“Ông” Hoàng

(Dân trí) - Thứ Bảy này cưới thằng Hoàng. Hai mốt tuổi, thân nó còn lo chưa xong, thế mà giờ còn đèo bòng thêm con, thêm vợ…

 
“Ông” Hoàng - 1


Ông nội thằng Hoàng được ba anh con trai, nhưng chỉ có độc thằng cháu “chống gậy” là nó. Nghiễm nhiên Hoàng trở thành hạt giống hi vọng cho cả nhà. Ngày nó vừa đẻ ra, ông nội đã mừng húm, đặt ngay tên ấy, mong cho nó một cuộc sống sung sướng như ông hoàng bà chúa. Và qua cách đối xử của ông, mọi người phải ngầm hiểu được những đặc quyền đặc lợi mà nó được hưởng.

 

Càng lớn thằng Hoàng càng trở nên ích kỷ, lười biếng và hỗn hào. Học hành lớt phớt, suốt ngày bỏ đi đánh điện tử. Cái mâm đồng gia truyền từ thời cụ kị để lại cũng được nó mang đến hàng đồng nát bán lấy vài tiếng chơi games. Trong nhà cái gì bán được là nó mắt trước mắt sau thó đem đi. Ông ức ứ cổ đến phát bệnh, nhưng khi ấy nó đã ngoài tầm kiểm soát, không ai bảo được nữa.  

 

Đợt thi tốt nghiệp cấp ba, nó lấy xe máy của bố đi mua tài liệu để còn “quay”, ngờ đâu gặp tai nạn, xe hỏng đằng xe, người nát đằng người, may không toi mạng, thế là sang năm phải thi lại.

 

Trầy trật mãi cuối cùng nó cũng lấy được tấm bằng cấp ba. Nó miễn cưỡng thi trường nghề gần nhà. Rồi đi học lại kiếm cớ đi chơi, học phí mang đánh điện tử, đàn đúm với chúng bạn...

 

Đủ mọi phương cách được đưa ra từ thủ thỉ ngọt nhạt đến biện pháp mạnh như xích chân tay nó lại không cho ra ngoài đú đởn… nó cũng chấp hết, vẫn kiên gan, không sợ. Bố mẹ quyết tìm việc cho nó làm để nó biết giá trị của đồng tiền, của mồ hôi công sức bao năm bố mẹ nuôi.

 

Rồi nó cũng đi làm. Bố mẹ chưa kịp mừng thì đến tháng lĩnh lương, có tiền trong tay nó lại bỏ nhà, bỏ việc đi chơi miết, một tuần sau hết tiền mới lại về. Tháng sau vẫn thế, tháng sau nữa mẹ nó đến công ty xin nhận lương cho con để nó hết đường vung vít, thế là nó bỏ hẳn việc nhất quyết không đi làm. Bố mẹ đành chịu thua, cho nó về giúp bán hàng ở nhà.  

 

Nó đã bắt đầu chán điện tử, giờ chỉ thích ngồi, ăn chơi, ngủ nghỉ, xem TV, còn chẳng thích làm gì.

 

Bất ngờ một ngày thấy nó chăm chỉ, ngoan ngoãn giúp mẹ bán hàng, mẹ nó run run mừng vui. Vậy mà một ngày, chị há hốc mồm phát hiện ra nó và con giúp việc trong nhà yêu nhau. Thấy con bé ấy hoàn cảnh rất tội nên chị nhận, ai ngờ...  

 

Mẹ con bé ấy đi buôn mãi mạn Lào Cai, vài năm sau về quê dẫn theo nó đã hai tuổi. Bị ông ngoại nó đuổi đánh, mẹ nó ở lại được hơn tháng rồi cũng bỏ con mà đi biệt xứ. Nó mang tiếng là con hoang, lớn lên trong tiếng chửi bới quát nạt, thậm chí là đánh đập của ông ngoại lúc say, những lời đay nghiến của bà lúc giận. Nó học hành dốt nát, hết lớp bốn thì bỏ về trồng rau với bà, lớn chút nữa thì đi bế con cho người ta, run rủi làm sao có người thương hại giới thiệu nó đến giúp việc cho quán nhà chị.

 

Sau bận bị chị cấm đoán, chúng trộm tiền của chị bỏ đi đến cả nửa tháng, chị đành bắn tin cho bạn nó, gọi nó về và gia đình sẽ nhượng bộ, yêu sách nó đề ra là phải cho cưới con kia, chị nào dám cãi.

 

Nồi nào úp vung nấy, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Con chị như thế đứa tử tế nào dám động vào! Chị cứ ước chi nó chẳng phải “ông hoàng, bà chúa”.

 

TSL