Góc tâm hồn
Đổi thay
(Dân trí) - Chị học đại học xa nhà, một năm chỉ về vào dịp Tết và nghỉ hè. Hè chị về cũng là thời điểm ngày mùa đang rộ, chị phụ giúp mẹ việc đồng. Bố làm nghề, mình mẹ cần mẫn với 7 sào ruộng, mùa này qua mùa khác.
Mẹ hãnh diện lắm khi chị ra đồng gặt lúa cùng mẹ, bà con tấm tắc khen “Cô Hoan có con gái đại học về làm đồng với mẹ đấy à. Đã giỏi lại có hiếu”. Có cô nói thêm vào “Đấy, cứ bảo vợ chồng cô Hoan chiều con thì chúng nó hư, hư như con nhà đấy thì ai chả muốn”.
Em cũng rất vui, vì tối tối có chị hướng dẫn làm bài tập. Thấy chị gầy, bố mẹ xót ruột: “Bố mẹ gửi tiền mà thiếu thì bảo bố mẹ gửi thêm. Nhà mình nghèo nhưng bố mẹ vẫn lo được cho con đầy đủ, không phải tiết kiệm quá, con nhé.” Chị vui vẻ “Từng ấy tiền là con đủ sống rồi, con vẫn là đứa giàu nhất xóm trọ đấy”.
Mùa hè thứ 3 chị về, mẹ chỉ còn cấy 4 sào. Mẹ bảo chị ở nhà, có ít ruộng, mình mẹ làm cũng xong, ruộng chua chị đi gặt về lại vàng hết móng tay móng chân. Chị ôm mẹ: “Con được ăn học cũng nhờ ruộng chua ruộng cạn, bẩn tay bẩn chân thì có làm sao đâu”. Mẹ hạnh phúc lắm. Những buổi chiều rê thóc trên sân thượng, 2 chị em bốc từng nắm mùn thóc ném vào người nhau, bẩn nhem, ngứa ran, rồi ha hả cười. Những ngày mùa nóng nực, bận rộn, nhưng nhà mình lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười.
Chị ra trường với tấm bằng loại giỏi, được nhận làm ở một công ty lớn, cách nhà mình 50 cây số. Bố mẹ vui lắm, hãnh diện lắm, vì chị đã thành tài, lại làm việc gần nhà, không còn xa cách đằng đẵng như trước kia.
Bố bảo chị: “Bây giờ con có công có việc của con, cuối tuần con về nhà nghỉ ngơi, cả nhà quây quần là được rồi. Việc nhà mình thì làm không bao giờ hết, nhưng bố mẹ tự làm được, con không phải động chân động tay vào việc gì cả”.
Lương của chị tăng theo từng quý. Số tiền mỗi tháng chị đưa mẹ bằng cả năm trước kia bố mẹ gửi cho chị. Mỗi lần nhận tiền của chị, bố mẹ lại cất cẩn thận, có lấy ra tiêu vào việc gì, mấy hôm sau bố mẹ lại bù vào không thiếu một xu. Mẹ bảo “tiền này là mồ hôi công sức của chị, bố mẹ giữ hộ chị để sau này chị lấy chồng, còn có vốn”. Thế nên dù không phải nuôi chị học đại học, gánh nặng trên vai bố mẹ đã bớt đi nhiều, nhưng bữa cơm hàng ngày vẫn không khác mấy so với trước kia. Bố mẹ vẫn tích cóp từng đồng, từng đồng để chuẩn bị cho em vào cấp 3.
Ngày mùa cuối tuần oi ả, mây đen từ đâu kéo đến. Bố mẹ buông bát cơm ăn dở, ào lên sân thượng chạy thóc. Mẹ gọi với xuống “Út ơi mang cho mẹ cái thúng ở nhà kho lên đây”. Em giục chị: “Chị lấy thúng mang lên cho mẹ đi”. Chị vùng vằng: “Tao vừa làm tóc xong, chiều sang công ty, lên đấy mùn thóc bám vào hỏng hết à”. Rồi có lẽ mẹ nhớ ra em đang bị gãy chân, liền chạy xuống nhà, và nghe được câu chuyện của em và chị…
Đêm đó, em nghe tiếng mẹ khóc, tiếng bố thở dài trằn trọc. Có phải bố mẹ quá nuông chiều hai chị em, quá tôn trọng quyền tự do cá nhân của chị, mà giờ đây, chị sợ thứ mùn mà chị em mình đã quen từ lúc lọt lòng?
Róm còm