẩn: nếu làm được kháng sinh đồ thì sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nếu không thì sử dụng kháng sinh phổ rộng.
Nếu loét giác mạc do virut: dùng các thuốc chống virut đặc hiệu do bác sĩ chỉ định
Nếu loét giác mạc do nấm: dùng các thuốc chống nấm đặc hiệu do bác sĩ chỉ định
Điều trị ngoại khoa:
Nếu tình trạng loét giác mạc tiến triển nặng, điều trị nội khoa không có kết quả, các bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp ngoại khoa:
Phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn