Don Juan và thú “sưu tập” gái trinh

Hoàng Sơn chưa từng gặp rủi ro nào trong “sự nghiệp” cưa gái khi “bộ sưu tập” trinh nữ qua tay đã đến con số chục. Nhưng sự cố mới đây đã khiến chàng ôm hận…

Don Juan và thú “sưu tập” gái trinh - 1


 
Sơn 29 tuổi, không đẹp trai, không giàu, nhưng chẳng bao giờ thất bại trong việc chinh phục phái yếu. Lạ một điều, “danh tiếng” của anh đã nổi như cồn từ khi mới chân ướt chân ráo vào ĐHXD, nhưng không cô gái nào được Sơn chọn lại mảy may nghi ngờ anh.

 

Tất cả họ khi được bạn rỉ tai đừng dính đến con người có tiếng Sở Khanh đó, đều lắc đầu: “Những điều cậu nói, tớ nghe nhiều rồi, nhưng không đúng đâu. Anh ấy ngố lắm, thậm chí chẳng biết tán nữa”. Càng bị dèm pha, họ càng thấy mình thật cao thượng và mạnh mẽ khi dám gắn bó với anh chàng tội nghiệp bị thiên hạ hiểu lầm. Họ hiến sự trinh trắng cho Sơn như bằng chứng của tình yêu và lòng tin.

 

Sơn thường mất vài tháng để đưa một cô gái lên giường nhưng không bao giờ “lưu” cô ta quá một tháng sau khi đã “tỏ đường đi lối về”. Các cuộc chia tay đều êm thấm bởi anh biết đưa ra lý do “ru ngủ” lòng tự ái của các cô: “Anh còn gánh nặng gia đình ở quê, trong tay chưa có gì. Anh đau lòng lắm, nhưng vẫn phải để em đi”, hoặc: “Anh không xứng với em, yêu anh em sẽ khổ. Nếu không yêu và trân trọng em đến thế, anh sẽ không đủ dũng khí để giải phóng cho em”.

 

Các cô nói sẵn sàng đồng cam cộng khổ với anh, nhưng Sơn kiên quyết chia tay với vẻ mặt của kẻ tử vì đạo. Vì thế, ban đầu nhiều cô không hề biết mình bị rũ bỏ, về sau biết thì đã muộn. Có cô nghĩ cứ đồng ý chia tay, đợi ít hôm anh ấy tĩnh trí lại sẽ đâu vào đấy. Và khi đến tìm, thấy vị trí của mình đã được thay thế, cô mới tỉnh ngộ nhưng đành ngậm đắng nuốt cay.

 

Đến gần đây khi sắp sang tuổi băm, chuyện yêu đương của Sơn chẳng hề thay đổi. Anh luôn chọn các cô trẻ, ngoan, còn trinh, ít kinh nghiệm giao tiếp vì cho rằng họ dễ dụ, khi biết mình dại cũng đành chịu chứ không làm dữ. Anh được an toàn bởi sự khôn ngoan đó, cho đến ngày nhận được cú điện thoại gay gắt của bố, giục về quê ở Hà Nam ngay.

 

Về nhà, Sơn choáng người khi thấy Thuỷ, cô gái anh vừa “đá” mấy tuần trước. Thuỷ mắt sưng húp như mới khóc, cúi đầu không nói gì, còn bố anh bừng bừng sắc giận, ra lệnh cưới ngay trước khi bụng Thuỷ to lên, nếu không thì chẳng bố con gì nữa. Sợ uy bố, Sơn đành “chui đầu vào rọ”. 

 

Cưới được mấy tháng mà bụng Thuỷ chẳng to lên, hỏi thì cô bảo lần trước nhầm. Sơn biết mình hớ thì đã muộn. Điều anh thấy cay hơn cả là phương pháp chọn gái của mình đã thất bại thảm hại khi áp dụng với Thuỷ. Cô cũng có vẻ ngoài ngoan hiền nhưng không cam chịu bị rũ bỏ và im lặng “rút kinh nghiệm” như những cô gái kia.

 

Còn Khánh, một anh chàng sát gái quê ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, Hà Nội, cay đắng không để đâu cho hết khi hậu quả của tính đào hoa lại ập đến khi anh đã “rửa tay gác kiếm” để cưới cô gái đã trói được trái tim mình. Lễ ăn hỏi đã xong, thiệp cưới đang được in thì vị hôn thê dứt khoát từ hôn sau cuộc gặp với một “cố nhân” của Khánh. Cô gái này đã phải rời bỏ giảng đường để chờ sinh con bởi quá tin vào lời Khánh khi dụ cô “ăn trái cấm” rằng nếu có bầu sẽ cưới nhau. Đến khi Khánh khuyên phá thai, cô vẫn giữ với hy vọng anh nghĩ lại, cho đến khi thai quá lớn. 

 

“Em ạ, chị đã phải cho con của chị đi, giờ không biết nó ở đâu”, cô gái nói với vợ chưa cưới của Khánh. “Hồi ấy chị tự trách mình mãi, rằng nếu cứ phá thai thì anh ấy đã chẳng giận mà bỏ chị. Mãi sau chị mới hiểu, dù phá hay không, Khánh cũng bỏ chị, như từng bỏ rất nhiều cô gái khờ dại khác đã mất sự trong trắng về tay anh ta”.

 

Rồi cô đưa cho vị hôn thê của Khánh danh sách một số nạn nhân của anh, bảo nếu không tin thì đến tận nơi mà hỏi. Thế là dù cố đến mấy, Khánh cũng chẳng thể làm đám cưới diễn ra.

 

Nhiều người mỉa mai gọi loại sự cố mà Sơn và Khánh gặp phải do tính trăng hoa là “tai nạn nghề nghiệp”, bởi trong những kẻ thích “sưu tập gái trinh” như họ, không phải ai cũng gặp “hạn”. Nếu có, cái giá họ phải trả cũng không là gì so với nỗi khổ mà các cô gái gánh chịu.

 

Theo chuyên gia Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu, hôn nhân và gia đình, chính thực tế đó ở một xã hội còn có tàn dư tư tưởng phong kiến đã khiến nhiều thanh niên yên tâm làm Sở Khanh. Họ coi việc chinh phục các cô gái như một thú vui và niềm tự hào bởi nghĩ rằng là đàn ông, họ chỉ được chứ không mất.

 

“Thật sai lầm khi những anh chàng đó nghĩ mình cứ an tâm hưởng lợi chứ chẳng mất mát gì”, bà Hà nói. Thực tế tư vấn của bà cho thấy, nhiều người do tính Don Juan mà phải nhờ chuyên gia “chữa cháy” khi vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn, hoặc khi nạn nhân vì phẫn uất mà “phản pháo”, ảnh hưởng đến tình duyên hoặc sự nghiệp của họ.

 

Có những người không gặp sự cố nào nhưng đến một lúc nào đó vẫn nhận ra mình mất mát rất nhiều, như trường hợp của Thạch, 36 tuổi, một luật sư đang làm việc ở TPHCM.

 

Đẹp trai, hoạt ngôn, lại biết làm thơ, chơi nhạc, Thạch khiến các cô gái trẻ lãng mạn “chết” hàng loạt, rồi bị lãng quên sau vài tháng làm “nàng thơ” của anh. Thậm chí có cô vừa trao đời con gái cho Thạch tuần trước, tuần sau đã bị anh lờ đi. Bạn bè có trách, Thạch lại đổ cho tính nghệ sĩ của mình, rằng xúc động trước cái đẹp là điều khó tránh và khi hết rung động thì cũng không thể bắt tội trái tim.

 

Nhưng vài năm nay, Thạch đã chán chuyện cưa cẩm. Ở tuổi 36, anh muốn có một tình yêu thực sự làm bến đỗ cuộc đời, nhưng không rung động nổi trước một ai. “Có lẽ thời trẻ, tôi đã phung phí hết cảm xúc của mình rồi”, anh tâm sự, “vả lại việc chinh phục quá dễ dàng khiến tôi không tin nổi phụ nữ”. Thạch không ngờ rằng tính phong tình của mình không chỉ làm tan nát trái tim các cô gái, mà cuối cùng còn gây chán chường cho chính bản thân anh.

 

Theo Đất Việt