Sóc Trăng:

Thầy giáo thể dục chế tạo thành công nông cụ giá rẻ

(Dân trí) - Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ IX-năm 2015, vượt qua 40 giải pháp tham gia Hội thi, giải pháp “Máy vô chân ấm mía” được Ban giám khảo chấm chọn trao giải Nhất. Điều đáng nói, tác giả của giải pháp này là một giáo viên dạy bộ môn Giáo dục thể chất. Đó là thầy Nguyễn Văn Nưng, giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 3A, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).

Trò chuyện với thầy Nguyễn Văn Nưng, chúng tôi được biết: Thầy Nưng sinh năm 1971 trong một gia đình nông dân ở xã An Thạnh 3. Quê hương xã An Thạnh 3 nói riêng, huyện Cù Lao Dung nói chung là xứ sở của cây mía. Nơi đây nhà nông đã gắn bó với cây mía từ rất lâu. Nhiều nhà nông đã giàu lên từ cây mía. Ngay chính nhà giáo Nguyễn Văn Nưng hiện đang trồng 20.000m2 mía.

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo giáo viên sư phạm hệ 9+1, Nguyễn Văn Nưng về công tác tại trường Tiểu học An Thạnh 3 A và gắn bó với ngôi trường ấy cho đến nay. Sau đó, thầy tiếp tục vừa công tác vừa học tiếp bậc Cao đẳng Sư phạm và Đại học chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Cơ sở sản xuất của thầy Nguyễn Văn Nưng.
Cơ sở sản xuất của thầy Nguyễn Văn Nưng.

Về quê, ngoài thời gian dạy học, thầy Nưng còn sản xuất 20.000m2 mía để tăng thu nhập cho gia đình, nuôi hai con ăn học. Trong quá trình sản xuất, thầy Nưng nhận thấy việc trồng mía ở địa phương là một thế mạnh nhưng người nông dân phải đầu tư rất nhiều cho sản xuất, đặc biệt là khâu chăm sóc mía, nên sau thu hoạch lợi nhuận không còn nhiều.

Từ thực trạng trên, thầy Nưng đã suy nghĩ rất nhiều, tìm cách giúp nhà nông giảm bớt chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Sau bao đêm thao thức, thầy Nưng nung nấu ý nghĩ phải tìm cách chế ra một chiếc máy làm đất, trước là phục vụ cho gia đình, sau nữa là phục vụ cho bà con. Được sự hỗ trợ của cả nhà, thầy Nưng đã mạnh dạn bắt tay vào tìm tòi, học hỏi và sáng chế thành công chiếc máy đào mương. Thành công trong sản xuất máy nhưng lại không thành công khi đưa vào vận hành trong sản xuất bởi máy đào mương này vừa cồng kếnh lại vừa hoạt động không hiệu quả.

Không thành công như mong muốn nhưng nhà giáo Nguyễn Văn Nưng đã có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Vì vậy, thầy tiếp tục bắt tay nghiên cứu, sáng chế thành công chiếc máy làm đất mà sau này được đặt tên là “Máy vô chân ấm mía”. Ngày đưa máy ra chạy thử là ngày đáng nhớ nhất của nhà giáo Nguyễn Văn Nưng bởi nếu thành công sẽ mở ra bước ngoặt mới cho thầy và gia đình, còn thất bại thì… có khi phải dẹp tiệm. Và thành công đã đến với thầy khi chiếc máy nổ giòn tan, chạy đều đều, đùn lên những thớ đất mịn màng, đắp đầy vào gốc mía. Nhìn thành quả của mình, thầy Nưng rưng rưng nước mắt, mọi người ai cũng reo to chúc mừng thành công của thầy.

Thầy Nưng đang thực hiện chế tạo sản phẩm máy phục vụ trồng mía.
Thầy Nưng đang thực hiện chế tạo sản phẩm máy phục vụ trồng mía.

Với chiếc máy này, việc làm đất đã được nhẹ nhàng hơn, chi phí thấp hơn, năng suất lao động cao hơn. Thầy Nưng cho biết: Nếu vun đất bằng lao động thủ công, mỗi người phải mất 6 ngày mới xong 1.000m2, tiền công 600.000 đồng/1.000m2; còn chiếc máy của thầy, chỉ một người điều khiển nhưng vun được một ngày 3.000m2, tiền công chỉ từ 450.000 đồng - 500.000 đồng/công (tùy đất). Như vậy vừa giảm được chi phí, vừa rút ngắn thời gian, sản xuất có lãi.

Thầy Nưng cho biết: “Ban đầu tôi làm máy vô chân ấm mía, do chưa có kinh nghiệm và dụng cụ sản xuất nên tôi làm mất gần 1 tháng mới xong. Chi phí đầu tư khoảng ngót nghét chục triệu đồng. Sau chiếc máy này, tôi đầu tư mua trang thiết bị nên rút ngắn thời gian xuống còn khoảng 10 ngày một máy. Làm được 4 chiếc thì bà con mua hết cả, mỗi chiếc 25 triệu đồng. Sau thành công của máy vô chân ấm mía, tôi tiếp tục nghiên cứu và sẽ cho ra đời máy vô chân đạp trên cơ sở của máy vô chân ấm. Chỉ cần cải tiến, thêm một số chi tết, phụ tùng, chiếc máy vô chân đạp này sẽ là chiếc máy “3 trong 1” khi vừa vô chân phả, vừa vô chân ấm vừa vô chân đạp luôn”.

Máy do thầy Nưng sản xuất thiết kế gọn nhẹ, có bánh xe, có cần số, tay thắng… nên dễ điều khiển. Khi đẩy nhẹ ra phía trước, máy phả đất sang hai bên liếp mía một cách gọn ghẽ và đẹp mắt, đất cũng tơi xốp hơn, rễ mía hoạt động tốt, dễ tưới nước, ít tốn phân bón, cho năng suất cao.

Thầy Nưng với chiếc máy 3 trong 1.
Thầy Nưng với chiếc máy 3 trong 1.

Với chiếc máy “3 trong 1” đang thực hiện, thầy Nưng lắp máy động cơ 15 mã lực giúp máy hoạt động mạnh hơn. Thầy Nưng cho biết: “Ưu điểm vượt trội của chiếc máy này là khi hoạt động, chẳng những đưa đất vô chân mía mạnh hơn, nhiều hơn mà còn tự động vét đất gọn gàng theo những liếp mía, không cần sửa lại bằng tay”. Được biết, máy do thầy Nưng sản xuất có giá rẻ, chất lượng tốt nên nhiều người rất ưa chuộng vì đỡ tốn công lao động, chi phí đầu tư thấp, sản xuất có lời so với lao động thủ công trước đây.

Từ chiếc máy vô chân ấm mía, nhà giáo Nguyễn Văn Nưng tiếp tục nghiên cứu và bước đầu thành công với máy vô chân đạp. Lý giải về sự ra đời chiếc máy của mình, thầy Nguyễn Văn Nưng cho biết: Với người trồng mía, một vụ mía phải trải qua 3 lần vô chân mía. Lần thứ nhất gọi là vô chân phả, lượng đất đắp vào gốc mía thấp hơn. Lần thứ hai gọi là vô chân ấm, lượng đất đắp gốc mía nhiều hơn, cao hơn nhưng yêu cầu phải là đất tơi, mịn. Lần thứ ba là vô chân đạp yêu cầu đất to hơn để giữ cho gốc mía đứng yên, không bị ngã đổ. Khâu vô chân mía rất quan trọng vì nó giữ được độ ẩm giúp mía phát triển tốt, lại không bị đổ ngã khi có gió, đạt năng suất cao hơn.

“Nhưng nếu mỗi công đoạn một loại máy thì khó quá nên tôi nghiên cứu cải tiến chi tiết để một máy sẽ đảm nhiệm được 3 nhiệm vụ cho các công đoạn trên”, thầy Nưng tâm sự.


Thầy Nguyễn Văn Nưng (thứ 2 từ trái qua) nhận tài trợ làm sản phẩm.

Thầy Nguyễn Văn Nưng (thứ 2 từ trái qua) nhận tài trợ làm sản phẩm.

Được biết, trong năm 2015, Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hơn 20 cuộc hội thảo trực tiếp giới thiệu về chương trình tài trợ DNVVN sáng tạo tại 11 huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với hơn 400 lượt DNVVN tham dự. Qua đó, đã có 13 doanh nghiệp tham gia chương trình. Dựa trên kết quả chấm điểm của Ban Giám khảo vòng sơ khảo và chung khảo, BQLDA đã quyết định tài trợ cho 3/13 doanh nghiệp có đề xuất phù hợp với tiêu chí của chương trình với tổng kinh phí tài trợ gần 800 triệu đồng. Trong đó, sản phẩm của nhà giáo Nguyễn Văn Nưng đã được Ban quản lý dự án đồng ý tài trợ kinh phí triển khai thực hiện với số tiền 79,9 triệu đồng.

Ông Mai Phước Hưng - Trưởng Ban quản lý dự án nhận xét: “Cù Lao Dung là huyện có khoảng 6.500- 7.000ha mía nhưng việc áp dụng cơ giới hóa chưa được quan tâm, nhất là khâu vô đất cho mía đa số nông dân làm thủ công, rất vất vả, nặng nhọc, mất nhiều thời gian và chi phí cao. Vì vậy, sự ra đời máy vô chân đạp của ông Nguyễn Văn Nưng sẽ giải quyết các vấn đề khó khăn về lao động, thời gian và chi phí, giúp gia tăng lợi nhuận cho người trồng mía, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển vùng nguyên liệu mía trước cơn sốt phá mía nuôi tôm như vừa qua và hiện nay”.

Không chỉ thành công với công việc “tay trái”, nhà giáo Nguyễn Văn Nưng cũng đạt nhiều thành tích trong giảng dạy. Nhiều năm liền thầy luôn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Giáo viên giỏi, được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh tín nhiệm.

Cao Xuân Lương