“Lì đòn” với vợ... “siêu giận”
Nếu có ai hỏi “điều gì khủng khiếp nhất trong đời sống vợ chồng?”, anh sẽ không ngần ngại khẳng định ngay: “Vợ giận!”. Ba năm sống với em, anh thấm thía điều này vô cùng…
Chẳng hiểu sao em hay giận đến thế. Anh làm sai, em giận đã đành. Đằng này, nhiều khi anh làm đúng, em cũng giận. Chuyện lớn, em giận cả tuần, có khi cả tháng. Chuyện nhỏ như cái móng tay, em giận vài ngày.
Điều làm anh bực bội nhất là nhiều khi em giận mà anh chẳng tài nào biết nguyên nhân. Lúc giận, em cắt đứt mọi giao tiếp với anh. Em lầm lì, mặt mày chù ụ, cả ngày không thèm mở miệng. Anh nói chuyện với em, cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để làm hòa. Nhưng bất chấp anh nói gì, em cứ trơ trơ. Mà không biết nguyên nhân thắt nút, thì làm sao anh có thể mở nút cho được. Vậy là nhiều khi anh bị em “tra tấn” bằng cái mặt lầm lì cả tháng mà chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao.
Nếu em giận mà chỉ làm mặt lạnh thì cũng không đến nỗi nào, anh còn có thể tìm cách “sống chung với lũ” được. Nhưng làm mặt lạnh chỉ là một trong vô số “chiêu thức” giận hờn của em…
Tuyệt chiêu em sử dụng thường xuyên và thành thạo nhất là tuyệt thực. Hễ giận, cứ đến bữa, em dọn cơm cho anh rồi lẳng lặng bỏ vào phòng mà nhịn. Xót ruột, anh đành phải xuống nước, năn nỉ, ỉ ôi đủ kiểu, nhưng thành công hay không thì “hên xui”. Kỷ lục tuyệt thực của em là hai ngày liên tiếp. Lần đó, mới cưới, còn “dại khờ” nên anh lo sốt vó…
Thường là tuyệt thực được vài bữa, nếu thấy không ăn thua (hoặc thấy đói bụng nhưng ngại anh), em hay giở tiếp chiêu thứ hai: bỏ về nhà mẹ. Em lôi cái va li to trên đầu tủ, nhồi quần áo - đồ đạc vào, gây tiếng động sao cho anh chú ý nhiều nhất, rồi ngẩng cao đầu, gọi taxi về nhà mẹ. Thế nào sang hôm sau, “nhạc mẫu” cũng gọi anh, khuyên nhủ lung tung theo kiểu “chén bát trong chạn còn khua”, rồi đề nghị anh qua đón em về.
Một chiêu nữa không kém phần thâm hậu là “cấm vận”. Anh quen rồi, em mà giận đồng nghĩa với việc anh phải chịu cảnh “ngăn sông cấm chợ”. Tối, anh vừa lò dò vào phòng thì em lạnh lùng phán: “Anh ra ngoài phòng khách ngủ. Em không thích nằm gần anh”. Phần tự ái, phần nghĩ nằm gần “cục nước đá” cũng chán, nên anh ra phòng khách.
Đến khi cu Bi ra đời, em có thêm chiêu mới vô cùng “độc”: không giữ con, không chăm sóc con. Từ ngày có cu Bi, em giận là bỏ mặc cu Bi. Con đói, con khóc, con gào… em cũng mặc, chỉ ngồi thu lu như tượng, anh nhìn mà điên tiết.
Càng sống với em lâu, anh càng khẳng định một điều: em giận anh chẳng phải vì anh làm lỗi, mà chỉ để chứng tỏ em có quyền uy với anh, được tận hưởng cái cảm giác “bề trên”. Em xem việc giận hờn như một cách để em thực thi quyền lực…
Còn anh, càng ngày càng chai, càng lì đòn trước những trò giận dỗi của em. Không nói chuyện, kệ em, càng đỡ mệt đầu. Nhịn ăn, kệ em, anh no là được rồi. “Cấm vận”, anh ra ngoài phòng khách ngủ, buồn thì đi nhậu, tăng hai tăng ba càng tốt. Em không giữ con, không sao! Anh đem về cho má anh giữ, sẵn anh ở luôn bên đó, có con Út nấu cơm cho anh ăn, sung sướng hơn ở nhà. Em cứ giận thoải mái, vợ nhé…
Theo Phụ nữ