Làm gì cũng không qua được mắt cô cháu họ
Người ta bảo: “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”, có lẽ vậy mà tôi và anh vừa quen nhau được vài tháng đã làm đám cưới.
Đám cưới diễn ra đầm ấm bởi lẽ cả hai cùng hoàn cảnh. Chúng tôi cùng có bố đi bộ đội, mẹ làm nông nghiệp nên dễ hiểu nhau hơn. Chỉ có điều, bố anh còn sống, bố tôi thì đã mất khi tôi còn quá nhỏ. Khi bố đi B, vào Nam chiến đấu, mẹ bế tôi tiễn bố, tôi còn đỏ hỏn trên tay.
Tôi chưa một lần được gặp mặt thì bố đã hy sinh. Nhìn bọn trẻ có cha bên cạnh, tôi thèm lắm, ước ao lắm. Sống trong cảnh vắng cha, gia cảnh nghèo khó, tôi luôn có cảm giác mặc cảm, tự ti. Nhưng sự tần tảo của mẹ đã cho tôi thêm nghị lực. Bỏ qua những ánh nhìn thương hại, tôi lao vào học, thi đỗ đại học, miệt mài với sách vở chỉ mong sau khi ra trường có việc làm giúp mẹ chấm dứt những tháng ngày oằn lưng trên đồng ruộng. Khác với các bạn cùng phòng, sau khi tốt nghiệp, tôi lập tức trở về quê với mẹ.
Gặp anh, khi biết hoàn cảnh của tôi, anh đã chạy đôn chạy đáo, giới thiệu, tìm việc cho tôi. Với tấm bằng đại học - "hàng hiếm" thời đó - tôi nhanh chóng được một cơ quan nhận vào làm việc. Anh ra trường đã khá lâu, có việc làm ổn định. Còn tôi cũng có việc làm. Vì thế, không có lý do gì để chúng tôi từ chối một đám cưới trong sự hối thúc của hai bên gia đình.
Về sống với gia đình chồng, tôi được anh và gia đình yêu thương, đùm bọc. Tôi chẳng có gì phàn nàn về bố mẹ chồng, anh chị em chồng. Thế nhưng, không hiểu sao, có một cô cháu họ của chồng tôi sống gần đó, lại luôn hằn học với tôi. Cô luôn so bì với tôi mọi nhẽ. Hễ có cơ hội là cô lại nói bóng gió xa xôi.
Có hôm, tôi đang ngồi sắp lễ để thắp hương, cả nhà đang vui vẻ thì cô lại bóng gió: "Người ở đâu mà sướng thế. Về đây có đủ mọi thứ. Bàn thờ, hương khói đủ cả, chẳng phải sắm sanh lễ lạt gì. Chẳng bù cho con gái họ Lê nhà này, đi lấy chồng chẳng ai được như vậy. Cái gì cũng phải mua, phải sắm. Rõ là...".
Rồi một hôm, cơ quan tôi tổ chức sự kiện, thấy tôi diện đồ đẹp, cô liền chạy ra, chặn tôi lại bảo: "Cô sướng thế, không có chú xin việc cho thì làm gì có ngày hôm nay, làm gì mà được ăn sung mặc sướng thế này. Chẳng bù cho con gái họ hàng nhà này, suốt ngày đầu tắt mặt tối".
Ở cơ quan, nơi cô làm việc cùng chị gái tôi, cô còn thường xuyên nói với mọi người: "Con gái mà học cao làm gì, suốt ngày công với chả việc". Biết là cô nói bóng gió tới tôi nhưng chị tôi vẫn lặng thinh.
Dù rất bực nhưng tôi không nói gì. Một hôm, tôi đem chuyện kể với anh, anh chỉ cười bảo: "Thôi đừng chấp em ạ. Có những điều chỉ sau này mới hiểu".
Tôi nghe anh, vẫn sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người trong gia đình, với cả cô cháu họ không ít lần làm tôi kém vui.
Chỉ có điều, khi đến tuổi nghỉ hưu, bỗng dưng cô lại được mời ra tòa để giải quyết chuyện ly hôn. Chỉ vì hay soi mói, luôn khó chịu với người khác, thậm chí với cả người đầu gối tay ấp với mình, mà cô đã đẩy hạnh phúc gia đình mình xuống vực thẳm.
Theo Cẩm Hà
Phụ Nữ Việt Nam