Kiến thức giới tính

Dị ứng với “tinh binh” của chồng

Cứ mỗi lần được chồng “yêu”, chị Hòa ở Hoàng Mai, Hà Nội lại cảm thấy ngứa, nóng rát. Nhiều khi chị phải bỏ cuộc khi chồng đang "lên đỉnh" khiến anh mất hứng, giận dỗi.

Ngại ngùng chẳng khác gì nam giới khi có vấn đề về chỗ kín, nhiều phụ nữ dị ứng với tinh trùng của chồng chỉ biết cắn răng chịu đựng mà không biết mình có thể gặp họa vì căn bệnh lạ đời này.

 

Đầu hàng khi vừa "khai cuộc"

 

Theo các bác sĩ ở khoa sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Những phụ nữ chờ đến khi “lên đỉnh” mới bỏ cuộc vẫn còn may mắn vì ít nhiều họ cũng mang lại cảm giác hạnh phúc cho chồng. Thực tế, có không ít chị đầu hàng ngay từ khi mới bắt đầu vào cuộc.

 

Chị Bình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sau 5 năm mới biết chính xác bệnh của mình, đang chờ khám lại ở khoa sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ: “Trước đây, tôi tiêu tốn nhiều tiền cho bệnh nấm. Vợ chồng yêu thương nhau nhưng lại thường xuyên trục trặc vì 'bệnh khó nói' này".

 

Khi đi khám, chị được bác sĩ lúc thì chẩn đoán là bị nấm âm đạo, khi lại là bệnh lây truyền qua đường tình dục hay vòm âm đạo không đủ rộng để “cậu nhỏ” lọt vào... Sau hai tháng được điều trị đúng bệnh, giờ chị không còn cảm giác ngứa nữa.

 

Chị Yến, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá làm nông nghiệp cũng lặn lội ra tận Bệnh viện Phụ sản Trung Ương vì căn bệnh khó nói này. Từ lúc lấy chồng, chị bắt đầu biết đến cảm giác khó chịu. Nhiều lần càng cố chịu đựng để chiều chồng thì chị càng thấy nóng rát không chịu nổi. Chồng chị không hiểu nên sinh ra lục đục. "Có lúc chán quá, tôi đã phải đi 'thử' với người khác để tìm hiểu thêm về bệnh của mình nhưng với họ lại hoàn toàn bình thường", chị Yến kể.

 

Khi niềm sung sướng trở thành nỗi đày ải

 

Bà Phạm Thị Vui, chuyên gia tư vấn Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tình dục phân tích: Dị ứng với tinh dịch của chồng là căn bệnh hiếm gặp nhưng số phụ nữ bị mắc sẽ phải chịu những cảm giác rất khó chịu và không được tận hưởng xúc cảm yêu đương. Vì sau khi tiếp xúc với các “tinh binh” niêm mạc âm đạo sẽ bị đỏ lên, kèm theo ngứa và sưng nề, có khi phát ban, có người còn cảm nhận thấy như có ngàn mũi kim đâm vào cùng lúc và rất khó thở.

 

Nguyên nhân của hiện tượng này là do tinh binh của các quý ông có chứa nhiều loại protein, enzyme và khi xuất tinh có thể đưa các chất lạ vào cơ thể của người phụ nữ. Với những chị em có cơ thể nhạy cảm với các chất này có thể gây dị ứng. Người bị nặng còn không thụ thai được.

 

Cũng theo bà Vui, với một số người, phản ứng toàn thân có thể dẫn tới rối loạn ở hệ hô hấp, nổi ban trên da và phù nề phần mô mềm. Trong một số rất ít trường hợp, phụ nữ có khi còn bị trụy mạch hay sốc phản vệ, nhưng sau đó lại bình phục. Khi thấy người bị bệnh này nếu thầy thuốc không thật sắc sảo và chú ý khai thác kỹ tiền sử, bệnh có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm.

 

Bệnh này thường bị nhầm với các bệnh nấm âm đạo và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thậm chí một số người còn được bác sĩ trả lời là vòm âm đạo của họ không đủ rộng để “cậu nhỏ” của chồng lọt vào hay âm đạo khô và cần dùng các dung dịch bôi trơn.

 

Theo lời khuyên của ông Nguyễn Viết Tiến, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Khi có hiện tượng lạ trong việc gần gũi với chồng, phụ nữ nên đến phòng khám phụ khoa ngay.

 

Còn các ông chồng nên uống nhiều nước trước và trong khi “ân ái” vì tình trạng thiếu nước có thể làm tăng nồng độ của tinh dịch và khiến độ axit cao. Nếu xảy ra rắc rối, quý ông cần mặc “áo mưa” trước khi vào cuộc để tránh phiền toái và chờ xem liệu phương pháp này có giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng bệnh ở vợ không. Sau khi thực hiện tất cả những điều nói trên mà tình trạng bất thường vẫn tồn tại thì cả hai cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.

 

Theo các chuyên gia trong ngành cách điều trị loại dị ứng này là giải mẫn cảm cho chị em (tiêm cho họ thuốc chứa thành phần gây dị ứng) để họ không còn dị ứng với các tinh binh của chồng nữa.

 

Các bước điều trị như sau:

 

- Lấy tinh dịch của người chồng sau khi "xuất quân“ rồi tách riêng các loại protein lớn và nhỏ.

 

- Làm thử nghiệm trên da của người vợ để xác định những loại protein gây dị ứng rồi giải mẫn cảm cho chị em đối với những protein này.

 

- Cứ 10-15 phút một lần lại tiêm cho người vợ một lượng dịch chứa thành phần protein gây dị ứng với nồng độ tăng dần. Bước này thường kéo dài vài giờ.

 

- Sau khi việc giải mẫn cảm đã hoàn thành, các bác sĩ sẽ bơm “quân” của chồng vào vợ. Nếu người vợ không có biểu hiện gì thì việc điều trị đã thành công.

 

Tuy nhiên, cách điều trị này khá phức tạp và rất tốn kém.

 

Theo Gia Đình