Ba đứa trẻ

(Dân trí) - Người ta bảo Luân “miệng còn hôi sữa” mà bày đặt lấy vợ. Cả khu phố nơi nhà Luân ở họ lời ra tiếng vào: “Không biết cu cậu có nuôi nổi vợ...”.

Cái tin Luân cưới với tuổi 18 được loan đi trong con hẻm vốn thường ngày tĩnh lặng. Nhất là mấy bà rỗi việc chiều chiều vác ghế ra hẻm ngồi buôn chuyện. Họ ngạc nhiên về cậu học trò mới tốt nghiệp còn chơi lêu lổng bỗng trở thành chú rể trong một lễ cưới khá linh đình. Xét về tuổi, về bề ngoài thì Luân vẫn còn là đứa trẻ không hơn không kém. “Thằng Khai con ông Hoàng cuối hẻm, năm nay gần 30 mà chưa vợ, nó còn ham học ham làm, thằng Luân thì không bù cho nó với”. Mấy bà hàng xóm bảo với nhau thế.

 

Mới vài tháng trước, cả xóm này còn thức giấc giữa đêm khuya bởi hai băng nhóm đánh nhau theo kiểu xã hội đen trong đó có thằng Luân tham gia, nghe nói nó là thằng đứng đầu và luôn khiêu khích các nhóm thanh niên khác. Nó ăn chơi, đi sớm về khuya, trốn học, nghiện games. Thế mà đùng một cái nhà ông Huỳnh lo việc cưới xin cho nó. Người ta đồn nó yêu con bé cũng lêu lổng, có bầu rồi buộc phải cưới. Người lại bảo ông Huỳnh cưới vợ cho nó để nó tu chí làm ăn.

 

Cưới xong vài tháng đã thấy thằng Luân hớt hải đưa vợ đi sinh. Nghe mấy đứa bạn nó kể, Luân đang chơi bida quên cả giờ cơm, vợ nó nhắn: “Anh ơi, về với em, em buồn”. Nó nhắn đáp: “Mở TV mà xem phim, không thì chơi games ở máy tính, chiều anh mới về”. Chiều vẫn không thấy Luân về. ông Huỳnh gọi: “Mày có về không, vợ mày đẻ, tao đang chuẩn bị đưa nó vào viện”.

 

Luân về nhà dịu dàng ngồi bên cô vợ trẻ đang khóc thút thít trên taxi cùng đồ đạc lỉnh kỉnh. “Anh định bỏ quên em à, em không cần anh nữa...”. Nói xong cô nàng khóc rống lên, còn người lớn thì cười về sự “chiều vợ” của Luân khi nghe nó nói: “Thôi thôi, nín. Không thương em thì anh về đây làm gì”.

 

Đến bệnh viện, ông bố tương lai cứ đi ra đi vào gần phòng sinh. Bên trong, cô vợ trẻ ra sức gào thét. Nó vào tận nơi thì nghe tiếng vợ, ruột gan cồn cào, hai tay cứ nắm chặt lại với nhau vặn qua vặn lại trông thật thảm. Một lát sau, chịu không được tiếng khóc của vợ, nó lại đi ra thật xa. Đứng ngồi không yên, nó lại vào. Khuôn mặt non nớt để lộ vẻ lo lắng, đăm chiêu. Ông Huỳnh thấy cậu con trai vậy nên lên tiếng: “Mày cũng thương vợ mày đấy nhỉ?”.

 

Từ phòng hộ sinh, tiếng khóc của một đứa trẻ vang lên. Luân nhảy cẫng, reo hò và đến ôm ông Huỳnh. “Con được làm bố rồi bố ơi”. Rồi nó rút mày điện thoại điện với mấy chiến hữu đang còn rong chơi ở một góc phố nào đó: “Vợ tao sinh rồi mày ơi, mừng quá”...

 

Mấy ngày sau nhà ông Huỳnh rộn rã hẳn bởi có thêm một thành viên. Người dân trong hẻm ngạc nhiên vì “cậu ấm” của ông Huỳnh đi làm công nhân ở một công ty gần đó. Nó bỏ hết đám bạn lêu lổng ngày nào để làm việc, kiếm tiền như lời ông Huỳnh phán: “Phải kiếm tiền mua sữa cho con mày”.

 

Bà mẹ Luân thương con, thấy cảnh nó đi đi về về trong bộ dạng nhếch nhắc và ốm đi nhiều mà lòng quặn đau. Dù vậy nhưng bà chẳng làm gì được khi lệnh của chồng là “để cho nó nếm trải mới nên người”. Bọn con nít ở hẻm thường trêu Luân mỗi lần đi làm về: “Ôi ông bố trẻ, ông đi làm về đấy à?”. Luân cười, nụ cười của người hạnh phúc sau một ngày mệt nhọc.

 

Tốn Phong