Góc tâm hồn

Đi qua cánh đồng

(Dân trí) - Mỗi lần đi qua cánh đồng, anh nghe bốn mùa theo đó chậm rãi vắt mình trên biển lúa. Nghe tiếng ru hời từ nhà nào bên xóm: “À ơi, mẹ thương con ra cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên núi Vọng Phu”…

Có nhiều người giống như anh, lớn lên trên những cánh đồng, sau rồi bởi tháng năm và xa cách nên đôi lúc quên mất bông lúa trổ đòng ra sao, mạ non thơm ngái thế nào. Cứ như bạn cũ, chỉ khi gặp lại, nhận ra nhau rồi mới bồi hồi xúc động vì bao ký ức vùng trời tuổi thơ.
 
Đi qua cánh đồng


 

Anh nhớ những chiều chân đất, ngồi trên triền đê chơi đá gà bằng cọng cỏ, cánh đồng phía trước xa xăm tít tắp cho đến tận chân trời. Nơi lưng chừng núi, đoàn tàu mỗi lần ngang qua lại rít lên từng hồi như bản nhạc rộn rã trộn lẫn vào thanh âm đang rất đỗi yên bình. Cánh đồng được những người chân chất gọi theo cách dễ nhớ là “đồng nhất” và “đồng nhì”. Anh là con nhà nông, vạt ruộng nhà anh được cấp từ mấy đời trước. Cũng như tất thảy các bậc cha mẹ khác, ba mẹ anh luôn mong muốn con cái thoát khỏi nghiệp nhà nông của mình. Từ nhỏ, anh đã quen với việc đồng áng, quen với rơm vàng, thóc vãi, rạ khô, càng lớn càng thấy xót xa với từng hình ảnh ấy.

 

Sáng sớm khi chú gà trống vừa cất tiếng gáy, mấy mệ đã lục đục dậy nhen bếp nấu ấm nước chè. Người ta đi ra đồng cứ như đi theo năm tháng đã định sẵn. Này thì hôm nay ra đồng gieo sạ, hôm kia nhổ cỏ, hôm khác phun thuốc rồi thì gặt, sau rồi lại gieo.

 

Anh nhớ cả mùi lúa non ngọt ngào như thể thứ nước cơm mà chị cả mỗi khi đợi cơm sôi, thường chắt nước rồi pha đường cho mấy đứa em uống. Ngọt ngào, đằm thắm là thế, nhưng chẳng ai muốn gắn bó tha thiết với nơi mình đã lớn lên, khi ăn bữa trưa vừa xong đã thấp thỏm mà lo bữa tối.

 

Anh vào đại học, vẫy tay chào những cánh đồng lúa khắp nẻo đường ngang qua rồi chập chững làm quen với thành phố ồn ã, xô bồ. Hôm đầu tiên lên phố, cứ thao thức mải miết vì những ánh đèn vàng, những ngôi nhà cao tầng che hết cả trời sao. Gió ở phố mang theo nhiều bụi bặm, tạp nham chứ chẳng trong lành thanh mát như ở quê. Thao thức đôi chút rồi thôi, con người ta cần quen, cần thích nghi mới có thể sống.

 

Anh ra trường, ngoái đầu về quê phân vân chốn lập nghiệp. Vì đời vốn nhiều lẽ, nên lại cấp tập mà ở lại phố, cũng nhà trọ nơi này nơi kia để gửi tấm thân gầy.

 

Anh yêu quê mình lắm chứ, yêu cánh đồng trước mặt nhà, yêu cả những tảo tần mùa vụ. Song, bảo anh bỏ nghề đang làm, bỏ áo quần đẹp đẽ mà lội xuống ruộng, chân lấm tay bùn với nắng mưa thì anh không đủ can đảm và cũng chưa từng có ý định. Thế nên, đôi lúc bần thần, anh tự hỏi, không lẽ hết thời của ba mẹ anh, há dễ còn mấy ai làm nông dân. Thế hệ 8x, 9x như bọn anh, đâu ai thiết tha với ruộng đồng.

 

Khi còn trẻ, ta chẳng có điều gì để băn khoăn và lo lắng về năm tháng đi qua. Có chăng, ý niệm thời gian cùng lắm được đem ra suy xét mỗi khi gặp lại bạn cũ, người xưa. Đã khi nào anh chợt lo lắng, chợt xao lòng vì cái chuồng bò ở nhà đã thủng mái hay lúa năm nay mất mùa mà mình chưa về kịp.

 

Để rồi bôn ba nhiều năm, va vấp trái ngang ở đời, bỗng dưng lại muốn quay về, cúi gầm mặt mà nâng bông lúa chờ ngày ra hạt. Bão giông, mưa nắng của trời có lẽ cũng đắng đót, khổ cực như bão tố trở ngại ở đời chừng ấy. Cũng như chiều nay, khi trở lại thành phố được đôi ngày, anh nhớ cảm giác đi qua cánh đồng hôm nọ. Nhớ đêm nằm, nghe ếch kêu văng vẳng mà thấy lòng chộn rộn xôn xao. Chỉ ước giờ đang nằm trên cái chõng tre giữa sân, ngước mặt lên nhìn cả bầu trời và tìm ngôi sao lớn nhất. Hẳn là thoáng qua vậy thôi, cảm xúc ấy là dư âm về quê của những ngày Tết ít ỏi. Độ vài hôm, con người bận rộn trong anh lại bắt nhịp với sự năng động cần có nơi phố thị.  Ừ thì, cánh đồng vẫn nằm ở đó, như hôm nào anh đã đi qua.

 

Diệu Ái