Xử trí thế nào khi bạn có một đứa con "bướng bỉnh"?

(Dân trí) - Cách duy nhất để đối diện với một đứa trẻ bướng bỉnh là cho trẻ thấy hành vi của nó không có tác dụng. Nhưng trước tiên, cần phân biệt rõ con bạn bướng bỉnh hay là một đứa trẻ có chính kiến, có quyết tâm, từ đó bạn mới đưa ra được hành động đúng.

Xử trí thế nào khi bạn có một đứa con "bướng bỉnh"? - 1

Nhận diện

- Những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ thường rất thông minh và sáng tạo. Con hay hỏi rất nhiều, tới mức có lúc mang đến cho người lớn cảm giác là chúng đang "nổi loạn". Trẻ có chính kiến riêng và thích là "người hành động". Bởi thế mà nhiều khi cha mẹ thấy là mình đang bị con "cãi lại".

- Những đứa trẻ bướng bỉnh lại rất có nhu cầu được người khác lắng nghe và được công nhận, cho nên trẻ sẽ tìm cách thu hút sự chú ý của cha mẹ thường xuyên. Trẻ thường có những cơn hờn (tantrum) nếu không được như ý và hay tỏ ra hách dịch, thích điều khiển người khác.

Nếu con bạn là một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ, xử trí không dễ nhưng bạn hãy vui mừng, bởi những đứa trẻ như thế này thường rất thông minh, thành công trong sự nghiệp khi trưởng thành và không dễ hùa theo bạn bè đưa ra những lựa chọn sai cho cuộc đời của chúng.

Xử trí với con thế nào?

1. Lắng nghe, không tranh cãi

Giao tiếp luôn có tính 2 chiều, nếu bạn muốn con nghe mình, mình hãy sẵn sàng nghe con trước. Trẻ có ý chí mạnh mẽ luôn có chính kiến kiên định và có xu hướng thích tranh cãi. Con có thể trở nên thách thức nếu cảm thấy mình không được lắng nghe. Hầu hết thời gian, khi con bạn khăng khăng làm hoặc không làm gì đó, hãy lắng nghe chúng và nói chuyện cởi mở về những gì đang làm con cảm thấy phiền.

Còn với một đứa trẻ bướng bỉnh thì sao? Đừng tiếp cận trực diện, hãy tiếp cận từ bên lề một cách bình tĩnh, thực tế và không đối đầu.

2. Không ép con

Khi bị ép, con sẽ có xu xướng nổi loạn, làm mọi thứ không nên làm. Hãy kết nối với con, không ép buộc. Ví dụ, ép một đứa trẻ đang xem TV đi ngủ ngay lập tức sẽ không có tác dụng. Thay vào đó bạn nên ngồi xuống cùng con, tỏ ra là bạn thích thú với những gì con đang xem. Khi bạn tỏ ra quan tâm, con sẽ có phản ứng trước yêu cầu, lời nói của bạn. Trẻ được kết nối với cha mẹ thường muốn hợp tác hơn.

3. Đưa cho con lựa chọn

Đưa ra quá nhiều lựa chọn có thể khiến con bị rối. Hãy giới hạn xuống con số 2 hay 3 lựa chọn bạn cho là chấp nhận được và để tự con quyết định theo chính kiến riêng của mình.

4. Bố mẹ cần giữ bình tĩnh

Không dễ khi con đang khiến bạn muốn "nổi cơn điên" nhưng đó là việc nên làm nếu bạn mong dạy con bài học về việc ai cũng cần hành động, hành xử theo những quy tắc nhất định.

Hãy làm bất cứ điều gì bạn cho là có tác dụng giúp mình kiềm chế như ngồi thiền, tập vài động tác thể dục, hay đi nghe nhạc nhẹ. Bật nhạc thư giãn trong nhà cũng có thể giúp cả con lấy lại bình tĩnh.

5. Tôn trọng con

Hãy cho phép con tự làm một số việc. Bạn nên hết sức tránh "cám dỗ" làm hộ con. Đây cũng là cách bạn nói với con rằng bạn tin tưởng bé.

Chỉ nói điều bạn nghĩ và làm đúng như những gì bạn nói. Làm gương cho con là điều quan trọng bởi con cái bạn sẽ luôn nhìn theo bạn đấy.

Sau cùng, bọn trẻ cần có quy tắc và kỷ luật. Các con của chúng ta nên biết rằng sẽ có hậu quả, tốt hoặc xấu, cho hành động của chúng. Cha mẹ nên chắc chắn rằng con nhận thức được đầy đủ về hậu quả của việc vi phạm các quy tắc.

Hậu quả nên đến ngay lập tức, đặc biệt là đối với trẻ để các con có thể kết nối hành động của chúng với kết quả luôn.

Phạt ngồi một mình, cắt giảm thời gian chơi hoặc thời gian xem TV và giao việc vặt có thể là một vài cách thực thi kỷ luật. Cha mẹ cũng có thể sáng tạo thêm vài hậu quả khác dựa trên vấn đề cụ thể.

Nhưng bạn cần nhớ rằng mục đích cuối cùng không phải để trừng phạt con, mà là để con nhận ra rằng hành vi của mình không đúng.

Huyền Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm