Sứt mẻ gia đình vì tiền

Những mâu thuẫn về chuyện tiền nong khiến không ít cặp vợ chồng kéo nhau ra tòa, con cái hư hỏng và nhiều kết cục đáng buồn khác.

Nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý ở đài 1088, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (TPHCM) cho biết trong các nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ có rất nhiều trường hợp xuất phát từ bất đồng tiền bạc và cách quản lý ngân quỹ.

 

Khi vợ bị cô lập

 

Chị Thanh Mai ở quận 8, TPHCM, gọi điện thoại tư vấn trong tâm trạng rất đau khổ và bế tắc. Chồng chị là giám đốc một công ty TNHH, làm ra khá nhiều tiền. Anh đã yêu cầu chị nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con cái và lo chuyện “hậu cần”. Làm được bao nhiêu tiền, anh đều tin tưởng giao cho vợ quản lý.

 

Chị cũng chịu khó tằn tiện, tiết kiệm trong chi tiêu và chẳng bao lâu đã dự trữ được một lượng vàng không nhỏ. Nhưng cách đây vài năm, chồng chị không còn đưa tiền về nhà như trước. Chị gặng hỏi thì anh bảo, công ty làm ăn thua lỗ, phải vay một số tiền lớn ở ngân hàng và trả lãi hằng tháng, số nợ cũng sắp đáo hạn. Tin chồng, chị lấy gần hết số vàng tiết kiệm đưa cho anh giải quyết chuyện làm ăn.

 

Còn chị, một mình lo đầu tư cho 2 con ăn học ở trường chuyên lớp chọn, rồi hàng trăm thứ phải chi tiêu khiến ngân quỹ còn lại mau chóng vơi đi. Cho đến khi vô tình lục trong vali của chồng thấy có 10 triệu đồng và một “sổ hồng” đứng tên cô Hương nào đó, chị mới cuống cuồng đi điều tra và biết được số vàng đưa cho chồng đã là tài sản cho cô thư ký riêng của anh.

 

Nhưng điều đau lòng hơn, từ khi chuyện vỡ lở, biết mẹ không còn tiền, hai đứa con đâm ra khinh thường và cô lập chị, chỉ nghe theo lời bố vì anh ta luôn cho tiền mỗi khi chúng cần.

 

Những người “đào mỏ”

 

Một trường hợp khác là chị Vi Thảo ở quận 2, TPHCM, gọi đến trung tâm tư vấn khi chuẩn bị ra tòa ly dị. Chị kinh doanh bất động sản nên từ vài chỉ vàng trong tay khi lấy chồng, đến nay đã có 600-700 cây vàng.

 

Ông chồng chị trước rất chăm chỉ giúp vợ trong chuyện làm ăn, tìm mối bán nhà đất, nhưng khi biết vợ giàu đâm ra lười nhác, ham mê cờ bạc và đòi chia tiền mỗi khi có vụ mua bán thành công. Vợ chồng thường xuyên cãi vã và người yêu cầu ly dị lại chính là ông chồng với mục đích chia đôi tài sản.

 

Còn anh Nguyên ngụ tại quận 4, TPHCM, tâm sự, vì cả hai vợ chồng đều được trả lương qua tài khoản ATM nên anh hoàn toàn không biết vợ làm được bao nhiêu tiền. "Chỉ biết cô ấy thường xuyên kêu lương thấp và bắt tôi phải trao thẻ chính cho, tôi chỉ được giữ thẻ phụ", anh kể.

 

Điều làm anh buồn nhất là vợ lại là “nô lệ” của thời trang và mỹ phẩm. "Mỗi lần cô ấy đi mua sắm là hết vèo 5 triệu, quá số tiền lương một tháng của tôi", anh Nguyên rầu rĩ. Thế mà mới đây, ở quê bị lụt bão, anh bảo vợ dồn tiền gửi về cho bố mẹ làm nhà, chị phản đối và bảo nếu muốn thì anh rút tiền mà tự đi gửi. Nhưng khi kiểm tra số dư thì trong tài khoản của anh chỉ còn chưa đến 1 triệu đồng.

 

Đừng quá dễ dãi

 

Ngoài những cặp vợ chồng bức xúc về vấn đề tiền bạc giữa họ với nhau, nhiều phụ huynh tìm đến các nhà tư vấn hỏi về các trường hợp con cái ăn cắp tiền. Tình huống này thường rơi vào các gia đình giàu có, dễ dãi trong quản lý chi tiêu. Khi thấy thiếu vài triệu đồng, vợ lại nghĩ là chồng lấy và ngược lại.

 

Con trai anh Mạnh ở quận 4, TPHCM, đang học cấp 2, sau khi lấy cắp tiền của bố mẹ đã gửi mỗi bạn trong lớp giữ hộ 200.000 đồng. Đến khi một phụ huynh khác thấy con mình có tiền, hỏi ra mới biết và báo cho vợ chồng anh Mạnh.

 

Cu cậu khai đã lấy tiền rất nhiều lần mà bố mẹ không biết. Thằng bé còn nói rằng, đó không phải là ăn cắp mà chỉ là lấy lại khoản tiền trước đây mẹ đã đập từ con heo đất của mình mà không trả lại. Khi bị bố mẹ trách mắng, thằng bé không ngần ngại dọa bỏ nhà đi bụi.

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, mâu thuẫn về chuyện tiền nong thường diễn ra ở các cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi và có con đang trong độ tuổi đi học. Nếu các cặp vợ chồng có tình yêu và tin tưởng nhau thực sự thì người vợ quản lý tài chính là tốt nhất vì phụ nữ bao giờ cũng căn cơ, biết chi tiêu hợp lý.

 

Hai vợ chồng nên bàn bạc nhất trí những khoản chi tiêu lớn. Kể cả việc cung cấp tiền cho con hằng ngày ở mức độ nào là vừa phải cũng cần được tính toán. Có những trường hợp “vợ dại” thì các ông chồng quản lý ngân quỹ nhưng tuyệt đối không nên lập quỹ đen. Các cặp vợ chồng nên cân đối, hài hòa các nhu cầu trong cuộc sống và các mối quan hệ, đừng để lối sống quá thực tế, quá coi trọng tiền nong mà làm xói mòn dần tình cảm vợ chồng để rồi trở thành tấm gương xấu cho con cái.

 

Theo Người Lao Động