Gia đình nhiều thế hệ

(Dân trí) - Anh Hoàng tiếp ông bạn cũ lâu ngày mới gặp. Hai ông uống đến chai bia thứ 2 thì “E hèm, e hèm!” - tiếng bà mẹ vọng ra phía nhà trong. Anh bạn luống cuống: “Xin phép hai bác, cháu về…”, còn Hoàng bực bội: “Con năm nay đã gần 40 rồi, mẹ phải để con tự do tí chứ!”.

"Tứ đại đồng đường" ngày xưa được coi là biểu tượng của gia đình đại phúc. Kiểu gia đình này thịnh hành ở các nước Châu Á, đặc biệt là ở nông thôn. Nhưng ngày nay, xã hội đã đổi thay, điều kiện sống đòi hỏi sự năng động và giản tiện, mô hình này ít nhiều đã không còn phù hợp nữa.

 

Phương Loan, Hoàn Kiếm, tỏ ra rất ghen tỵ khi gia đình chị bạn cùng phòng chỉ có hai vợ chồng và một đứa con. Loan rên rỉ với bạn: "Như mày sướng quá, muốn đi đâu thì đi, ăn gì thì ăn, đi làm về mệt quá thì nằm, một bữa bánh mì cũng chả chết ai, đâu như thân tao "một cổ mấy tròng!".

 

Quả thật, ở trong một ngôi nhà có nhiều thế hệ là nỗi mệt mỏi của các nàng dâu, nhất lại là như gia đình chồng Loan, mỗi người một tính.

 

Sáng sớm, chị đã phải dậy chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà, phơi quần áo trong máy giặt từ tối hôm trước. Chồng chị cũng thương vợ vất vả nên bảo thôi để anh đi ăn ngoài. Nhưng hai đứa con thì thường xuyên phải đổi bữa để đủ chất và ăn cho đỡ ngán: mì bò rau cải, bánh mì ốp la… Mẹ chồng thích ăn bánh cuốn, bố chồng chỉ thích cháo đỗ xanh ăn cùng đậu phụ rán. Lại thêm một cô em chồng thường xuyên dậy muộn.

 

Ngày nào Loan cũng dậy từ 6h sáng, tất tả ra chợ rồi lại về nhà nấu nướng, đến lúc dắt được xe ra đường thì đã gần 8h, phóng bạt mạng trên đường sợ trễ giờ làm, công ty quẹt thẻ, đến muộn là trừ lương, cắt thưởng. Chiều về lại lặp lại chợ búa nấu nướng dọn dẹp, nhiều lúc về mệt muốn nằm nghỉ một tí cũng không được. Tối trước khi lên giường ngủ, Loan còn phải nấu sẵn nồi cháo cho bố chồng để sáng mai ông có cái ăn sớm. Chuyện tụ tập bạn bè "đập phá" đã trở nên quá xa vời.

 

Tuy nhiên, ở chung với ông bà không phải là không có lợi. Ngoài những bất tiện của việc sinh hoạt hàng ngày, việc lưu giữ những giá trị và truyền thống của gia đình và dạy bảo con cháu là những “ưu điểm” không thể phủ nhận.

 

Chị Cẩm Tú, 35 tuổi, Bách Khoa, kể: “Tôi cũng là giảng viên Đại học nhưng việc học hành của hai cháu đều nhờ vào ông bà nội. Ông bà hiểu tâm lý cháu, là giáo viên từ thời trước nên cẩn thận chu đáo, dạy cháu biết suy nghĩ tư duy tiếp cận vấn đề chứ không chỉ học vẹt. Nhìn ông bà rèn cặp cháu, tôi thấy ngay bản thân mình còn phải học ông bà nhiều”.

 

Chị kể tiếp: “Tôi thường phải đi dạy xa và tham gia dự án nghiên cứu. Ông bà luôn đưa đón cháu lúc đi học vì bố cháu hay làm về muộn. Việc nhà thì mình cố một chút, hay thuê giúp việc cũng được, nhưng những thứ mà ông bà mang lại cho cháu thì 10 người giúp việc cũng không làm được. Tôi thấy may mắn vì được sống cùng ông bà”.

 

Trong những gia đình tam tứ đại đồng đường, trẻ em được giao tiếp nhiều và được chăm sóc, yêu chiều hơn. Nhưng cũng có nhiều bà mẹ trẻ phàn nàn là con cậy ông bà bênh rồi sinh hư, rồi mâu thuẫn con dâu mẹ chồng trong việc chăm sóc trẻ. Vì thế nên xu hướng hiện nay thường là các cặp vợ chồng trẻ muốn ra ở riêng cho độc lập.

 

Dẫu vậy, hiện nay nhiều “gia đình lớn” vẫn tồn tại. Đầu tiên phải kể đến lý do kinh tế. Phương, 23 tuổi, kỹ sư cầu đường, kể chuyện: “Cũng muốn ra riêng cho thoải mái, nhưng ông bà hai bên đều là cán bộ về hưu, không có điều kiện giúp đỡ, vợ chồng lại mới ra trường, thu nhập chỉ đủ tiêu và tích cóp chút ít. Thuê nhà ở thì cũng nhiêu khê không ổn định, nên bọn em cứ xác định ở vài năm với ông bà, làm ăn khá giả hơn thì tính tiếp”.

 

Đối với nhiều gia đình, vì ít con hay cha mẹ già yếu, nên mặc dù có điều kiện kinh tế, con cái kết hôn rồi vẫn ở cùng cha mẹ. Hoặc cũng có một vài nhà muốn cố gắng giữ lại nề nếp xưa, cháu con cùng tụ họp dưới một mái nhà.

 

Tuy nhiên, trong tương lai, xu hướng gia đình hạt nhân (nuclear family - chỉ có cha mẹ và 1 đến 2 con) sẽ chiếm lĩnh vì phù hợp với lối sống hiện đại, đô thị hoá và ngày càng đề cao giá trị cá nhân.

 

Song dù ở chung hay riêng, việc gìn giữ mối quan hệ huyết thống trong đại gia đình vẫn luôn luôn phải được coi trọng và nâng niu.

 

Chị Vân Hương, kiến trúc sư, tâm sự: “Mình nhớ ngày bé, được ở cùng ông bà nội thích lắm. Buổi sáng theo bà ra chợ, chiều về ông dạy học bài, kể chuyện bố mẹ ngày nhỏ, rồi trồng cây, tưới hoa. Mình yêu thích cây cỏ cũng từ ngày ấy. Buổi tối mình lại ngủ với bà, mùa hè nửa đêm thức dậy vẫn thấy bà quạt cho cháu…”.

 

Chị rơm rớm, rồi nói tiếp: “Giờ mình có con, cũng vẫn muốn ở cùng bố mẹ để các cháu được hưởng sự đầm ấm yêu thương của tình bà cháu, như mình ngày xưa…”. 

 

Hạnh Chi