"Lộn tiết" khi phát hiện sự thật về những lần mẹ chồng khóc lóc kêu hết tiền

Sau khi biết được sự thật, tôi thấy sợ cái tính ki bo và khả năng diễn kịch của mẹ chồng tôi quá.

Tôi không biết mẹ chồng của mọi người nhưng thế nào nhưng tôi chắc chắn rằng mẹ chồng quả thực có một không hai. Chuyện đời vẫn biết chẳng mẹ chồng nào dễ hòa hợp với con trai, việc sống chung càng dễ gây nhiều xích mích. Thế nhưng, chúng tôi chẳng thể nào tránh được việc chung sống cùng bà dưới một mái nhà.

Mẹ chồng và bố chồng tôi đã sống li thân nhiều năm nay. Bà luôn coi chồng tôi là nguồn sống duy nhất và tôi cũng hiểu vậy. Mẹ chồng tôi là người rất nhạy cảm, khi có mâu thuẫn gì, bất chấp bà đúng hay sai, bà thường khóc trước mặt vợ chồng tôi để giành phần đúng về mình.

Cá nhân tôi tin rằng nguyên nhân gốc rễ gây ra mâu thuẫn trong gia đình chồng tôi chủ yếu là do tiền bạc. Mẹ chồng tôi trước làm công nhân, giờ đã về hưu. Tiền lương hưu của mẹ không nhiều nhưng vẫn đủ chi tiêu. Hàng tháng, vợ chồng tôi vẫn đóng đủ tiền ăn, điện, nước, mạng, cáp cho mẹ. Tuy nhiên, không tháng nào mẹ chồng tôi không kêu hết tiền.

Mỗi lần khó khăn chuyện chi tiêu, mẹ chồng tôi thường khóc trước mặt vợ chồng tôi rất “ngọt”. “Mẹ xin lỗi tháng này mẹ chi tiêu hơi quá tay nên mới 20 đã hết tiền". “Tháng này mẹ mua quần áo, thuốc thang nhiều nên thành ra lại hụt tiền…”- đó là điệp khúc tôi thường phải nghe đi nghe lại suốt 4 năm nay.

Trong khi tôi cân đong, đo đếm từng đồng thì mẹ chồng tôi lại vun vén cho bản thân. (Ảnh minh họa)
Trong khi tôi cân đong, đo đếm từng đồng thì mẹ chồng tôi lại vun vén cho bản thân. (Ảnh minh họa)

4 năm qua, mẹ chồng tôi chưa bao giờ mua gì cho cháu nội nhưng chuyện mẹ đòi vợ chồng tôi đóng thêm tiền là chuyện bình thường như cơm bữa. Vợ chồng tôi luôn nghĩ rằng việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ khi về già là nghĩa vụ, trách nhiệm của chúng tôi nên không ý kiến gì. Tôi làm công nhân may còn chồng tôi làm nhân viên chuyển phát, tiền lương của 2 vợ chồng cũng không dư dả gì nhưng phận làm con, chúng tôi không bao giờ kiểm soát chuyện chi tiêu của bà.

Mới đây, làng tôi có dự án xây dựng chung cư. Mẹ chồng tôi có suất đất ruộng nằm trong dự án nên được đền bù 1 khoản tiền đáng kể. Tôi thấy vậy thở phào vì nghĩ rằng mẹ chồng có tiền rồi, sẽ không vòi tiền vợ chồng tôi nữa. Tuy nhiên, ngay sau khi lấy tiền đền bù đất về, mẹ chồng không hề cho vợ chồng tôi hay cháu nội xu nào mà vẫn đòi vợ chồng tôi đóng tiền sinh hoạt hàng tháng như bình thường.

Hôm đó, tôi đang làm việc thì thấy chóng mặt, buồn nôn nên đã xin về sớm. Vừa đến cửa, tôi thấy mẹ chồng đang nói chuyện với chị chồng tôi trong phòng khách.

Chị chồng tôi nói đang có ý định mua 1 mảnh đất để đầu tư chờ đất lên giá sẽ bán. Mẹ chồng tôi thấy thế nói luôn là mẹ có 1 khoản tiết kiệm 500 triệu, muốn cùng chị chồng tôi đầu tư. Tôi nghe 2 người nói chuyện mà tăng xông, lộn tiết. Tiền chi tiêu hàng tháng thì bà bòn rút của vợ chồng tôi từng đồng, không bao giờ chịu bỏ ra vậy mà bà lại có tiền để mua đất đầu tư.

Tôi vội bước vào nhà chào 2 người rồi nói 1 câu mát mẻ: “Lâu lắm không thấy chị Dung (chị chồng tôi) sang chơi. Tiện có mẹ và chị ở đây, em cũng trình bày luôn là vợ chồng em muốn sửa nhà. Không biết mẹ và chị có khoản nào đó dư dả cho nhà con vay không ạ?”.

Mẹ chồng tôi nghe thấy thế liền mắng: “Lương thì ba cọc ba đồng tôi không tiết kiệm thì lấy gì mà sống. Tôi già cả thế này, tiền chẳng có một xu, lấy đâu cho anh chị vay. Nuôi được thằng con trai khôn lớn dựng nhà, hỏi vợ cho nó là tôi cũng kiệt sức rồi”.

Nghe mẹ chồng nói tôi ức lộn tiết mà không dám nói gì. Tối đó, tôi bàn với chồng ra thuê nhà ở riêng nhưng chồng không đồng ý, lại còn giận tôi, trách tôi bất hiếu. “Mẹ có tiền mẹ tiêu vào việc gì tùy mẹ. Em không thể nghĩ rằng mẹ không cho em tiền là em sẽ không chăm sóc, phụng dưỡng mẹ được”, chồng tôi mắng.

Mấy hôm nay, tôi chẳng nói chuyện với mẹ chồng câu nào. Sau khi biết được sự thật, tôi thực sự sợ cái tính kẹt xỉ và khả năng diễn kịch của bà. Không biết cứ như thế này, thì tôi còn chịu đựng được bao lâu nữa, cuộc sống stress, nghẹt thở quá đi thôi.

Theo Quỳnh Trang
Dân Việt