Hạnh phúc hay không chỉ mình ta biết

(Dân trí) - Để định nghĩa từ “hạnh phúc” một cách trọn vẹn, có lẽ là một việc khó. Tôi vẫn nghĩ, hạnh phúc là thứ người ta khó có thể nhìn thấy, bởi có đôi khi “nhìn vậy mà không phải vậy”, cũng như cười chưa hẳn lòng đang vui. Hạnh phúc hay không, có lẽ chỉ bản thân mỗi người mới có thể cảm nhận.

Hạnh phúc hay không chỉ mình ta biết - 1

Chiều nay, gặp lại chị láng giềng sau nhiều năm xa cách vì bị bố mẹ từ mặt. Trong con mắt tôi, chị là một người mạnh mẽ. Nhưng trong mắt nhiều người, chị là một kẻ “dở hơi”. Dở hơi vì đã không chịu lấy một người chồng “môn đăng hộ đối” với gia đình theo sự sắp đặt của bố mẹ chị, mà lấy một anh chàng giáo viên nghèo. Dở hơi vì dám từ bỏ cuộc sống sang giàu để chấp nhận sống một cuộc đời nhiều lo toan và thiếu thốn.

Bố mẹ chị bao năm rồi vẫn không thôi bực bội mắng con “đường quang không đi, lại đi quàng bụi rậm, rồi có ngày sẽ “trắng mắt” ra”. Đúng là chị đã không còn vẻ tiểu thư đài các khi xưa, nhưng nụ cười của chị vẫn rất rạng rỡ và nhẹ nhõm. Tôi hỏi: cuộc sống của chị thế nào? Chị bảo: “Nhiều người cứ nghĩ chị khổ. Nhưng chị thấy mình hạnh phúc. Ít nhất là chị thấy thế”. Tôi nhiều khi cũng nghĩ thế, chỉ cần mình cảm thấy hài lòng, còn trong suy nghĩ và mắt nhìn của người khác, mình sống thế nào chẳng có gì quan trọng.

Chúng ta vẫn cứ hay có thói quen “nhìn mặt mà bắt hình dong” khi nhìn nhận về đời tư của người khác, kiểu như là “cô gái kia lấy ông ấy chắc vì tiền chứ yêu đương gì. Sống với kẻ không yêu khác gì địa ngục”, hay “nhà ấy đông con, chỉ kiếm ăn thôi cũng đủ mệt, lấy đâu ra hạnh phúc”, “cô kia đúng là chuột sa chĩnh gạo, đẻ vào giờ nào mà sướng thế không biết?”…Và rồi chúng ta kết luận: Cô kia sướng lắm, anh kia khổ lắm…theo cách mà chúng ta thấy chứ chẳng phải do họ tự nói ra.

Cạnh nhà tôi có một cô đã ngoài 50 tuổi. Hồi trẻ cô rất xinh đẹp, có nhiều đàn ông theo đuổi, cũng yêu nhiều, chơi nhiều nhưng chẳng biết do duyên số hay gì mà chẳng gắn bó với một ai lâu dài để có thể thành một “gia đình”. Bố mẹ để lại cho cô nhiều đất đai, cô bán lấy tiền gửi ngân hàng, xây biệt thự. Một mình một dinh cơ, tự do tự tại, thích đi đâu thì đi, làm gì cũng được. Thỉnh thoảng tôi bế con sang nhà cô chơi, cô thường cho tôi một ít quà đi du lịch đâu đó mua được. Tôi chép miệng, thực ra là an ủi cô: Cô sướng thật đấy, suốt ngày bay nhảy, vô lo. Chứ như cháu đây, muốn đi xa vài ngày phải lên kế hoạch trước cả tháng. Ngoài giờ đi làm, chỉ việc nghĩ hôm nay nhà ăn gì, các con ăn gì, …cũng đủ mệt. Tôi nói vậy mà cô khóc. Cô nói, người ta chỉ thấy cái hào nhoáng bên ngoài của cô mà cho rằng cô sung sướng. Không ai biết được nội tâm cô như thế nào. Không ai biết được, tối tối cô phải bật ti vi thật to để nhà luôn có tiếng người. Và thèm khát được bận rộn, lo lắng cho một ai đó.

Hay như nhà vợ chồng em gái tôi, cả hai đều kiếm tiền rất giỏi, kinh tế ổn, hai cô con gái vừa giỏi vừa ngoan. Cuộc sống nói chung không có gì phải phàn nàn. Thế nhưng thi thoảng có người ghé tai tôi: “Nhà cái H giàu thế , giá mà sinh được cậu con trai thì mĩ mãn nhỉ. Đúng là trời không ai tất cả, được cái này thì mất cái khác.” Em gái tôi thường cười rất to mỗi khi nghe những thông tin kiểu như vậy. Nó bảo: Con gì chả phải đẻ đau, chăm lo và nuôi dưỡng. Con gái thì có gì là không tốt? Chồng em yêu hai đứa nhỏ hơn cả bản thân mình ấy. Anh ấy còn chả cho em sinh thêm, sợ mất ngôi vị “đẹp trai nhất nhà” đấy.

Cô giáo dạy sử hồi cấp 3 của tôi đã từng nói: Nếu chúng ta không có cái mình yêu, thì hãy yêu những gì mình có. Đó cũng là một cách để làm mình cảm thấy hạnh phúc. Đừng làm cuộc sống trở nên nặng nề bởi những tham vọng và ganh đua. Chúng ta cố gắng hết sức mình và biết bằng lòng với những gì mình có. Mình thấy mình hạnh phúc thì là hạnh phúc, mình cho rằng mình bất hạnh thì luôn thấy mình bất hạnh, tất cả là do cách nhìn nhận của ta đối với bản thân và cuộc đời, không có gì khác.

Có thể niềm vui thì mỗi người một khác, chẳng ai giống ai. Chỉ nỗi đau là đều giống nhau bởi vị mặn của những giọt nước mắt. Có những cuộc đời là ước mơ của rất nhiều người khác, nhưng chính họ sau những ánh hào quang cũng phải đối diện với nỗi đau riêng. Có những tiếng cười được cất lên không phải vì quá vui mà chỉ là để giấu đi một nỗi lòng hoang hoải.

Chúng ta tuyệt nhiên không bao giờ có hết những thứ mình muốn, nhưng chúng ta biết đủ thì là đủ. Vậy nên tôi vẫn hay nói với con gái mình: Mẹ chẳng mong con sẽ thật xinh đẹp, cũng chẳng mong con thành một thiên tài, mẹ chỉ cần cuộc đời con được an yên. Và có lẽ hết thảy những ông bố, bà mẹ đều giống như tôi, chỉ mong con mình có đủ, giống như một ông bố đã chúc con gái mình trong một câu chuyện mà tôi đã nghe qua. Một câu chúc ngắn gọn thôi, “Ba chúc con có đủ”: Đủ những cơn mưa để yêu quý ánh mặt trời. Đủ những nỗi đau để biết yêu quý cả những niềm vui nhỏ nhất. Đủ mất mát để biết yêu quý những gì đang có. Và đủ “lời chào” để có thể vượt qua những lời “tạm biệt!”

Lê Giang

Hạnh phúc hay không chỉ mình ta biết - 2