Góc tâm hồn

Mất tiếng

(Dân trí) - Tự nhiên bị mất tiếng, có lẽ do uống quá nhiều nước lạnh suốt mấy ngày Hà Nội hệt như Hoả diệm sơn. Chợt phát hiện ra sự cố khi mình không thể gọi to tên thằng bé khi đón con sau giờ làm việc.

Cũng chả sao, trục trặc nhỏ này cũng “bình thường như cân đường hộp sữa” thôi - thoạt đầu, mình nghĩ vậy. Nhưng nghĩ vậy mà hoá không phải vậy.
 
Mất tiếng - 1


 

Thằng nhỏ vốn nghịch ngợm, chân tay chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Ngày nào mình không phải quát nó câu nào hẳn phải là sự lạ. Ấy vậy mà hôm nay, theo thói thường, khi hét lên mắng nó vì tội vứt đồ chơi lung tung, mình chỉ nghe thấy tiếng khò khè bất lực. Chao ôi là bất lực. Mình biết thằng bé không hiểu mẹ đang bực bội đến mức nào khi không thể ra uy dàn xếp trật tự theo cách bà nội tướng mỗi ngày vẫn làm. Thôi đành, không hét được, không mắng được thì lừ mắt, ra hiệu bất hợp tác với ông nhóc chứ sao. Chẳng ngờ, thằng bé đâu có tinh tế như người lớn, thấy mẹ lừ mắt, nó lại tưởng đùa, nhe răng cười trừ. Vậy là huề! Lại ôm con vỗ về, phủ dụ. Cách này xem ra hay. Trẻ con đứa nào không thích mẹ âu yếm, vuốt ve, dẫu nhiều khi người lớn lạm dụng vẻ yêu thương này như một chiêu “dụ khị”. Thằng bé không những không nghịch nữa lại tỏ ra ngoan ngoãn tới mức bất ngờ. Vậy là mình phát hiện một chân lý (dẫu chân lý này xưa như trái đất), hoá ra, không cần phải la hét, mắng mỏ, chỉ cần ôm ấp, vỗ về, mình vẫn có thể bảo ban cu cậu. Điều giản dị ấy mà lâu nay, khi chưa bị mất tiếng, mình không hiểu được…

 

Ở cơ quan, mình vốn là người hay nói, không nói hình như không chịu được. Tuy chưa tới mức buôn hết chuyện nhà ra chuyện người nhưng tự xét thấy, mình cũng thuộc loại “nhạc nào cũng nhảy”. Ấy vậy mà giờ đây, cái miệng phản chủ, nói đúng hơn là cái thanh quản đỏng đảnh đã không cho mình tận hưởng thú vui “tao nhã” ấy. Có lẽ, cảm giác thèm ăn của một người đói lả phải ngồi chực chờ bên cạnh yến tiệc ê hề cũng chỉ gắt gao đến mức như khi mình không thể thốt ra những lời bình phẩm trước một sự thể ngẫu nhiên nào đó. Ôi chao là khổ. Có những điều mà vào hoàn cảnh ấy, thời gian ấy, không gian ấy, nhất định mình đã phải nói thì giờ đành “câm nín”. Âu cái khổ của kẻ không muốn nói bị bắt nói cũng chỉ ngang ngửa với nỗi ức chế này thôi. Nhưng rồi, khi bị cấm khẩu tạm thời một cách “cưỡng chế” này, mình bắt đầu phát hiện một điều thú vị. Hoá ra, khi được nói thoải mái, chưa bao giờ mình chịu dành thời gian để ngẫm nghĩ xem, điều đã nói và sắp nói có thật sự cần thiết hay không. Mình chỉ hay nói cho vui, nói để mà nói, nói như lấy được mà không chịu nghĩ, lời nói đó có thực sự cần cho người được nghe, có ích cho mình, hay chỉ là sự lãng phí thời gian vô bổ. Chỉ tới khi không thể nói, không nói được, mình mới có thời gian để nhận ra điều giản dị này. Nhưng hình như, thế vẫn là chưa muộn.

 

Chờ mãi mà chứng khản giọng khản tiếng vẫn chẳng có dấu hiệu thuyên giảm. Vậy là mình phải đến bệnh viện. Thời buổi trượt giá, mới đặt được chân vào phòng khám, chưa biết bệnh tình được chữa trị ra sao đã đi bay hơn trăm ngàn lệ phí. Rồi thuốc rồi men, rồi xông rồi chấm, nhìn tờ hoá đơn, cổ họng mình đờ ra một lúc như thể thuốc tê bác sỹ xịt vào lúc trước chưa tan hết. Hơn nửa triệu bạc cho một đợt điều trị viêm thanh quản, cái giá không gây sốc nhưng đủ để giật mình. Tự sỉ vả mình vì cái tội không giữ gìn cổ họng, tội ăn uống bừa bãi, tội làm lãng phí tiền bạc một cách vô lý, nhưng tội gì thì tội, cũng phải chữa khỏi bệnh cái đã, mình đành tự an ủi.

 

Và chẳng phải, vụ mất tiếng này đã dạy cho mình bao bài học quý về tình yêu thương, sự tiết chế, sức khỏe và tiền bạc đó sao. Ngạn ngữ nói, người ta chỉ biết quý những gì đã mất nhưng mình nghĩ, có những thứ, khi mất đi cũng khiến người ta biết quý thêm cả những thứ khác nữa chứ không chỉ là chính nó, ví dụ như chuyện mất tiếng này của mình…

 

Đỗ Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm