Yêu nhau 8 năm vẫn thờ ơ chuyện cưới xin, chuyện tình này... có tương lai?
(Dân trí) - Tôi và anh ấy đã ở bên nhau 8 năm mà vẫn chưa tổ chức lễ cưới, anh ấy từng hứa hẹn với tôi về chuyện hôn lễ, chỉ vì trong một lần cãi vã sau lễ cưới của một người bạn, tôi đã dọa sẽ ra đi.
Lời tâm sự:
Tôi và anh ấy đã ở bên nhau 8 năm mà vẫn chưa tổ chức lễ cưới, tôi đã 33 tuổi và anh ấy đã 42. Anh ấy từng hứa hẹn với tôi về chuyện hôn lễ, chỉ vì trong một lần cãi vã sau lễ cưới của một người bạn, tôi đã nói với anh rằng tôi sẽ ra đi nếu anh ấy mãi không chịu… cưới tôi làm vợ.
Anh ấy là một người đàn ông khá chặt chẽ, anh kiếm được tiền, sẵn sàng chi tiêu bạo tay cho những món đồ hàng hiệu của bản thân, nhưng khi chi tiền cho tôi, anh khá cầm chừng. Khi tôi hỏi về kế hoạch tổ chức lễ cưới, anh ấy luôn lo sợ rằng sẽ tiêu tốn mất nhiều tiền bạc.
Em gái khuyên tôi nên tổ chức lễ cưới vào thời điểm này, vì dịch bệnh nên sẽ có thể tổ chức nhỏ, ít khách mời và do đó chúng tôi sẽ không phải chi tiêu quá nhiều cho hôn lễ.
Tôi đã gợi ý như vậy với anh nhưng anh lại lần lữa, không muốn đưa ra một quyết định dứt khoát… Tôi nghĩ anh không muốn tổ chức lễ cưới với tôi và cảm thấy không cần thực sự bước sang trang mới của mối quan hệ tình cảm.
Nhưng chẳng mấy chốc tôi sẽ 40 tuổi, khi ấy, sẽ là quá muộn để tìm kiếm một ai đó khác. Tôi nên làm gì trong hoàn cảnh này?
Lời khuyên:
Có một điều bạn nên hiểu về đàn ông, đó là họ không thích những thứ phiền phức, thực ra đối với nhiều đàn ông, nhất là đàn ông đã từng trải, đã đi qua hôn nhân, họ rất sợ phải tổ chức lễ cưới, phải sắm vai chú rể một lần nữa trong đời. Bạn không nói rõ bạn trai của mình đã trải qua những gì trong quá khứ, nhưng một người đàn ông 42 tuổi thì hẳn cũng đã có không ít trải nghiệm.
Khi đưa ra lời cầu hôn, đàn ông thậm chí có thể còn chưa kịp nghĩ về những việc cần phải làm để tổ chức một lễ cưới. Họ có thể cáu kỉnh với các kế hoạch cưới xin và cho rằng không có gì phải vội vàng. Thực sự nhiều khi họ không hiểu được cái gọi là “thanh xuân của người phụ nữ”.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng đàn ông không muốn tiến đến hôn nhân. Đây chính là điểm quan trọng nhất trong câu chuyện này. Nhiều đàn ông sợ quá trình tổ chức lễ cưới, nhưng họ muốn có một gia đình chính thức bên người phụ nữ mình yêu thương và gắn bó.
Mỗi người có một quan niệm khác nhau về tình yêu, hôn nhân, sự cam kết ràng buộc, nhưng dường như bạn trai của bạn không muốn tổ chức lễ cưới hay ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn.
Hai bạn đã bên nhau nhiều năm rồi, do đó bạn trai của bạn có thể đã mặc định trong suy nghĩ rằng hai bạn đã là của nhau và anh ấy muốn trì hoãn hoặc thậm chí… bỏ qua mọi thủ tục rườm rà, hình thức của một lễ cưới. Nhưng ngay cả khi bạn đã cố gắng lên kế hoạch cho một hôn lễ giản dị, anh ấy vẫn từ chối. Vậy thì, tôi e rằng quả thực anh ấy vẫn chưa muốn lấy bạn làm vợ.
Từ những gì bạn đã nói về cách chi tiêu của anh ấy, rõ ràng anh ấy khá là chặt chẽ và thích tiêu tiền cho bản thân hơn là… cho bạn.
Nếu anh ấy thực sự lo lắng về chi phí tốn kém khi tổ chức lễ cưới, thì hiện tại đang là cơ hội tốt để tổ chức một lễ cưới nhỏ với chi phí tiết kiệm hơn. Nhưng ngay cả khi bạn đã nói về ý định ấy, anh ấy vẫn chần chừ, lần lữa, do đó, vấn đề có lẽ không phải là tiền bạc mà anh ấy… không muốn lễ cưới diễn ra.
Giờ là lúc bạn phỉa đối diện với sự thật và quyết định xem bạn muốn gì. Hãy thành thật với chính mình. Nếu bạn cảm thấy anh ấy không có đủ sự quyết tâm để tiến đến hôn nhân, hãy đưa ra tối hậu thư: đặt ra thời điểm tổ chức lễ cưới, hoặc cả hai cùng xúc tiến, hoặc bạn sẽ kết thúc mối quan hệ ngay. Nhưng bạn cũng phải chuẩn bị sẵn sàng cho những khả năng có thể xảy ra sau khi bạn đã đưa ra tối hậu thư ấy.
Hãy tự đưa ra quyết định và nắm bắt lấy những gì bạn muốn!