Tát nước đêm trăng

(Dân trí) - Trong rất nhiều nỗi nhớ của tôi về miền quê nghèo khó, hình ảnh cái gầu cõng nước đêm trăng không hiểu vì sao cứ trở đi trở lại, cồn cào, da diết.

Ở quê tôi, xưa kia việc tát nước chống hạn cho ruộng đồng đều phải dùng đến sức người, và phương tiện dùng để tát nước chủ yếu là chiếc gầu dây. Đó là loại gầu được đan bằng tre, miệng tròn, lưỡi bằng tre mỏng, to cỡ bốn phân. Gầu được kiềng bằng một khung tre, nức chặt, ép phần tre đan vào trong để khỏi vướng cỏ rác, đất bùn.

Gầu đan xong người quê mang treo góc bếp. Nhờ khói, nhờ hơi nóng của lửa, dần theo thời gian chiếc gầu khô kiệt, ngả sang màu vàng cháy rất đẹp mà bền. Đến mùa hạn hán, cây lúa, cây ngô héo rũ vì khô khát, nhà nào, nhà nấy mới dỡ gầu xuống mắc dây chão mang ra đồng lấy nước từ mương lên. Là một phương tiện chống hạn hữu hiệu, cái gầu còn được dùng tát nước bắt cá, tép trong ao hồ. Sau này, chiếc gầu tre được thay bằng chiếc gầu nhôm mỏng nhẹ, hoặc lấy tôn thép gò lại.

Công việc đồng áng vốn bộn bề, vất vả vì vậy luôn có sự phân công rõ rệt trong gia đình. Đàn ông sức dài vai rộng thì đảm đương việc cuốc cày, gánh vác; đàn bà nhu mì, khéo léo thì chăm bón, hái tỉa. Bởi thế mà ca dao có câu: “Trên đồng cạn/ Dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy/ Con trâu đi bừa”. Tuy nhiên với việc tát nước lại cần đến cả hai người. Có thể là vợ - chồng, cha - con, mẹ - con hoặc anh - em.

Những thửa ruộng gần mương máng hoặc ao, hồ thì việc tát nước đỡ cực, nhưng những thửa ruộng ở xa nguồn nước thì phải tát chuyền rất nhiều chặng. Thế nên vào mùa hạn có gia đình phải huy động cả vợ chồng, con cái đi tát nước. Trẻ con lên 9, lên 10 đã thành thục việc tát nước như trở lòng bàn tay.

Vì ban ngày trời nắng chang chang nên việc tát nước thường diễn ra vào ban đêm. Trên một con mương nhỏ nhiều khi có cả chục chiếc gầu ỳ oạp. Từng cặp đôi đứng xây mặt vào nhau, mỗi người cầm lấy hai dây gầu múc lên, đổ vào, từng gầu nước nhịp nhàng, đều đặn.

Công việc tát nước tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thực chẳng hề dễ dàng chút nào. Hai người phải phối hợp ăn ý thì gầu nước mới không bị tréo dây. Chiếc gầu chòng chành ở giữa như là hạnh phúc, gần đó nhưng không dễ nắm bắt. Chỉ cần một bên buông, hạnh phúc sẽ tuột khỏi tầm tay. Còn nếu nắm căng dây quá thì hạnh phúc không đầy. Chiếc gầu không chỉ để múc nước mà còn để thử lòng nhau, qua cách nắm dây lại đoán được tính người.

Vào những ngày trời nắng hạn, đêm trăng thường rất sáng. Vì nước sóng sánh ánh trăng nên cứ ngỡ chàng trai, cô gái thôn quê vô tình “múc ánh trăng vàng đổ đi” là thế. Cảnh thực mà đẹp như ca dao!

Cứ thế suốt đêm trên cánh đồng làng, chiếc gầu miệt mài cõng nước từ dưới mương lên ruộng. Chiếc gầu chao nghiêng ngụm đầy nước, rồi lập tức trả nước ra cánh đồng trắng xóa, giục gọi những mầm xanh.

Bây giờ việc tát nước chống hạn đã có máy điện, máy xăng, vì thế mà người dân quê đỡ vất vả hơn nhiều. Chiếc gầu một thời gắn bó sớm hôm dần trôi vào dĩ vãng!

Xuyến Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm