“Radio” hết pin
Vợ tôi thẳng thắn và nóng tính. Mỗi lúc nàng bực bội, cáu gắt, ba bố con chúng tôi im lặng. Khổ nỗi, tần suất ca cẩm của nàng phải tính bằng phút, cứ trung bình 10 phút (nếu nàng có mặt ở nhà), chúng tôi sẽ được thưởng thức các “dòng nhạc” khác nhau.
Thế rồi, nàng bị ốm. Nàng sốt cao và nằm mê man li bì suốt mấy ngày. Tôi méo mặt tiếp quản công việc gia đình. Bắt tay vào làm nội trợ thay nàng tôi mới thấy chúng không hề đơn giản. Hai cu con, mỗi đứa một chế độ ăn uống khác nhau. Mà riêng việc cho hai đứa nhỏ ăn đã quá ư gian nan. Trước tôi chỉ phụ trách cu lớn, giờ thêm cả thằng cu nhỏ khiến bữa ăn sáng như một cuộc chiến nảy lửa. Đứa thì ngậm hột thị không chịu ăn, đứa lại lăng xăng quậy phá buộc tôi phải quát mắng om sòm.
Đánh vật với hai cu con xong, tôi mặc kệ gian bếp như bãi chiến trường, tất tả đưa chúng đi học. Dù đã cố gắng nhanh hết sức, tôi vẫn bị muộn giờ làm. Buổi trưa, tranh thủ giờ nghỉ tôi tạt qua nhà cho nàng ăn cháo, uống thuốc. Đến chiều tối, tôi lại lượn qua trường đón con, đi chợ và về nhà nấu nướng. Từ lúc đá giày vào góc, tôi làm quần quật không nghỉ tay đến gần 11g đêm, cho hai cu con đi ngủ, tôi mới có thời gian để tắm rửa. Nhìn đống bát đĩa và chậu quần áo, tôi tặc lưỡi mặc kệ. Trong suốt những ngày vợ ốm, tôi bận rộn đến tưởng không thở được, việc nhà, việc công ty dồn dập khiến tôi phát cáu. Đến lúc đó thì tôi hiểu, nếu tôi là nàng, phải lặp đi lặp lại vô vàn việc nhà không tên chỉ trong một ngày thì chắc chắn tôi sẽ không chỉ là chiếc radio nữa.
Đến chiều ngày thứ ba tính từ lúc nàng ốm, ba bố con tôi trở về nhà đã thấy nàng rời giường bệnh, đi lại. Chiếc "radio" nhà tôi cuối cùng đã hoạt động trở lại. Mấy ngày rồi không nghe nàng ca cẩm, hôm nay được nghe lại, tôi thấy nàng đáng yêu quá.
Theo Vũ Thu
PNO