Mẹ chồng
(Dân trí) - Tôi vốn chẳng ưa gì mẹ chồng dù bà không phải dạng đanh đá, hay bắt bẻ.
Còn nhớ hôm đầu tiên ra mắt, tôi ôm về một cục tức và nỗi thất vọng tràn trề. Thất vọng vì gia cảnh nhà chồng quá đơn sơ, quê mùa. Đàn gà ngang nhiên chạy ra chạy vào trong bếp, gian nhà chính vừa được dọn dẹp nhưng những tủ áo quần chật ních đồ bảo hộ, những đầu máy cày hỏng nằm chỏng chơ một góc và vách tường vôi lâu năm ố vàng đã tố cáo vẻ nhếch nhác của ngôi nhà. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý và nghe chồng kể nhiều, tôi vẫn bứt rứt không yên khi ngồi vào chiếc ghế gỗ ọp ẹp, có vẻ hơi dơ dáy mà bố anh khẩn khoản kê cho tôi.
Sau phút đầu lạ lẫm, tôi tự dặn lòng phải cố chịu đựng không được tỏ bất cứ thái độ gì vì nếu muốn tỏ thái độ ngay từ đầu tôi đã bỏ rơi anh chàng xuất thân nông dân để chấp nhận mấy mối khá khẩm gia đình sắp xếp cho. Dù thế tôi không sao quên được nỗi bực mình do mẹ anh gây ra. Bà đón tôi với bộ dạng một bà mẹ quê chính hiệu. Mái tóc bóng loáng vì chải thứ dầu dừa rẻ tiền, cử chỉ lúng túng trong bộ quần áo lụa có lẽ chỉ đem ra mặc vào những dịp đặc biệt vì tôi ngửi thấy thoang thoảng mùi ấm mốc. Bà lúng túng cả trong cách chào hỏi, nói câu được câu mất lại còn rặt thứ giọng miền Trung nặng trịch.
Tôi cũng chẳng đỏng đảnh đến nỗi ghét mẹ chồng chỉ vì bà quê mùa, không khéo ăn nói, thứ làm tôi khó chịu là cách bà ứng xử. Cả nhà đang trò chuyện rôm rả, bà lại quay sang thì thầm nhỏ to lúc với chồng tôi, lúc với cô em chồng hay đứa cháu nhỏ. Mỗi lần như thế tôi có cảm giác mình đang bị xoi mói, nhận xét. Tối đó phần vì mệt mỏi sau một ngày đi đường, phần vì vẫn còn tức anh ách trong bụng, rửa bát chén xong tôi xin phép đi ngủ sớm. Buổi khuya dậy uống nước, tôi ngạc nhiên thấy mẹ chồng đang cặm cụi giặt chậu quần áo to đùng. Tôi chạy lại định giúp nhưng bà quả quyết xua về buồng ngủ, bảo đừng động tay vào. Chồng tôi nghe xì xào thì tỉnh giấc. Lúc đấy tôi giận mẹ kinh khủng vì nói mãi bà cứ ôm lấy việc một mình. Tôi về giường, mặt cúi gằm không dám nhìn chồng, dẫu anh không nửa lời trách móc tôi vẫn thấy áy náy vô cùng.
Năm tôi sinh bé Bơ, không tìm được người giúp việc nên chồng tôi nhờ mẹ anh lên giúp. Tôi vốn không ưa mẹ chồng giờ sống gần lại thêm nhiều mâu thuẫn. Bà lẩm cẩm, chẳng bao giờ nhớ được cách thay bỉm, pha sữa cho bé hay cách dùng máy giặt, lò vi sóng,... đã thế lại còn cổ hủ. Con bé hay quấy khóc về đêm nên đêm nào bà cũng lục đục dậy thắp hương, xì xụp khấn vái. Không dỗ được con nín lại thấy mẹ chồng mê tín dị đoan quá đáng tôi đâm bực mình, khổ nỗi nhắc mãi bà vẫn chê tôi trẻ người non dạ biết gì mà nói. Đỉnh điểm là lúc bé Bơ chậm mọc răng, bà chạy sang mấy nhà hàng xóm xin mỗi nhà một nắm gạo, bảo đấy là cách làm phép để răng bé sớm mọc. Hàng xóm tôi trố mắt nhìn bà rồi ái ngại trút gạo vào cái túi rách bươm không biết bà lôi từ đâu ra. Tôi khó chịu ra mặt, thậm chí còn nói nặng nói nhẹ thế mà mẹ chồng tôi chả buồn mắng lại nửa câu, nhìn cái lưng còng lầm lũi tôi càng thấy bực tức hơn.
Mẹ chồng ghê gớm hơn tôi tưởng, bà phản ứng bằng cách đòi về quê. Sợ làm mếch lòng chồng, tôi xuống nước xin lỗi nhưng bà xua tay bảo con dâu không có lỗi, bà nóng ruột chuyện nhà cửa ở quê nên mới mong chóng về. Bà đã nói thế thì vợ chồng tôi cũng hết cách.
Bé Bơ tròn một tuổi, chồng tôi muốn đưa con về quê thăm ông bà. Dù không thích đụng mặt mẹ chồng, tôi chả dám làm trái ý anh. Bữa đó về đến nhà nội thì thấy sân vườn vắng tanh. Có tiếng ồn ào ở ngoài ngõ, chúng tôi vội chạy ra xem. Một lũ trẻ con đang vây quanh reo hò, trêu chọc, ở giữa là bố chồng say rũ, miệng liên tục chửi bới, một tay nắm tóc, một tay xé áo mẹ chồng tôi. Bà chỉ biết vô vọng kéo lại tà áo đã rách bươm để lộ phần da thịt nhăn nheo, tái nhợt.
Chồng tôi chạy đến ôm chắn cho mẹ, tôi choáng váng không tin nổi vào mắt mình, nhớ lại những điều chồng đã rút gan rút ruột ra tâm sự mà tôi nào có tin. Rằng mẹ quen gánh việc vào người vì từ nhỏ bà mồ côi cha, mẹ hay đau ốm, một mình bà nuôi các em ăn học. Rằng bố chồng tôi tính lắm lời lại hay say xỉn nên mẹ quen nói thầm với người khác, sợ bố nghe phải lại mắc nhiếc hoặc đi mách cho cả làng nghe. Rằng chú út mất lúc tuổi mới đôi mươi, mẹ đã đau khổ, hoảng loạn đến nỗi chỉ biết khấn vái thần linh nên hễ động việc gì là lại giở trò mê tín. Rằng mẹ chẳng dám đi xa nửa ngày vì sẽ không có ai kéo bố về nhà từ những trận say.
Tôi giờ không biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm, bởi những lời xin lỗi thật quá sáo rỗng với mẹ tôi, người chẳng bao giờ nói được nửa câu ngọt ngào, bởi những quan tâm biết bồi đắp bao nhiêu cho vừa khi mẹ đã cả đời ngậm đắng nuốt cay nhường con cháu quả ngọt.
Bình Tâm