Mẹ mừng, mẹ lo

Nghe cô con gái từ Singapore về tuyên bố sẽ lấy chồng người nước ngoài, chị trợn tròn mắt:

- “Con à, không được đâu. Thứ nhất là phải sống xa bố mẹ, thứ hai là phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ đều khác biệt. Bố mẹ, con cái, cháu chắt làm sao mà gần gũi, hiểu nhau được, rồi bà con làng xóm nữa. Thôi con ơi, cho mẹ xin. Về Việt Nam lấy chồng, sinh con, sống cuộc sống bình yên là được rồi. Đừng Tây tiếc làm gì cho rắc rối, phức tạp”.

- “Mẹ ơi, mẹ thật là lạc hậu. Thời nay lấy chồng người nước ngoài là bình thường. Tình yêu không biên giới mà mẹ. Miễn là con tìm thấy tình yêu đích thực của mình, sống hạnh phúc là được mà. Con sẽ dạy anh ấy học tiếng Việt. Mẹ đừng lo. Bố mẹ đồng ý đi. Con tin là khi gặp Henry, mẹ sẽ không phản đối nữa”.

Mẹ mừng, mẹ lo



Nhìn nét mặt đầy mãn nguyện của cô con gái nói về người chồng tương lai, với tính cách mạnh mẽ, tự lập của con, chị biết sẽ rất khó để thuyết phục con thay đổi ý định. Đúng như chị dự đoán, 6 tháng sau con gái chị dẫn về nhà ra mắt bố mẹ một chàng trai người Đức, da trắng, mắt xanh, mũi lõ, nói bập bẹ tiếng Việt.

Con gái chị vốn là đứa xinh xắn, thông minh, năng động và có tính cách rất mạnh mẽ, tự lập. Hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Singapore. Còn người nó yêu tên là Henry, giám đốc một dự án tài trợ cho người nghèo ở châu Á. Thật ra, xét về mọi mặt, chị không chê bai chàng rể ngoại điều gì. Vì anh ta là người đàng hoàng, có học hành, địa vị xã hội, cư xử lễ phép, tử tế và điều quan trọng là yêu thương con gái chị. Chị biết trong xã hội hiện nay, chuyện lấy chồng người nước ngoài không còn là hiếm, nhưng chị vẫn thấy đột ngột và băn khoăn, lo lắng cho con. Chỉ mong con lấy chồng, sinh con và có một cuộc sống bình thường, một gia đình truyền thống thuần Việt. Chị chưa hình dung cuộc sống gia đình khi có thêm người nước ngoài sẽ như thế nào? Từ cách nói năng, cư xử đến chuyện ăn mặc, sinh hoạt, phong tục, tập quán, văn hóa... bao nhiêu là mối quan hệ xung quanh, đâu chỉ đơn thuần hai đứa với nhau là đủ. Nhưng thời nay “Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”, đành phải chấp nhận vậy. Đến bây giờ, đã gần mười năm, chị đã có hai cháu ngoại nhưng chị vẫn chưa thể quen với nếp sống, sinh hoạt của đại gia đình Tây - Ta.

Ngày đầu tiên nhìn thấy chàng rể Tây, ai cũng trố mắt nhìn và bật cười khi nghe giọng lơ lớ, bập bẹ của anh. Nhìn con rể luống cuống thắp hương vái lạy trên bàn thờ, nét mặt căng thẳng đến tội nghiệp, chị cứ thấy chạnh lòng. Ở nước ngoài, chắc là chưa bao giờ chàng rể này thắp hương vái lạy tổ tiên như thế. Sau ngày cưới, hai vợ chồng không ở chung với bố mẹ mà ra thuê khách sạn. Chị có cảm giác như tuột mất đứa con. Khi con gái sinh cháu, mọi việc mới nảy sinh. Phong tục người Việt, phải xông lá, kiêng cữ cái này, cái khác, nhưng con rể lại không đồng ý, làm thế là hại sức khỏe. Con còn bé, nhưng hai mẹ con cứ phải nằm riêng hai giường. Bữa cơm trong gia đình lúc nào cũng phải có món tây, món ta. Con gái chị vốn rất thích món bún mắm nêm. Nhưng trong khi vợ ăn say sưa, chồng ngồi nhìn lắc đầu, lè lưỡi.

Mỗi dịp hè về thăm ông bà ngoại, hai vợ chồng nói tiếng Anh, hai đứa cháu khi tiếng Việt, khi tiếng Anh, Đức, loạn xị ngầu cả lên, không biết đường nào mà lần. Nhiều khi chỉ nhìn vào nét mặt con cháu mà đoán tâm trạng nó vui hay buồn. Khi có con gái phiên dịch còn được, khi nó đi vắng, thì chẳng ai dám nói với ai, vì sợ không hiểu. Dù vốn tiếng Việt của con rể đã khá lên nhiều, nhưng có lúc mình nói nó chẳng hiều gì, vừa phải diễn tả bằng lời, vừa vung tay, múa chân như người câm diễn kịch. Con gái lấy chồng Tây, gia đình thông gia cũng không biết ai vào ai. Chỉ biết mặt nhau trong ngày cưới, còn lại là xa tít mù khơi. Chẳng mấy khi thăm hỏi, vì ngôn ngữ bất đồng, xa xôi cách trở. Ôi trời, thật là nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Nhiều lúc ngồi nhớ con, nhớ cháu, chị cứ khóc một mình. Dù biết con đang có một gia đình hạnh phúc, đầy đủ nhưng trong lòng chị vẫn cứ vướng bận, lo âu, thiếu vắng. Tình yêu vốn không biên giới, nhưng sự bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về phong tục, tập quán, văn hóa đã cản trở cho sự hòa hợp, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau. Nhất là đối với thế hệ con cháu sau này, sẽ không còn biết trọn vẹn gia đình truyền thống thuần Việt.

Theo Trần thị Hương
PNVN