Xa thương gần thường

Cô em dâu của Diễm cả tháng mới sang biếu mẹ chồng cân cam mà mẹ chồng vồn vã hỏi han, đi đâu cũng khoe. Trong khi đó, Diễm sống chung với nhà chồng, cơm bưng nước rót, chưa kể ngày nào cũng đổi món, các loại hoa quả, mà hầu như chưa bao giờ được khen.

 
Xa thương gần thường - 1


Đôi lúc, Diễm (29 tuổi, Hà Nội) không khỏi chạnh lòng. Có lần, mắt mẹ chồng sưng húp, sáng dậy không mở được, Diễm phải xin nghỉ làm đưa cụ đi khám. Cô cũng không quên nhỏ thuốc đều đặn cho bà. Ba ngày sau, khi mắt mẹ chồng đã khỏi, cô em dâu Diễm mới thấy mặt, khéo nịnh: “Con mới mua được lọ thuốc nhỏ mắt của Mỹ. Bạn con làm bác sĩ nhãn khoa, mẹ yên tâm mà dùng”. Cái lọ thuốc ấy, mẹ chồng Diễm chưa dùng lần nào vì mắt đã khỏi nhưng sau đó, bà luôn miệng khen con dâu út có hiếu.

 

Lần khác, Diễm chẳng may mua phải quả dưa hấu bị nẫu bên trong, ăn không được, đành mang bỏ. Cô bị mẹ chồng ca cẩm suốt cả tối. Thế mà cũng có lần cô em dâu mua phải cân cam ủng, bà lại bào chữa: “Thời tiết nóng thế này, quả nào chả hỏng”. Sau đó, Diễm bị mẹ chồng so sánh rồi kể xấu. Diễm mong được ở riêng để thoát kiếp làm “osin không công” nhưng hoàn cảnh không cho phép.

 

Hơi khác Diễm, Hằng (31 tuổi, Hà Đông) được mẹ chồng yêu quý hơn từ ngày ra riêng. Sau cưới, vợ chồng Hằng sống chung với bố mẹ và ông anh chồng. Hằng hiền lành, lại chăm chỉ nên được họ hàng nhà chồng quý. Ngược lại, mẹ chồng hay xét nét cô.

 

“Mẹ chồng khó chịu vì bảo mình giỏi sai chồng. Có vài việc bé tẹo, làm một loáng là xong cũng sai. Mình còn bị chê là không tháo vát, nhanh nhẹn” - Hằng tâm sự. Trong sinh hoạt hàng ngày, Hằng làm gì cũng không vừa ý mẹ chồng. Chẳng hạn, cô lấy con dao chuôi vàng để gọt xoài thì bà kêu, phải lấy con dao chuôi đen; bảo lau phòng khách thì lát lại gắt lên: “Con không lau cầu thang à? Tiện tay thì lau một thể chứ”. Hơn một năm sau khi cưới mà chưa có bầu, Hằng càng bị mẹ chồng nói ra nói vào. Hằng cũng ấm ức lắm nhưng chưa bao giờ cãi.

 

Khi người anh chồng lấy vợ, bố mẹ chồng có ý để vợ chồng Hằng ra riêng. Hằng cho biết, ban đầu nghe mẹ chồng đề xuất, cô khóc suốt vì có cảm giác như đang bị hắt hủi. Sau, được chồng an ủi, hai vợ chồng cô quyết định mua nhà trả góp.

 

Từ ngày tách ra, Hằng thoải mái hơn nhiều. Cô đã có bầu, mỗi tuần về thăm mẹ chồng một lần. Lần nào cũng được bà tự tay chuẩn bị những món ngon. “Sáng chủ nhật đang ngủ thì mẹ chồng gọi điện giục: “Hai đứa mau đến đi. Mẹ đi chợ mua cua về nấu canh”. Điều này trước đây không bao giờ có.

 

“Xa thương…”

 

Tâm lý “xa thương, gần ngán” rất dễ lý giải vì khi sống chung, không thể tránh được những mâu thuẫn vụn vặt. Những va chạm tuy là rất nhỏ, tưởng như không có gì nhưng cũng khiến mẹ chồng - con dâu căng thẳng. Các điểm xấu của nhau cũng dễ dàng được bộc lộ.

 

Khi không phải “vào đụng - ra chạm” thì suy nghĩ của mỗi bên dành cho nhau cũng thoáng hơn. Mỗi tháng, mẹ chồng - nàng dâu mới gặp gỡ nhau vài lần thì có nhiều chuyện vui để kể, hơn là những chuyện xét nét bực mình. Hơn nữa, mỗi người “nội tướng” cũng được vun vén gia đình theo ý mình, tránh được tình trạng mẹ chồng thích một đằng, con dâu muốn một nẻo.

 

Việc ở riêng rất được các nàng dâu ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh, không phải cứ thích là được. Nếu sống chung mà nảy sinh bất đồng, mẹ chồng - con dâu có thể nảy sinh cảnh bằng mặt chứ không bằng lòng, ngấm ngầm tích tụ khó chịu, chán ghét lẫn nhau. Khi ấy, thường là con dâu phải chịu ấm ức.

 

Ở vào hoàn cảnh đó, nếu người già nghĩ thoáng hơn thì tốt cho con dâu. Ngược lại, con dâu nên bày tỏ quan điểm trên thái độ thiện chí, lễ độ. Tránh để những vụn vặt gây bất hòa lớn, sau này có được ở riêng vẫn nuôi uất hận.

 

Việc chung nhà - riêng mâm cũng thích hợp vì vừa giữ được nét truyền thống lại mang xu hướng hiện đại. Tiêu chí là vợ chồng cần độc lập về kinh tế, có không gian riêng và những tiện nghi sinh hoạt thích hợp… nhưng cần sự đồng lòng của cả nhà chồng.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm