Một ngày “lao động thân xác” của cô gái bán hoa

Câu chuyện về những ngày tăm tối và đau đớn của một cô gái ở tận đáy xã hội vẫn lấp lánh những khát khao tốt đẹp về cuộc đời khiến ai cũng phải nhói lòng.

 
Những tháng ngày tăm tối

 

Mariam (42 tuổi) sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở Bangladesh. Năm Mariam 14 tuổi, một tai họa bất ngờ ập đến. Cô trở thành nạn nhân của một vụ buôn bán phụ nữ, kẻ chủ mưu lại là chồng mới cưới của cô.

 

Kể từ đó đến nay đã 28 năm, Mariam không liên lạc được với gia đình, người thân của cô cũng không hề biết cô còn sống hay đã chết.

 

“Hắn đã có vợ con ở Calcutta. Hắn lừa cưới tôi rồi bán thẳng tôi vào nhà thổ. Tôi chỉ thấy sợ hãi vì còn quá nhỏ. Những hủ tục cách đây vài chục năm bắt tôi phải làm theo những điều chồng muốn”, Mariam tâm sự về những ngày đầu sóng gió.

 

Gần 30 năm sống tại khu nhà thổ Kalighat, khu mại dâm rẻ tiền nhất ở thành phố cảng biển Calcutta, Mariam coi việc “bán thân” như một công việc bình thường để kiếm sống.

 

“Tôi thức dậy lúc 5h sáng để có thể là người đầu tiên dùng nhà vệ sinh. Đó là cái nhà vệ sinh duy nhất của khu này. Khu nhà thổ Kalighat là nơi sinh sống của phần lớn gái bán hoa như tôi. Ngoài ra cũng có các gia đình nhỏ, người bán hàng rong, hay công nhân nghèo” - Mariam kể. “Các căn buồng ở đây đều bốc mùi và chật chội đến nỗi chỉ kê được một tấm phản. Mọi đồ dùng sinh hoạt và nấu nướng đều nhét hết dưới gầm giường”.

 

Mariam bắt đầu ngày làm việc lúc 8h sáng với cốc trà nóng và bánh mì cùng “chồng hờ”, một khách hàng quen thuộc đặc biệt. Sau đó là khoảng 2 tiếng đi chợ, sơn sửa móng tay, trang điểm. “10h sáng, tôi cùng Arati, người bạn thân nhất của tôi ở đây rời khu ổ chuột tới sân vận động Mohambagam để “bắt khách”. Chúng tôi chờ khách ở một đường chạy bỏ hoang gần sân vận động. Khách chủ yếu là những người xa lạ, làm tài xế hoặc kéo ba gác”, Mariam kể lại.

 

Mỗi ngày Mariam phải kiếm được 250 rupee (khoảng 5 USD) để trang trải cuộc sống, trong đó có 45 rupee/ngày để thuê nhà cùng các chi phí ăn uống, son phấn và chữa bệnh.

 

Cô nói: “Khách của tôi không có nhiều tiền, họ chỉ trả cho tôi 50 rupee. Tôi cố gắng bắt họ đeo bao cao su, nhưng họ đều từ chối. Khi còn trẻ, tôi thường cặp với đàn ông ở cảng. Mỗi ngày có khoảng 10 - 12 khách, mỗi người trả tôi 250 rupee. Bây giờ, thời thế đã khác, tôi đã 42 tuổi. Tôi ít được về nhà trước 9h30 tối và thường phải bán thêm rượu”.

 

Khát vọng người mẹ

 

“Tôi không thể về nhà sớm hơn khi chưa kiếm đủ số tiền cần thiết. Hàng đêm, tôi không thể chợp mắt được vì phải suy tính quá nhiều thứ cho tương lai của con gái tôi, Sheila Khatoon. Nó đã 14 tuổi và đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời. Tôi đã mang thai 6 lần nhưng Sheila là niềm vui duy nhất của tôi”, Mariam trải lòng.
 
Một ngày “lao động thân xác” của cô gái bán hoa - 1

Trẻ em sinh ra và lớn lên tại khu đèn đỏ Kalighat.

 

Sheila chỉ được sống cùng mẹ đến năm 7 tuổi. Hiện cô bé đang sống trong một khu nhà do tổ chức từ thiện phi chính phủ HOPE xây dựng cho các bé gái ở khu đèn đỏ. “Suốt 7 năm qua tôi đã phải nói dối con bé là đang làm trong bệnh viện. Con bé quá thiệt thòi khi không được đến trường. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bất ngờ ra đi mãi mãi? Sẽ ra sao nếu vài năm nữa tôi không thể kiếm được tiền?”.

 

Mariam chỉ có một ước mơ đơn giản: “Giá như một bệnh viện nào đó nhận tôi vào làm. Tôi muốn tổ chức HOPE mang con tôi đi khỏi nơi này để nó được đến trường. Không một người mẹ nào chịu được cảnh con gái mình lại đi theo con đường đau khổ mà mẹ nó đã đi qua”.

 

Trường hợp của Mariam và con gái không phải là hiếm tại khu nhà thổ Kalighat. Rất nhiều trẻ em sinh ra tại đây là con của gái bán hoa. Kể từ sau khi bộ phim “Born into Brothels” của đạo diễn Zana Briski và Ross Kauffman kể về cuộc sống những đứa trẻ sinh ra nơi nhà thổ đoạt giải Oscar cho bộ phim tài liệu hay nhất năm 2005, nhiều tổ chức từ thiện đã tìm đến đây mở trại trẻ hay xây dựng các khu khám bệnh phụ khoa để giúp đỡ những đứa trẻ và phụ nữ như Mariam.

 

Theo Nhi Anh

Gia Đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm