Cú sốc nàng dâu Việt ở vùng quê Ấn Độ
Thấy con dâu nấu món thịt kho tàu, mẹ chồng chị Hương chạy lên sân thượng nôn thốc nôn tháo rồi vào phòng nằm khóc.
Chàng trai từ chối con gái tỷ phú, cưới cô gái không có hồi môn
Sau khi kết hôn, Lại Ngọc Lan Hương (quê gốc Hải Phòng) theo chồng về sống ở vùng ngoại ô Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ. Nơi này theo chị đánh giá là xa trung tâm, người dân còn tồn tại những tư tưởng lạc hậu. Trong đó có chuyện hôn nhân sắp đặt và con gái về làm dâu phải mang theo của hồi môn.
"Theo truyền thống của người Ấn Độ, những cô gái càng có nhiều của hồi môn thì càng có cơ hội lấy được chồng đẹp trai, học vị cao, công việc tốt, lương nhiều, gia đình khá giả, tầng lớp cao. Của hồi môn là nhà cửa, xe cộ, tiền… Khi về nhà chồng, cô dâu mang càng nhiều của hồi môn thì giá trị ở nhà chồng càng cao.
Ngày nay, hồi môn chỉ là còn là tượng trưng, nhưng vì nhà chồng của mình ở khu vực chưa phát triển, tư tưởng còn cũ nên nhiều người vẫn coi trọng vấn đề này", Lan Hương chia sẻ.
Trước khi lấy Lan Hương, Suraj được mai mối với con gái của một tỷ phú ở bang Bihar.
Họ hàng của Suraj đã nghĩ đây là một cơ hội tốt và gia đình Suraj có thể sẽ khá lên nhờ cuộc hôn nhân này. Thế nhưng là một người có tư tưởng tiến bộ, đã được đi công tác ở nhiều nước trên thế giới, Suraj kiên quyết từ chối hôn nhân sắp đặt.
Anh thậm chí còn tuyên bố sẽ không lấy vợ. Nhưng vừa đến TPHCM công tác và gặp chị Lan Hương được 2 tuần, chàng trai đã giới thiệu bạn gái với gia đình mình qua video. Sau đó, Suraj cưới vợ mà không nhận được món quà hồi môn nào từ phía nhà gái.
"Bọn mình lấy nhau vì tình yêu nên bên gia đình nhà trai kiên quyết không nhận hồi môn hay bất cứ món tiền nào từ nhà gái", Lan Hương cho biết. Tuy nhiên, điều này lại là cái cớ để nhiều người địa phương châm chọc, bàn tán về gia đình Suraj.
Những lần như vậy, mẹ chồng và các thành viên trong gia đình chồng đều lên tiếng bênh vực nàng dâu. Dẫu vậy, chị Lan Hương tâm sự, đôi khi chị cũng thấy tủi thân thay mẹ chồng vì con trai bị mang tiếng lụy tình, lấy vợ mà không lấy hồi môn, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chị bộc bạch, gia đình Suraj trước kia thuộc diện thương gia giàu có. Bố của Suraj là nhà phân phối phim ở bang Bihar nhưng sau khi bố anh - trụ cột duy nhất trong nhà mất năm anh đang học lớp 12 thì kinh tế gia đình đi xuống. Bây giờ, gia đình Suraj thuộc diện trung bình thấp ở Kolkata. Cả nhà chỉ có Suraj là lao động trụ cột.
Cú sốc khi làm dâu
Về làm dâu, Lan Hương được chồng chiều chuộng, mẹ chồng và các chị em chồng yêu mến nhưng vì khác biệt tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ nên nhiều lúc chị cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Nàng dâu Việt kể, mẹ của Suraj là một người ăn chay trường. Trước kia, trong gia đình, không ai được mang thịt, cá, tôm về nhà. Thế nhưng, kể từ khi có vợ, Suraj thỉnh thoảng lại mua đồ ăn mặn.
"Có lần mình nấu món thịt kho tàu, mùi thịt bốc lên, mẹ chồng mình chạy lên sân thượng nôn thốc nôn tháo rồi về phòng khóc. Nhiều lần khác, chỉ cần thấy chồng mình mua gà mua thịt về là bà vào phòng khóc. Chồng mình lại phải dỗ", chị nói.
Chị Lan Hương có sở thích nuôi mèo từ nhỏ nên khi về nhà chồng chị cũng nhận nuôi 1 con. Thế nhưng, mẹ chồng sợ mèo mang đến điều xúi quẩy, bà yêu cầu chị cho con mèo đi. Lan Hương cảm thấy rất tiếc nếu phải làm điều đó nên "cầu cứu" chồng và chị chồng.
"Mình nói chuyện với chồng, viết một bức thư dài cho chị chồng và cũng nói về dự định sẽ cho mèo đi theo ý mẹ, nhưng cả hai đều khuyên mình cứ giữ lại. Chồng mình bảo, mình đã bỏ tất cả ở Việt Nam để sang xứ lạ, có nuôi mèo là thói quen từ bé, nên muốn cho mình tìm được một chút thân quen", chị kể.
Kết quả, đến bây giờ một chú mèo vẫn đang sống trong nhà chị. Thậm chí, sở thích này của chị cũng đã "lây" sang chồng. Suraj còn có thể ôm mèo khi nằm ngủ.
Vì rào cản ngôn ngữ nên lúc mới cưới chị Lan Hương ít nói chuyện với mẹ chồng và họ hàng nhà chồng. Chị còn ăn khác món, khác giờ với cả nhà. Mẹ chồng chị không có ý kiến gì nhưng nhiều họ hàng biết chuyện tỏ ra không hài lòng.
"Thực ra tính mình ít nói, mọi người thấy mình có vẻ khó gần. Nhưng nếu có gì tâm sự thì mình vẫn nói chuyện với em chồng. Dù trông lạnh lùng nhưng mình vẫn để ý, quan tâm những gì đang xảy ra ở nhà. Chồng mình hiểu điều đó nên anh dành rất nhiều thời gian để nói cho mẹ hiểu về khác biệt giữa hai bên.
Ngược lại anh cũng nói để mình hiểu những gì mình nên làm để lấy lòng và cảm hóa, xoa dịu nhà chồng. Vì vậy, cuộc sống của mình ở nhà chồng ngày càng hòa hợp hơn".
Tuy vậy, sau khi sinh con, có một vài phong tục ở địa phương lại khiến chị thấy lạ lẫm.
Chị Lan Hương kể tiếp: "Khi đón em bé từ bệnh viện về nhà, mẹ chồng mình mặc cho bé một bộ đồ mới rồi làm lễ nhập trạch, chào thần linh. Bộ đồ sau đó được mẹ cất đi và không bao giờ được mặc lại nữa. Ở Việt Nam, mỗi khi cho trẻ ra ngoài mọi người thường bôi son đỏ lên trán, còn ở Ấn Độ khi đi ra ngoài là bôi đen".
Em bé mới sinh ra thỉnh thoảng quấy, mẹ chồng chị lại đốt ớt, xua tà khí hoặc tung hứng bé. Chị Lan Hương thấy lo lắng và không đồng ý nên đã nói chuyện với chồng để chồng góp ý với mẹ. Đến hiện tại, những việc như vậy đã không còn lặp lại.
Nhưng có một điều bức xúc mà chị Lan Hương buộc phải nghe theo vì đó là phong tục ở địa phương - nơi gia đình chị sống.
Chị kể, "khi em bé được 4 tháng tuổi, có một nhóm người đến nhà đòi quà do mình sinh con trai. Lúc đầu họ đòi 51 nghìn rupee, sau khi yêu cầu giảm, họ đòi 11 nghìn rupee (3,3 triệu đồng) và gạo, khoai, đậu đỗ, dầu ăn… Mình rất bức xúc nhưng khi biết đó là tục lệ ở địa phương, công an cho phép họ làm như vậy, mình đành chịu".
Ngoài việc đó ra, mỗi ngày trôi qua, chị Hương đều có thêm những trải nghiệm mà chị cho rằng rất thú vị khi sống ở vùng ngoại ô Ấn Độ. Quan trọng hơn, chị thấy rất hài lòng về cuộc sống hiện tại bên chồng và con trai vừa tròn 1 tuổi của mình.