Sau những lỗi lầm

(Dân trí) - Cả dãy phố này khen chú V. củ mỉ cù mì hiền lành chất phác, biết tu chí làm ăn. Họ còn khen cô S. thật tốt phúc.

 
Sau những lỗi lầm - 1


Nhà cô chú sinh được hai thằng con trai khôi ngô, nhìn đã thấy đáng yêu. Kể như đó cũng là niềm mơ ước mà nhiều người muốn vươn tới.

 

Năm tháng qua đi, thằng con trai đầu lớn lên học giỏi, đẹp trai và hiền hiền giống bố. Nhưng đứa thứ hai lại khác hoàn toàn, mà cũng chẳng giống mẹ. Thấy mọi người đùa đùa thật thật, cô S. vội thanh minh: “Cháu nó giống ông ngoại như tạc”, trong khi đó ông ngoại đã mất hơn chục năm.

 

Nghi vấn dần dần được mọi người truyền tai nhau, bóng gió: “Sao nó giống ông Ph. cùng cơ quan cô S. quá!”. Và mười người gặp có đến chín người khẳng định: “Hổ phụ sinh hổ tử”. Họ còn dè bỉu: “Giống ăn vụng, khéo chùi mép mấy vẫn lộ”.

 

Nghe hàng xóm bàn ra tán vào, khích bác, bị vợ cắm sừng, đổ vỏ mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, công anh bắt tép nuôi cò... hiền mấy mà chú V. không đau đầu suy nghĩ.

 

Thời gian trôi, nhìn đứa con trai sau càng khiến chú thêm buồn khổ, chán chường. Quanh đó hiếm khi thấy chú cười, họ chợt thấy thương người đàn ông này và quay ra trách cô S. lăng loàn, không xứng đáng được hưởng hạnh phúc...

 

Ít lâu sau có tin cô chú đã làm đơn xin ly hôn, đang trong quá trình hòa giải. Hòa giải không ăn thua toà thuận tình cho ly dị. Tài sản mang chia nhau mỗi vợ chồng được bảy mươi triệu đồng, vì cô S. nhận nuôi cả hai đứa con nên chú V. phải chịu phí tổn nuôi con là tám mươi triệu đồng. Chú không có đủ tiền nên lên tiếng xin với tòa được phép nuôi một đứa cho công bằng.

 

Mọi người ngã ngửa ra khi biết chú nhận nuôi đứa thứ hai! Cô S. khi ấy chỉ có thể sững sờ, ú ớ chẳng nói nên lời, cũng không dám phản kháng hay có ý kiến nào khác trước tòa, bởi “há miệng mắc quai”!

 

Ai nấy đều rủa thầm chú V. táng tận lương tâm đến mức hèn hạ. Bởi sau khi giành thằng bé từ tay mẹ, chú đưa ngay về quê ở với bố mẹ mình, cách đây ngót hai trăm cây số. Cô S. ân hận, ngất lên ngất xuống vì thương con. Cô thu xếp lên thăm con thì ông bà cũng bạc, nhất quyết không cho gặp. Nhìn thằng bé từ xa mà cô không cầm được nước mắt, ông bà bỏ bê chẳng chăm bẵm gì nên nom nó gầy trơ xương, nhếch nhác, bẩn thỉu đang ngồi ôm con chó, mặt buồn thiu.

 

Mãi đến khi biết nó đã được đi gửi ở nhà trẻ cô mới lân la đến xin và được cô giáo cho mẹ con gặp nhau, được ngủ với nhau buổi trưa. Thằng bé ôm chầm lấy mẹ, nức nở, hai mẹ con mừng mừng tủi tủi. Ông bà biết chuyện đến mắng cô giáo té tát, cô giáo bình tĩnh nói ngắn gọn: “Là mẹ, cô ấy có quyền được thăm con”.

 

Cô S. mắt ngân ngấn nước cảm ơn cô giáo và nói khẽ: “Chờ đến khi cháu nó được chín tuổi, tôi sẽ đệ đơn với tòa, lúc ấy cháu đã được quyền quyết định sẽ ở với ai”.

 

Cô giáo nhìn theo bóng dáng người mẹ khốn khổ, đi xa mà nhủ thầm: “Khổ thân thằng bé không có tuổi thơ và còn phải “đi tù” bốn năm nữa, còn gì là đời!”.

 

Vậy là sau những lỗi lầm và sự hận thù của người lớn với nhau, đứa trẻ vô tội phải gánh hậu quả, còn gì chua xót hơn!

 

TSL