Lời ru buồn

“Lời ru từ ngàn đời vẫn thiêng liêng nuôi lớn tâm hồn bao người. Nhưng tiếng ru của chị thật buồn não và đau đớn! Đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào trong sự thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ?”...

 
Lời ru buồn - 1

Hình minh họa: Blog Muctim.
 

Mỗi lần nghe lời ru của chị Hoa, tôi lại buồn và xót xa vô hạn. Cảnh nhà chị thật éo le. Anh chị có hai con (một trai, một gái). Họ chia tay nhau vài năm trước vì anh luôn dùng bạo lực để dạy vợ con.

 

Chị đã nhẫn nhịn 17 năm trời cho con cái lớn khôn. Khi ly hôn, chị nhận nuôi cả hai con nhưng cuộc đời chị lại sang một bi kịch khác vào lúc con cái tưởng như đã trưởng thành.

 

Đứa con gái lớn lấy chồng cũng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” vì tính đành hanh của nó. Mỗi lần nó đưa con về nhà mẹ là hàng xóm biết ngay vợ chồng nó lại lục đục. Lẽ ra phải răn dạy, bảo ban con điều hơn lẽ thiệt thì chị lại quở trách con rể khiến cho mâu thuẫn vợ chồng chúng càng gay gắt hơn.

 

Đứa thứ hai là thằng Trường, có tính hung hãn từ bé. Học tiểu học, nó đã đánh bạn chảy máu mồm. Lên THCS, Trường thành đàn anh trong nhóm “ba không” chúng tự đặt ra là: “Không cần học, không cần ai, không cần đời”. Nó thường bảo: “Văn hay chữ tốt, không bằng học dốt lắm tiền!”. Bị chuyển sang học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên quận nhưng chứng nào tật ấy, nó bỏ học khi vừa lên lớp 7.

 

Chị nói với người bạn cũ cho nó theo vào Bạc Liêu làm thợ. Năm ngoái, nó dắt ra một đứa con gái chưa kịp dậy thì bắt cưới. Chị buộc phải vay mượn lo chuyện cưới cheo vì chúng đã “ăn cơm trước kẻng”. Chị hy vọng có vợ có chồng, chúng sẽ bảo nhau làm ăn.

 

Mấy tháng sau, con dâu sinh con trai. Những tưởng đứa con sẽ là cầu nối để chúng hạnh phúc. Nhưng cả hai không nghề nghiệp, lại đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên có con chuyện đánh cãi nhau càng xảy ra như cơm bữa. Thằng chồng đánh vùi, đánh dập vợ khiến con bé ngày càng quắt queo.

 

Nhà chị rối như canh hẹ, chị suốt ngày bận “xử kiện”. Nghe con gái kể, bố mẹ con dâu chị đã lập kế hoạch giải thoát cho con.

 

Vài tháng trước, nó đi “kế hoạch hoá” vì có bầu lần hai. Nó bảo chị: “Con nghỉ ở nhà đứa bạn vài hôm cho khỏe, mẹ trông cháu giúp con”. Chị đồng ý. Mấy ngày liền không thấy con dâu về, chị tá hoả đi tìm nhưng không thấy. Đang lo đứt hơi thì chị nhận được điện thoại của nó từ Bạc Liêu ra xin lỗi vì “chúng con không thể tiếp tục chung sống”. Khuyên nhủ thế nào nó cũng một mực dứt áo ra đi.

 

Tội cho thằng cháu nội mới 8 tháng tuổi như cái giẻ vắt vai, nhớ mẹ, thèm sữa nên khóc cằn cặt suốt đêm ngày. Chị ru cháu khản cổ mà nó vẫn nức nở. Tiếng ru của chị cũng nức nở, nghẹn ngào.

 

Một mình chị vừa lo chăm cháu thơ vừa cơm cháo giặt giũ quay cuồng như chong chóng. Còn thằng con chị coi chuyện vợ bỏ đi nhẹ như lông hồng và thản nhiên tuyên bố: “Con ấy là cái đinh gì, thiếu gì gái. Nó tưởng nó mỹ miều lắm đấy!”. Và Trường nhanh chóng cặp bồ với một cô gái bán hoa, nghe đâu đã có con với nhau. Còn vợ nó ở trong Nam cũng đang gửi đơn ly dị để lấy một thợ xây.

 

Lời ru từ ngàn đời vẫn thiêng liêng nuôi lớn tâm hồn bao người. Nhưng tiếng ru của chị thật buồn não và đau đớn! Đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào trong sự thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ? Và nếu cô gái kia cũng mang trả con thì gánh nặng ấy sẽ lại trút lên đầu chị ư?

 

Hàng xóm thấy ái ngại và cảm thương cho chị. Đúng là những cặp vợ chồng nhí đến với nhau tưởng vì “tình yêu xiêu đình đổ quán” nhưng lại tan vỡ như bong bóng xà phòng.

 

Vì chưa có kỹ năng làm vợ, làm chồng, chưa có sự chuẩn bị mọi mặt, nên hậu quả chúng gây ra thật khủng khiếp. Qua đó càng thấy sự hoà thuận của gia đình quan trọng biết nhường nào trong việc hình thành nhân cách con trẻ.

 

Theo Trịnh Thị Thuận

Phụ Nữ Việt Nam