Vợ đoảng

Họ không phải là người ghen tuông thái quá, không ăn tàn phá hại, cũng không mất tư cách đạo đức trầm trọng để có thể lên án. Họ chỉ đơn giản là những người vợ đoảng. Đàn ông có vợ kiểu này khổ không kém những người có vợ hư.

Vợ anh Minh tốt nết, chỉ phải cái vô tâm. Trong thời gian vợ đi công tác nước ngoài nửa tháng, bố anh phải cấp cứu, tưởng không qua khỏi. Ngày vợ về, anh căn giờ khi cô ấy vừa xuống sân bay, gọi điện bảo: "Ông nội ốm nặng, em xuống thăm ông ngay đi". Tưởng vợ sẽ vội vã đi ngay, nào ngờ cô ấy đáp: "Mệt lắm, em về nhà ngủ đã. Để mai". Anh Minh tức đến nghẹn lời.

 

Anh biết bản chất vợ rất tốt, bình thường cô ấy vẫn yêu quý bố mẹ anh và không nề hà việc gì. Có lẽ cô ấy nghĩ, đằng nào ông cũng ốm, đến ngay cũng chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng cô ấy đâu biết, còn bao nhiêu người gia đình anh nhìn vào.

 

Khi đón ông về nhà, vợ anh rất tận tình chăm sóc: cơm, cháo mỗi ngày một thực đơn. Thế nhưng, cô lại oang oang nói chuyện điện thoại khi ông đang gà gật ngủ trưa, dọn dẹp thì vẫn cái tính động đến cái gì là loảng xoảng cái đấy, ầm cả nhà. Góp ý, thì cô ấy bảo: "Em quen rồi, không nói nhỏ, làm nhẹ được".

 

Còn anh Khoa thì sợ nhất cái tính vô tâm của vợ. Hôm vợ chồng anh đến chúc Tết thủ trưởng, vừa vào nhà, cô vợ anh đã ôm chầm lấy vợ thủ trưởng mà khen: "Lâu không gặp chị, dạo này chị trẻ và xinh quá. Chẳng bù cho anh ấy, ngày một hói trán, bụng phệ. Chị có bí quyết gì bảo em với". Vợ thủ trưởng ngượng vì lời khen của vợ anh Khoa. Từ đó anh không bao giờ đi đâu cùng vợ nữa.

 

Cho đến giờ, khi hai con của anh Khải đã lớn, chúng bảo chúng không nhớ có lần nào mẹ ôm ấp, âu yếm chúng cả. Đứa con lớn còn hỏi: "Sao mẹ không bao giờ mua áo quần cho chúng con, trong khi mẹ mua cho mẹ nhiều thế". Thấy con nói vậy, chị vợ nhấm nhẳng: "Tao có tiền tao mua sắm, chúng mày còn bé, bao giờ đi làm có tiền thì tự mua". Bất cứ điều gì con cái hỏi han, cô vợ cũng chỉ có mỗi câu: "Hỏi bố mày ấy".

 

Cô con gái tập xe đạp, không may bị ngã, trầy xước, đau đớn. Người mẹ khác sẽ xót con, băng bó, xoa dầu hay đưa con đi tiêm phòng uốn ván. Đằng này vợ anh Khải mắng con: "Cho chết, ai bảo cứ tự ý tập xe. Để xem bố mày giải quyết thế nào".

 

Một hôm, anh đọc trong nhật kí của con gái, có đoạn: "Mình có mẹ mà sao giống mồ côi mẹ quá. Mình chỉ thèm có người mẹ như mẹ bạn Hương. Sau này có con, mình sẽ lo lắng, chăm sóc và thương yêu con chứ không như mẹ mình. May mà còn có bố".

 

Trước kia vợ anh Nam là người phụ nữ giản dị. Vậy mà giờ không ai nhận ra cô ấy nữa. Mỗi tuần cô ấy dành hai buổi đi sửa sắc đẹp. Đôi mắt được xăm trông sắc lẹm, đến mức con cái cũng bảo: "Trông mắt mẹ ác như cô Cám".

 

Vóc dáng thấp béo, vậy mà cô ấy lại mặc những áo quần đỏ chói. Đã vậy, cô ấy cố ních đôi chân ngắn đã phát tướng của mình vào đôi bốt chỉ dành cho những bạn trẻ, chân dài... Nhìn từ xa, vợ anh Nam không khác một cái nấm di động.

 

Anh góp ý thì vợ cho rằng chồng ghen, không muốn vợ xinh hơn. Bực mình, nhưng dường như anh đang bất lực, không biết khuyên vợ kiểu gì. Bởi lẽ chê nặng lời thì dễ xúc phạm đến vợ. Anh đang tính, có lẽ phải nhờ bà ngoại, hoặc một cô bạn gái thân của vợ rỉ tai may ra cô ấy sẽ thay đổi.

 

Xấu hay đẹp, là do "trời cho", không thay đổi được nhiều. Nhưng nết ăn, nết ở thì có thể điều chỉnh được. Làm đẹp phù hợp với dáng vóc, lứa tuổi, cư xử lịch sự, phải đạo là điều không khó, nếu biết chú ý một chút. Vợ đoảng thì chồng thiệt thòi. Nếu không chú ý điều chỉnh, để đoảng quá "ngưỡng" thì gia đình có nguy cơ tan vỡ.

 

Theo Sức Khỏe và Đời Sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm