Nhìn xuống chờ khen

Ai chẳng muốn là người đàn ông quan trọng, tài giỏi, được hoan nghênh chào đón. Chồng em cũng vậy, luôn thích mình là cái rốn vũ trụ.

 
Nhìn xuống chờ khen


Ngay từ khi mới quen, vợ đã biết chồng hảo “món” khen ngợi, bằng chứng là chỉ vài lời có cánh của vợ khi đó cũng làm chồng vui sướng hẳn lên, quan tâm đến vợ nhiều hơn những cô bạn khác. Vợ chỉ định xã giao cho vui, nhưng trước sự hào hứng của chồng, cũng “phóng lao đành phải theo lao”, vả lại thấy chồng ngoài cái tính… nhẹ dạ thích khen ra, cũng là một anh chàng… được được!

 

Để nuông chiều cái tính “háo danh”, chữ mà thỉnh thoảng vợ vẫn “mắng yêu” chồng, có dịp là vợ khen chồng trước mặt bạn bè hay người thân, nhằm giúp chồng nở mày nở mặt. Chồng có thể vui vẻ phụ vợ chút việc nhà, đưa đón con, đối đãi tốt với hai bên nội ngoại, chắc có đôi phần nhờ cái tài khen và “khích” của vợ. Thế nhưng, giờ vợ lại hơi lo khi thấy dường như càng nhiều tuổi chồng càng ham… được khen.

 

Về quê giỗ quảy, chồng thường chọn ngồi chung bàn với mấy ông anh lao động tay chân, dẫn dắt câu chuyện đi từ công nghệ thế này đến lương bổng thế kia, không phải để khoe khoang mà mục đích chỉ là để được nhận lại những lời trầm trồ ngưỡng mộ. Chồng rất háo hức trước cảnh mình được cả bàn nhậu chào đón, hỏi han. Thế nhưng, chồng lại ngại tiếp xúc với ai đó thành công hơn mình, đẹp trai hơn mình; tránh xa tám thước những nơi mà mình kém nổi bật, nơi mà người được vây quanh là người khác, chứ không phải mình. Thực tế, cuộc sống của chúng mình chỉ thường thường bậc trung, nên chồng đã phải tốn nhiều công sức cho sự lựa chọn đó.

 

Chồng thường phân bua là mình rất hòa đồng nên thích qua lại với những người thuộc tầng lớp thấp hơn. Chơi bóng bàn, chồng chỉ nhập hội với mấy người mới tập tành, không thích giao du với dân “chuyên nghiệp”, biện minh là để còn hướng dẫn cho họ. Vợ thấy như vậy cũng không có gì xấu, nếu như không vài lần vợ có cảm giác chồng hơi lạm dụng điều đó, lộ rõ ý muốn trở thành kẻ chột làm vua xứ mù.

 

Vợ yêu quý chồng vì chồng là người đàn ông tốt, chứ không muốn chồng lúc nào cũng phải gồng lên để thể hiện mình mọi lúc mọi nơi như thế. Vợ hãnh diện về chồng vì chính những điều tốt xấu chồng có, chứ không phải vì những lời khen tặng hào nhoáng ngoài đường, càng không muốn chồng thể hiện bản thân bằng cách mon men chỗ này chỗ nọ, rồi phấn khởi kể rằng ai đó rất muốn kết thân, rất ngưỡng mộ chồng.

 

Vợ phát hoảng khi chồng kể, cô lao công ở cơ quan luôn khen chồng đẹp trai, lại dọn dẹp chỗ ngồi của chồng chu đáo hơn những người khác. Vợ vui vẻ gì khi thấy chồng chỉ muốn giao thiệp với mấy bác xe ôm đầu hẻm, tham gia mấy hội nhóm ăn không ngồi rồi. Không phải vợ học đòi hay chỉ muốn “thấy người sang bắt quàng làm họ” như lời kết tội đầy khó chịu của chồng, mà chỉ muốn nói với chồng là, cúi xuống không phải để thấy mình cao hơn, sao mình không sống tự nhiên như những gì bản thân mình có?

 

Theo Hạ Yên

PNO