Xu hướng sử dụng thẻ thông minh trên thế giới
Thị trường thẻ thông minh trên thế giới hiện được đánh giá bằng một cụm từ “Phát triển chóng mặt”.
Theo báo cáo mới nhất “Dự báo thị trường thẻ đến năm 2012” mà RNCOS- Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu, có trụ sở tại Mỹ, công bố: Thẻ thông minh đã tăng trưởng hơn 10% trong năm 2010 so với năm 2009, trong đó thị trường phần lớn được nắm giữ bởi 4 công ty lớn là Gemalto, Oberthur, Sagem Orga (Ingenico) và Giesecke&Devrient. Cũng theo bản báo cáo này, số lượng các dự án về thẻ thông minh cũng tăng trên phạm vi toàn thế giới với mức độ đa dạng và đòi hỏi cao về công nghệ. Hơn nữa, sự bùng nổ về kinh tế và yêu cầu kỹ thuật cao trong lĩnh vực an toàn số cũng làm tăng mức độ nhu cầu sử dụng thẻ thông minh. Theo một nghiên cứu, thị trường thẻ thông minh sẽ đạt mức độ tăng trưởng hai con số (CAGR khoảng 12%) trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013.
Nhiều động lực để tăng trưởng
Trong lĩnh vực ngân hàng, liên minh thẻ EMV (Euro Pay, MasterCard và VISA) được coi là nền tảng để nhiều ngân hàng đầu tư triển khai giải pháp phát hành thẻ thông minh. Theo EMVCo, tính đến hết quý I/ 2011, đã có khoảng 1,2 tỷ thẻ chip EMV đã được phát hành và 18,7 triệu điểm POS chấp nhận thẻ EMV đang hoạt động trên toàn thế giới; tương đương với 40.1% tổng số thẻ thanh toán đang được lưu thông và 71% số lượng POS đã được cài đặt trên toàn cầu.
Hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển đổi sang hệ thống EMV từ lâu. Tiên phong là châu Âu (chuyển đổi từ năm 1996), mà điển hình là Pháp và Anh. Khu vực châu Á, thì Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tiến hànhtừ những năm 2003-2004. Ở Đông Nam Á, Malaysia và Singapore là những quốc gia đầu tiên chuyển đổi hệ thống thanh toán thẻ sang chuẩnEMV từ năm 2005, tiếp sau đó là Thái Lan, Indonesia, Philipine và Việt Nam.
“Dự báo xu hướng thẻ sẽ còn tăng mạnh vào thời gian tới. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân dự kiến của công nghệ thẻ không tiếp xúc từ năm 2011 đến năm 2013 khoảng 24% bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như thanh toán di động, giao thông hay chứng minh số của chính phủ. Số lượng các ứng dụng của thẻ không tiếp xúc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng nhiều hơn so với các lĩnh vực truyền thông, giao thông hay dịch vụ công cộng khác, đặc biệt trong thị trường thanh toán trực tuyến. Đây cũng là xu hướng công nghệ tiếp theo mà các nước trên thế giới đang hướng tới”, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng phân tích.
Cũng theo chuyên gia này,, sự tăng trưởng của công nghệ không tiếp xúc (KTX) trong nhiều mảng thị trường, bao gồm m-payment, vận tải và ID chính phủ, sẽ là yếu tố “kích cầu”, làm tăng lượng thẻ thông minh xuất khẩu với tỉ lệ CAGR khoảng 24% từ năm 2011 đến năm 2013. Tại “mặt trận” ứng dụng, các dịch vụ tài chính sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những khu vực khác nhau như viễn thông, giao thông vận tải và các dịch vụ công. “Thị trường thanh toán trực tuyến tăng trưởng thông qua thẻ sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng tại khu vực này”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Những dự đoán khả quan
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, thị trường thẻ sẽ còn phát triển mạnh trong vài năm tới đây, từng bước trở thành một trong những dịch vụ mang lại nguồn thu tương đối lớn và ổn định cho các ngân hàng thương mại. “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới hiện nay, thanh toán thông qua thẻ sẽ trở thành một phương thức thanh toán thông dụng nhất. Đây là cơ hội cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng tham gia hoạt động thanh toán thẻ. Với tốc độ phát triển nhanh chóng như hiện nay, trong tương lai thẻ thanh toán vẫn sẽ là một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được ưa chuộng, nhất là trong các tầng lớp dân cư. Số lượng thẻ sẽ tiếp tục tăng ở các thị trường trên thế giới”, một lãnh đạo ngân hàng của Việt Nam cho biết.
“Một viễn cảnh phát triển mới và hấp dẫn đang được minh chứng nhờ vào sự chuyển mình của EMV (Europay, MasterCard và Visa), việc triển khai Long Term Evolution (LTE) trên khắp thế giới và sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Ngoài ra, sự thâm nhập của các thiết bị thẻ thông minh mang tính đổi mới trên thị trường sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp tổng thể tiến xa hơn nữa trên một chặng đường dài”, một chuyên gia trong lĩnh vực thẻ của Việt Nam khẳng định. “Hơn thế nữa, nhu cầu lớn về thẻ thông minh tại các thị trường đang nổi lên được xem là một số ngành sản xuất chính ở những khu vực đang mở rộng thị trường. Sự xuất hiện ngày càng rộng rãi của mạng 3G và những trọng tâm chủ yếu dồn cho các giao dịch thanh toán sẽ tạo ra một bước đà mạnh mẽ. Thêm vào đó, những khả năng gắn liên với tiêu chuẩn EMV hiện đang lái các ngân hàng buộc phải phát hành thẻ thông minh”.