Chuyện vợ chồng son

(Dân trí) - Yêu nhau 3 năm, ra trường, Thành và Hạnh tổ chức lễ cưới. Bố mẹ đã chuẩn bị cho họ một căn nhà thật xinh đẹp, đầm ấm cho cuộc sống mới. Nhưng rồi sau đám cưới 5 tháng, cuộc sống chung thiêng liêng của đôi trẻ vẫn bất ổn.

Ngôi nhà chỉ như chỗ trọ chung của hai vợ chồng. 8 giờ sáng, họ rời nhà, mỗi người một ngả. Chiều tối, chồng về muộn, vợ về sớm và ngược lại là bài ca triền miên. Cũng có bữa Hạnh cặm cụi làm cơm tối cho chồng nhưng hôm thì đồ ăn nấu quá dở, cả hai lại cùng đi ăm tiệm; hôm thì chờ mãi không thấy chồng đâu, cô ngủ gục lúc nào không biết.

 

Cả hai không thể và cũng chưa có ý định bỏ những nếp sinh hoạt thời “tự do” của mình. Nàng thì bạn bè, mua sắm sau giờ làm. Chàng thì la cà quán nước, sân banh… Và ngôi nhà cứ lạnh tanh, thiếu hơi người, thiếu tình yêu và thiếu cuộc sống gia đình.

 

Ngược lại với đôi trẻ, Quốc và Quyên không còn trẻ, cả hai đã ở độ tuổi “băm”. Họ mải mê theo đuổi công danh, sự nghiệp riêng nên khi bố mẹ giục giã tìm người yêu, họ tìm đến nhau như là “duyên số định sẵn”. Quốc là người đàn ông chân thành, trung thực, bản lĩnh. Quyên là người phụ nữ biết điều, khéo cư xử nên bố mẹ Quốc rất ưng ý cách chọn bạn đời của con trai.

 

Song từ khi về sống chung, không mấy khi hai vợ chồng có được buổi tối trọn vẹn riêng tư, chỉ vợ với chồng. Công việc buộc cả hai có rất nhiều bạn, bạn nối khố cũng có mà bạn làm ăn cũng lắm. Và ngôi nhà trở thành nơi gặp gỡ thân mật, hữu hiệu cho những hợp đồng, những mối làm ăn. Cả hai thường xuyên mời cơm bạn hàng, thậm chí cả bạn khác giới, tại nhà mình. Và họ đã làm cho bạn đời không ít lần khó chịu, ghen tức.

 

Cả Thành và Hạnh, Quốc và Quyên đều thật sự lúng túng với cuộc sống vợ chồng. Cuộc sống chung có những nguyên tắc mà hai thành viên phải biết lúc nào cần tạm quên cái tôi của mình để hoà hợp với bạn đời cả. Các nhà tâm lý đã đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng mới cưới như sau:

 

Mối quan tâm hàng đầu là gia đình

 

Người đã thành hôn đương nhiên không còn tự do như lúc còn đơn thân, đòi hỏi cùng làm bạn, cùng tạo nên không khí gia đình. Đối với một số cuộc tiếp đãi không cần thiết thì có thể từ chối. Hoạt động cá nhân tất yếu là không thể tránh khỏi, nếu cần thiết phải đi đâu thì nên đi cả hai vợ chồng để tỏ rõ sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.

 

Thận trọng trong quan hệ với người khác giới

 

Đa số thanh niên đều có ít nhất một lần yêu rồi mới quyết định đối tượng kết hôn. Giữ một quan hệ chừng mực với người yêu cũ. Thành gia thất thì không nên có bạn khác giới thân mật như trước đây, để tránh xảy ra những phiền hà nảy sinh.

 

Xây dựng lòng tin, tránh nghi ngờ không căn cứ

 

Cuộc sống chung vợ chồng sau khi cưới có thể vì công việc mà về muộn một chút hoặc tiếp khách ở ngoài, lúc đó không nên can thiệp quá nhiều vào cộng việc của bạn đời, càng không thể hồ nghi vô căn cứ. Hoài nghi có thể làm tổn hại đến tình cảm vợ chồng.

 

Không có ai hoàn hảo

 

Khi yêu nhau, thời gian ở bên nhau có hạn, đến khi chung sống có thể phát hiện rất nhiều nhược điểm và thiếu hụt ở bạn đời. Khi yêu, bạn có thể “lý tưởng hoá” người yêu, chỉ thấy ưu nhiều, nhược ít. Bây giờ có vấn đề cũng đừng trách mình nhầm lẫn mà phải đối diện với hiện thực, biết chấp nhận những cá tính riêng biệt.

 

Vợ chồng bình đẳng

 

Rất nhiều “tiền nhân” nói với “hậu bối” là phải quản chặt bạn đời trong thời kỳ tân hôn, chiếm cứ quyền chỉ huy gia đình và quyền phát ngôn. Thực ra, chủ nghĩa gia trưởng hay “vợ quản chặt” không phải là hình mẫu lý tưởng của một gia đình hoà hợp. Cùng tôn trọng và hiểu nhau, việc nhỏ tự quyết, việc lớn cùng bàn bạc thì mọi việc mới ấm êm, hạnh phúc.

 

Xử sự với mọi người

 

Cuộc sống gia đình mới sẽ làm gia tăng số bạn bè của cả hai người. Nên chân thành và khéo léo trong cư xử với bạn của vợ hoặc chồng mình. Nên đối xử với cha mẹ hai bên công bằng như nhau và sống thân mật, tử tế với hàng xóm láng giềng.

 

Thái Anh