Cách nhanh nhất bạn dạy một đứa trẻ không tin vào bản thân nó là…

Huyền Anh

(Dân trí) - Tôi đang ngồi trong quán cà phê. Một gia đình ngồi ở bàn bên cạnh. Người cha khoảng 35 tuổi, con trai anh ta khoảng 4 tuổi, và có cả bà của cậu bé cùng ngồi. Họ gọi trà với bánh ngọt...

Những người lớn đang bận nói chuyện. Cậu bé bắt đầu uống trà nhưng cốc trà dường như quá nóng.

Cách nhanh nhất bạn dạy một đứa trẻ không tin vào bản thân nó là… - 1
Ảnh minh họa: Getty Images

Thằng bé cố gắng nhấm nháp một vài lần nhưng cuối cùng từ bỏ. Nó nói với người lớn: "Ui nóng quá!". Bố và bà không chú ý đến cậu bé. Nó nói một lần nữa, nói to hơn: "Trời! Nóng quá". Bà của cậu bé quay sang đầy cáu kỉnh: "Nóng đâu mà nóng, đừng bịa chuyện".

Người cha chạm vào cốc định làm gì đó nhưng người bà lại kéo người cha trở lại bằng một câu hỏi, và anh ta quay lại cuộc trò chuyện, không còn để ý đến con trai với vấn đề của cậu bé.

Cậu bé cố gắng thu hút sự chú ý một lần nữa. Người bà giận dữ nói: “Đủ rồi! Uống đi. Có nóng đâu. Uống đi còn về sớm” rồi lại quay sang nói chuyện với người cha. Cậu bé từ từ vừa thổi vừa uống trà, và quay sang ăn bánh ngọt. Cuối cùng, họ đứng dậy rời đi. Trên đường đi, bà ngoại mắng cậu bé: "Nếu con còn cư xử thế này lần sau ở nhà đấy nhé!”.

Thành thực mà nói, tôi thà không để tâm đến người bà. Chúng ta hãy chuyển sự chú ý sang cậu bé. Cậu bé đó học được điều gì từ tình huống này?

- Những vấn đề của nó không quan trọng, và nó cũng thế!

- Cậu bé không thể nói to về những vấn đề của mình.

- Cậu bé không thể yêu cầu giúp đỡ, sẽ bị la mắng hoặc bị bỏ qua. Nếu nó làm vậy, chỉ nhận kết quả tồi tệ hơn.

- Cậu bé không thể tin tưởng vào giác quan và cảm xúc của mình. Những người khác biết rõ hơn việc cậu nên cảm thấy thế nào trong một tình huống.

- “Những người thân yêu của mình có thể quay lưng lại với mình chỉ vì mình nói rằng mình cảm thấy tệ”.

- “Bố sẽ không bênh vực và bảo vệ mình”.

- “Bố yếu hơn bà nội. Không nghe bà sẽ ảnh hưởng đến bố trong tương lai”.

Danh sách trên chưa đầy đủ. Nhưng tôi nghĩ cũng đã đủ làm chúng ta lo lắng. Toàn bộ tình huống kéo dài trong khoảng 10 phút. Và tôi nghĩ nó được lặp lại theo nhiều cách khác nhau ở nhà, khi các thành viên trong gia đình giao tiếp với nhau. Cậu bé chỉ cần trải qua vài chục lần lặp đi lặp lại những điều đó, sẽ khắc sâu bài học này cho đến cuối đời.

Những đứa trẻ là sản phẩm của loại “giáo dục” này, khi lớn lên gặp các tình huống tương tự sẽ không nghe chính mình, không tin chính mình, làm theo người khác và giấu đi nhu cầu của bản thân.

Khi tôi cảm thấy tồi tệ trong một tình huống nhất định nào đó lúc giao tiếp với người khác, thì điều đó chỉ có nghĩa là: Tôi cảm thấy tệ.

Tôi sẽ theo cảm xúc của mình, tin tưởng vào cảm xúc của mình, và tự vệ bản thân bằng bất cứ cách nào cần thiết. Đây là hành động yêu bản thân. Tôi không phải nghĩ nhiều về việc tại sao người ta lại khiến tôi cảm thấy tồi tệ thế, hay cố gắng hiểu cho họ làm gì. Tôi không cần phải phân tích xem liệu họ có một tuổi thơ khó khăn và bị tổn thương tâm lý dẫn đến cho phép mình đối xử với người khác như vậy hay không. Họ phải nghĩ cho họ, và tôi chẳng có trách nhiệm gì với họ hết.

Nếu bạn biết cách bảo vệ bản thân và đặt ra ranh giới, điều đó sẽ củng cố sự phát triển lòng tự tôn của bạn. Tôn trọng bản thân, bạn sẽ có thể phát triển một số khả năng nhất định, chẳng hạn như nhìn mọi việc qua con mắt của người khác, nhìn thấu lý do của họ, không tức giận với họ, chấp nhận, và tha thứ cho họ, hoặc không tha thứ cho họ.

Nếu đi trên con đường này nhiều lần, cuối cùng bạn sẽ tìm thấy một loại trái cây kỳ diệu - đó là thái độ sống lành mạnh mà bất cứ ai cũng cần để được sống là chính mình, sống có ý nghĩa.