Giao thừa

Ngẫm đi ngẫm lại thì thấy ba mươi là ngày rạo rực nhất, hân hoan nhất trong năm, đặc biệt là thời khắc giao thừa. Đó là lúc trời bắt đầu giăng giăng mưa bụi, gió se se như quấn quýt, lòng người cũng nôn nao.


Giao thừa



Giao thừa, mỗi người nuôi một suy nghĩ, một ước ao. Ba má mong cho đàn con nhanh lớn khôn, con cái mong cho ba má, cô bác, chú dì được mạnh khỏe. Người già mong lớp trẻ được bình an, người trẻ chúc cho thế hệ đi trước được thượng thọ để hưởng thêm nhiều phúc lộc ở đời… Bao giờ cũng thế, đó là khoảng thời gian để mọi người nghĩ cho nhau nhiều hơn là cho chính bản thân mình.

Từ sau thời khắc thiêng liêng ấy, mọi người ăn nói, đi đứng cẩn trọng hơn. Lũ trẻ, dù đói bụng cũng không dám vào lục nồi, sợ cả năm mang tiếng… háu ăn. Người lớn ít la mắng trẻ con vì sợ có tiếng than khóc khiến không khí gia đình cả năm u ám.

Bây giờ, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, chốn thôn dã cũng nhuốm chút màu phồn hoa. Mấy đứa con đi làm ăn xa đem chút hơi hướng của thành phố về miền quê nhỏ. Đầu tiên là chai sâm-panh. Cả nhà hồi hộp chờ ba lui cui bật nắp. Rồi mọi thứ vỡ òa. Tiếng vỗ tay râm ran thay cho tiếng pháo thuở trước. Tiếp đến là mừng tuổi. Hồi trước, ở quê làm gì có phong bao đỏ chói như vậy để đựng tiền lì xì. Cảm giác được lật mở xem trong bao có gì cũng là một niềm hạnh phúc khôn tả.

Đối với những người con đi làm ăn xa không thể trở về quê nhà vào ngày Tết, giao thừa là… cực hình. Nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn cứ quay quắt, bỗng dưng thấy bơ vơ, lạc lõng lạ lùng. Đêm ba mươi đường sá vắng tênh, ngồi trong quán cà phê gặm nhấm nỗi buồn xa xứ, tái tê như có ai xát muối vào lòng. Có người đã gọi điện về quê báo trước rằng Tết sẽ ở lại thành phố tranh thủ làm thêm, ấy thế mà không chịu nổi cảm giác trống trải, vội vã tìm cách khăn gói trở về.

Giao thừa là khoảnh khắc của đoàn viên. Cứ đến giây phút ấy, nhìn ra ngoài trời luôn thấy một màn mưa bụi. Đó như là khí trời, là lộc trời. Một chút mưa cho ta biết nép mình, một chút se lạnh cho ta biết gần nhau.

Theo Vũ Hoài
PNO