Ở rể

(Dân trí) - Người ta vẫn nói “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Nhưng theo chồng về dinh xem ra không phải là lựa chọn duy nhất khi còn có chuyện chàng ở rể.

Nguyên nhân chàng ở rể

 

“Thêm người, thêm của” là mong muốn của mọi nhà khi chỉ có độc một cô con gái. Cả nhạc phụ, nhạc mẫu đương nhiên đều mong con kiếm được tấm chồng “chịu ở rể”. Của nả sau này “không cho con thì cho ai”!

 

Hơn thế nữa, chuyện tình yêu “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” giờ dường như đã trở nên xa rời thực tế. Trong khi cha mẹ nào cũng muốn con được hạnh phúc.

 

Thế nên khi đôi vợ chồng son chưa thể “ra ở riêng” mà nhà chồng lại xa, không có đủ điều kiện thì tổ ấm uyên ương sẽ xây ở chính nhà… cha mẹ đẻ của nàng.

 

Chuẩn bị tư tưởng

 

Đối với bố mẹ vợ

 

- Luôn nghĩ rằng yêu con gái mình trước hết phải yêu con rể. Điều này luôn đúng vì hạnh phúc của người phụ nữ phụ thuộc rất nhiều vào chồng.

 

Sự yêu thương, quý mến từ bố mẹ vợ là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với chàng rể. Điều đó góp phần vun xới hạnh phúc của chính con gái bạn.

 

- Nhớ rằng “người quan trọng hơn của”. Con gái bạn hạnh phúc và may mắn vì có một người chồng tốt, biết yêu thương vợ con, biết tôn trọng bố mẹ vợ chứ không phải vì có được một tấm chồng giàu có.

 

Tiền bạc có thể kiếm được nhưng một tấm chồng tốt thì cha mẹ không thể “mua” cho con bằng bất kỳ vật chất nào.

 

- “Dâu là con, rể là khách”. Nhớ được điều này giúp bố mẹ vợ dung hoà  không khí trong gia đình và mối quan hệ với con rể.

 

Tuy sống chung một nhà nhưng bạn đừng can thiệp quá sâu vào đời sống của đôi vợ chồng trẻ.

 

Nên tế nhị để hai con có cuộc sống riêng tư, để chàng rể cảm thấy thoải mái, coi nhà vợ như nhà mình. Có như vậy bạn mới giúp con gái hạnh phúc trọn vẹn.

 

Đối với người vợ

 

- Hãy chứng tỏ bạn là người vợ khéo léo, tế nhị, hiểu chồng, đồng thời biết dung hoà mối quan hệ với bố mẹ để các cụ không mất lòng kẻo lại rơi vào tình huống khó xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

 

- Luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ trong gia đình, làm “cầu nối” giữa chồng và bố mẹ. Lôi kéo cả hai bên tham gia vào những hoạt động chung của gia đình để mọi người hiểu nhau hơn.

 

- Giúp chàng trở thành người bạn tâm giao của “bố vợ”. Khiến cả hai xích lại gần nhau qua các sở thích chung như đánh cờ, cùng chăm cây cảnh, tranh luận về các vấn đề thời sự...

 

- Không ai hiểu con bằng cha mẹ, vì vậy bạn hãy thẳng thắn chia sẻ với các cụ những khó khăn của chàng khi phải “ở rể”. Chắc chắn hai cụ sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho bạn, qua đó cũng hiểu con gái, con rể nhiều hơn.

 

- Đừng để mất “liên lạc” với chồng vì lúc đấy bạn sẽ không biết chàng nghĩ gì và phải làm gì để cải thiện tình hình. Việc này khiến chàng cảm thấy lạc lõng giữa gia đình nhà vợ. Thường xuyên trao đổi tâm sự, quan tâm đến chàng nhé.

 

- Khi hai người có xung đột, hãy “đóng cửa bảo nhau”. Chớ nên vội vàng để mọi người trong nhà biết khi cả hai chưa cùng nói chuyện.

 

Đây là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với chồng. Cư xử khéo léo khiến chàng không mất mặt trước “nhà vợ” dù lỗi có do ai.

 

Chắc chắn khi “lặng gió” chàng sẽ rất hạnh phúc và thầm cảm ơn sự khéo léo, nhạy cảm của bạn trong việc “đối nội”.

 

- Bây giờ hai người đã là một “gia đình”. Cần học cách vun vén cho “gia đình nhỏ” của mình ngay trong “gia đình lớn” với cha mẹ và anh chị em của bạn.

 

Cuối cùng, điều bạn nên luôn tâm niệm là dù chàng “ở rể” hay bạn “làm dâu”, quan trọng nhất vẫn là vợ chồng được bên nhau và đời đời hạnh phúc.

 

Hải Yến