“Sống tạm”: Thiệt thân đâu chỉ con gái

(Dân trí) - Bện vào nhau từ những lý do “trời ơi đất hỡi”, bắt đầu là một đêm sinh nhật về cùng nhau quá muộn, là một lần đến thăm người A lại gặp người B và tự dưng cuốn vào nhau... Rồi thì thành những cặp đôi tạm bợ sống kiểu “chồng vợ”.

Đấy là một phần thực tế của không ít người trẻ hiện nay. Vậy đâu là lý do mà người trẻ chọn phương án “sống tạm”?

 

Yêu nhưng không vướng víu

 

Đấy là tiêu chuẩn số một của những người trẻ “hiện đại”, tạm gọi như vậy vì họ là những người đã tốt nghiệp đại học, có đủ điều kiện tự nuôi bản thân mình, nhưng đã chọn một phương án “sống tạm”. Vì đơn giản, theo rất nhiều người thì đó là cách để không “cầm tù” cảm xúc. Yêu thì gật đầu, hết mình vì những lúc ở bên nhau, chuyện sẽ chỉ dừng lại đó mà không vướng bận đến những “hành trình” khác.

 

Theo Nam, một chàng trai 26 tuổi thì, thấy cô nàng hay hay là nên đôi, nhưng với điều kiện không tính chuyện lâu dài. Nam và cô bé đã thuê một ngôi nhà bảy trăm ngàn/ tháng, nhưng một tuần chỉ hai lần cả hai kéo nhau về góc nhà trọ đó. Nam bảo: “Mình không thích lấy vợ sớm, lo lắng nhiều mệt, nhưng có một người “thích” làm vợ vậy thì cứ kệ thôi, sống cho nó phong phú”. Và, cứ sau mỗi tuần hai lần hầu như Nam không bao giờ đưa đón cô bé đi đâu cả. Cuộc sống với Nam là một nhịp quen.

 

Đào chưa bao giờ dám to miệng bảo “anh ta là người yêu của mình”, nhưng cũng tuần một đôi lần Đào lại lên xe đi chơi cùng gã đàn ông “quen quen” của mình. Hỏi: Có yêu người ta không? Đào bảo rằng, không yêu, nhưng thích cách chiều chuộng của gã, với cả Đào chưa muốn dính vào chuyện con cái, nên được sống những giờ “vợ chồng” thế rất ổn.

 

Vướng víu nhưng có thời hạn

 

Những người trẻ này, mặn mà với nhau hơn, vì có những “cái cảm” mà họ có thể chia sẻ cho nhau. Chàng người Thái Nguyên xuống Hà Nội học văn bằng hai, gặp được nàng vừa tốt nghiệp thanh nhạc, đã có việc làm. Thế là cứ đến hẹn lại lên, một năm có đến 6 tháng chàng lại đến ở cùng nàng. Giãy dụa với điều tiếng hàng xóm, rồi hai người cũng ở với nhau ngon lành. Sáng cả hai cùng đi học, đi làm, tối về nấu cơm ăn cùng, và dĩ nhiên là lên giường cùng.

 

Nhìn cặp đôi này thì đúng là chỉ cần có tờ giấy đăng ký kết hôn là họ đã là một gia đình hoàn chỉnh. Hỏi: Sao không cưới nhau đi? Nàng cười bẽn lẽn: “Bảo cưới để người ta “chạy” mất à?”. Mà quả thực, nàng rất sợ chàng chạy, vì một đôi lần có nói đến chuyện cưới xin, chàng lảng tránh và luôn bảo là đang phải học. Thì thôi, nàng chấp nhận “sống tạm” vậy cho được bình yên.

 

Cặp đôi Quỳnh - Linh thì “dân dã” hơn. Quỳnh có người yêu đi Tây, chọn Linh để có người “lấp liếm” những lúc chống chếnh. Linh biết điều này, vì thực ra lúc đầu Linh thấy mình chẳng mất gì cả, mà có khi “còn được” nữa là… Nhưng, thực tế lại ngược lại, Linh mất hẳn Quỳnh sau khi người yêu của cô nàng về nước, đau đớn hơn là trái tim Linh lại thật sự dành hết cho Quỳnh. Và chẳng còn nỗi khổ nào hơn, là hàng ngày nhìn người mình yêu tay trong tay với người khác.

 

Đó đã phải là kết cục cuối cùng chưa?

 

Kết thúc khóa học, chàng trai người Thái Nguyên đã “lăn một hơi”, để mặc cho cô nàng “ca sỹ” tội nghiệp rơi vào trạng thái trầm uất và bày tỏ thái độ căm ghét đàn ông.

 

Trao đổi với một chuyên viên tư vấn 1088 thì, việc “sống tạm” như thế là một sai lầm quá lớn. Khi chưa ở bên nhau thì còn thấy hấp dẫn, nhưng ở với nhau rồi mọi chuyện lại trở nên bình thường. Thậm chí, nguyên nhân sâu xa của việc tan vỡ chính là sự nhàm chán, mà thay vì phái nữ thường bị mê hoặc bởi sự quen thuộc thì đàn ông lại là “chúa” ghét những thói quen đơn điệu.

 

Nếu như kết luận rằng sự thiệt thân rơi vào phái yếu - đó là điều đương nhiên. Nhưng, cũng không ít chàng trai vướng vào chuyện “sống tạm” cũng thiệt không kém. Đó là chuyện vỡ lỡ của Nam, anh đã không thể nào thuyết phục được cô người yêu mới, vì lúc nào cô cũng chăm chăm nhắc lại chuyện anh đã ăn ở với một người con gái khác.

 

Gã người yêu của Đào cũng vậy, chỉ vì gã đã có vợ, chuyện đồn thổi trăng hoa đã ảnh hưởng đến cái chức trưởng phòng mà gã đã mơ từ lâu.

 

Còn Linh thì khỏi phải nói, chẳng lúc nào mà nguôi nghĩ đến Quỳnh, thậm chí phát cuồng với những ý nghĩ “rồ dại” sẽ nói toạc mọi chuyện về Quỳnh cho hả giận. Chẳng biết đó đã phải là kết cục cuối cùng chưa, nhưng xem ra những hậm hực và “thù hận” hậu “sống tạm” thì vẫn đeo bám ít nhiều trong lòng người trẻ.

 

Lan Chi