Viết sau ngày của cha

(Dân trí) - Hôm trước ở Hà Nội, tôi dự buổi ca nhạc nhân Ngày của Cha. Đang mải mê theo những ca khúc thì anh bạn thủa lớp 1-2 với tôi bỗng bảo: “Sau buổi này cậu và mình đến thăm K. nhé, tội lắm”.

 
Viết sau ngày của cha - 1


Chúng tôi đến thăm K., cậu bạn Phó tiến sĩ trẻ trung hồi nào giờ là một ông già 64 tuổi, tóc bạc trắng, người gầy gò nhìn chúng tôi ngạc nhiên, rồi nước mắt trào ra. Chúng tôi nói chuyện với nhau và hiểu được một điều: Sau khi bỏ lại ba đứa con cho chồng, vợ K.bôn ba qua trời Tây để tìm cuộc sống phù hợp. Khi ấy ba đứa con của K. đứa đầu mới vào năm thứ nhất đại học, thằng thứ hai học lớp 10, bé út đang học lớp bảy. Vào lứa tuổi trẻ đã qua, già đang tới, K. cày ngày, cày đêm để nuôi ba đứa con ăn học. Bao nhọc nhằn cực khổ K. đều cam chịu, chắt chiu lo lắng cho các con. Đùng một cái vợ K. về nước chìa tờ giấy ly hôn ra nhờ K. ký và bán căn nhà chia đôi. K. cắn răng chịu đựng.

 

Vợ K. tiếp tục qua trời Tây với số tiền chia đôi căn nhà để kinh doanh, buôn bán ở chợ Vòm của nước Nga. Bốn cha con K. dắt tay nhau ra thuê nhà ở vùng bãi. Năm mươi tư tuổi K. nghỉ việc ra kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Trời có mắt, K. ăn nên làm ra nên có tiền mua nhà ở, mua nhà lớn rồi cưới vợ cho con trai đầu, mua nhà lớn nữa và cưới vợ cho con trai thứ hai, còn K. ở với con gái út.

 

Con gái đi lấy chồng, căn nhà vắng hoe. Ngày đi làm, đêm về thui thủi một mình, K. tự lo liệu cho mình từ chợ búa, ăn uống, giặt giũ. Năm 60 tuổi bị sao Thái Tuế, K. ngã bệnh phải nằm viện. Hai đứa con trai và hai đứa con dâu, ban đầu cũng lo lắng nhưng khoảng một thời gian sau cũng vắng dần, mọi việc phó mặc cho bệnh viện và cô con gái út. Có một cô hộ lý lớn tuổi chưa chồng chăm sóc K., tình cảm hai người nảy nở, họ không cưới xin gì chỉ đăng ký kết hôn và một bé gái ra đời. Cô con gái út ủng hộ mối tình này, cô rất thương em gái, còn hai con trai, con dâu thỉnh thoảng về rình rập coi cha sống thế nào, gây khó khăn, điều tiếng để Khiêm và vợ con không thể nào đoàn tụ được, ai ở nhà nấy, ăn riêng, ngủ riêng. Đứa bé muốn đến thăm cha phải nhờ chị gái chở đến.

 

K. buồn bã nói với chúng tôi: Có số cả các ông ạ, sắp đến để có người lo lắng tuổi già cho tôi, vợ tôi phải nghỉ việc về xứ Nghệ với tôi, may mới yên thân. K. nói trong ngân ngấn nước mắt của người già.

 

Tôi có người vừa là anh, vừa là thầy, vừa là thủ trưởng. Anh là giám đốc một đơn vị lớn. Vợ chồng anh sinh bốn cô con gái. Anh cho nhà cửa, gả chồng cho các con , tạo dựng cơ nghiệp, việc làm cho cả ba chàng rể. Anh cũng có của ăn, của để. Vợ anh là một người phụ nữ vô cảm, luôn luôn bắt bẻ chồng, anh không chịu được. Sau khi đứa con gái út lấy chồng, anh chị chia tay. Vào tuổi 67 anh lập lại gia đình với một phụ nữ cùng quê, “bà chăm ông” cũng gần được 10 năm. Anh bị ốm, không ngờ bệnh nặng và tiến triển nhanh, anh nằm liệt giường đã hai năm nay. Anh và người vợ sau có một ngôi nhà nhỏ, cả 4 cô con gái đều nhắm vào của “hồi môn” đó sau khi đã chia hết tiền tiết kiệm và tài sản của anh.

 

Hôm tôi và mấy anh bạn trước đây là lính của anh vào bệnh viện thăm, chứng kiến một cuộc khẩu chiến suýt dẫn đến ẩu đả giữa cô con gái đầu và vợ sau của anh. Tôi khuyên nên điềm tĩnh để giải quyết, đừng làm đau lòng người bệnh, thì cô con gái quát vào mặt tôi: “Không phải việc của chú, xía vào làm gì, hay là chú là một phe với con lừa đảo kia?” (ám chỉ người vợ sau của anh). Anh em tôi bấm nhau ra về.

 

Vài ngày sau anh mất, nghĩa tử nghĩa tận, chúng tôi đến đưa tang anh, gặp bốn cô con gái anh mặt mày hớn hở, chào đón vui vẻ. Ngoài đường người vợ sau của anh gục đầu khóc vì không được chịu tang.

 

Những chuyện như thế, hoàn cảnh như thế nhiều lắm, Ngày của Cha, Ngày của Mẹ sẽ không còn ý nghĩa nếu những đứa con được nuôi nấng, dạy dỗ lại ích kỷ, vô tâm, vô cảm với cha mình như vậy.

 

Nhân văn