Cái giá của sự tò mò

(Dân trí) - Phụ nữ nếu muốn hạnh phúc và yên ổn có lẽ nên học cách tiết chế trí tò mò và bớt đa nghi.

 

Cái giá của sự tò mò - 1

Tôi từng đánh mất người tôi yêu rất nhiều chỉ vì đã quá tò mò săm soi cuộc sống riêng tư của anh. Thuở đang yêu chúng tôi thường xuyên “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” bởi tôi hay kiểm tra tin nhắn, hòm mail riêng của anh. Anh bực vì tôi kiểm soát thái quá. Tôi coi đó là hành động rất bình thường giữa những người yêu nhau, nếu không có gì mờ ám việc gì anh phải giấu. Còn anh cho rằng tôi thiếu tôn trọng và tin tưởng anh.

Mọi chuyện sẽ chẳng quá phức tạp nếu chỉ dừng lại ở đó. Dù hơi khó chịu, anh vẫn chấp nhận để tôi mở các tin nhắn của anh ra “đọc cho vui”. Tuy nhiên tôi ngoài tò mò còn đa nghi và ghen tuông. Cách xưng hô hơi thân mật hoặc gọi theo biệt danh đối với những cô bạn bạn thân của anh tôi đều quy chụp là đôi bên có tình ý. Thỉnh thoảng thấy anh nhắn tin than đang ốm hay vào kêu đói với một cô bạn lâu năm, tôi lại lồng lên tra hỏi tại sao đã có người yêu còn đi tâm sự với đứa con gái khác.

Chúng tôi vì thế mà cứ dăm bữa nửa tháng lại chiến tranh lạnh một đợt. Anh cố giải thích rằng nếu anh có ý ngoại tình đã không để lại tin nhắn cho tôi đọc. Tôi lại thần hồn nát thần tính nghĩ có lẽ loạt tin nhắn và thư điện tử quan trọng anh đã xóa hết, chỉ còn lại những mẩu tin không thể làm bằng chứng buộc tội à ơi với cô khác. Tôi và anh cứ hục hặc mãi thế nhưng vẫn ngày một yêu nhau hơn. Tôi nũng nịu, ghen tuông vô cớ, anh cố chiều chuộng, xoa dịu làm tôi nguôi giận.

Cho đến một ngày “tức nước vỡ bờ”, tôi quá ghen và anh quá giận, chúng tôi không còn là của nhau. Hôm ấy trong một lần đến nhà anh nấu nướng, lúc tôi dọn cơm, anh có việc phải sang cơ quan gấp. Để giết thời gian trong lúc đợi cơm anh, tôi tò mò lục lọi căn hộ. Tình cờ tôi phát hiện ra một xấp thư cất kỹ trong ngăn tủ quần áo. Là những lá thư từ mối tình đầu kéo dài 5 năm.

Đối với tôi, việc đó kinh khủng không khác gì phát hiện anh ngoại tình. Tôi vốn dị ứng với chuyện tình cũ của anh, vẫn thường xuyên ghen tị với quá khứ giữa anh và cô ta. Anh đã trấn an tôi rằng đó là thứ tình cảm bồng bột ngày trẻ, thề thốt rằng anh giờ vô cảm với con người đó. Nhưng hóa ra anh đã nói dối, nếu không còn là gì của nhau, tại sao anh còn lưu giữ những dòng thư mật ngọt người ấy từng gửi. Tôi tưởng tượng đến cảnh anh thỉnh thoảng mở thư ra ôn lại kỷ niệm hay hằng đêm nhớ nhung người yêu cũ giờ đã đi lấy chồng mà máu ghen sôi sùng sục.

Lúc anh trở về đã thấy tôi ngồi sụp dưới sàn úp mặt khóc nức nở giữa những lá thư tay bị xé vụn. Anh đến ôm chầm lấy tôi, rối rít xin lỗi. Tôi đẩy anh ra xa, chỉ trích anh lừa dối, phản bội, còn xúc phạm người yêu cũ của anh dù cô ta chẳng liên can gì. Tôi một mực đòi chia tay, anh xin tôi cơ hội sửa sai nhưng tôi vẫn không thôi xỉ vả anh. Cuối cùng anh lặng lẽ bỏ đi, để lại tôi giữa căn hộ trơ trọi. Tôi sau đó cũng rời khỏi nhà anh, đau đớn khóa cửa và ném  chiếc chìa khóa anh cắt thêm cho tôi vào thùng rác.

Sau một thời gian bình tâm suy nghĩ, tôi thấy mình hơi quá đáng, đã không tôn trọng quá khứ của anh. Những bức thư ấy anh trân trọng có lẽ chỉ vì đó là một phần tuổi trẻ, không phải vì còn thương nhớ người xưa. Tôi chủ động liên lạc nói lời xin lỗi nhưng anh bảo mọi thứ đã quá muộn, anh không quên được những lời lẽ tôi xúc phạm, hơn nữa anh đã quá mệt mỏi sau những cơn ghen vô cớ và thường xuyên của tôi rồi.

May

"Phụ nữ nếu muốn hạnh phúc và yên ổn nên học cách tiết chế trí tò mò và bớt đa nghi", bạn có cùng quan điểm như vậy? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn cùng chúng tôi về vấn đề này bằng cách "Gửi bình luận" bên dưới. Những quan điểm, ý kiến hay, có giá trị sẽ được chọn đăng thành bài viết trong chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng.

 

Cái giá của sự tò mò - 2